Xét duyệt giáo sư bao giờ hết tranh cãi?

17:12 - Thứ Tư, 18/10/2023 Lượt xem: 6427 In bài viết

Những năm gần đây, công tác xét duyệt giáo sư (GS) và phó giáo sư (PGS) có nhiều mặt tiến bộ như các tiêu chuẩn minh bạch hơn, có phần khắt khe hơn với các tiêu chuẩn, tiêu chí.

Từ đó cho thấy, các ứng viên GS, PGS đã được thẩm định khách quan trước khi công nhận, góp phần nâng cao chất lượng GS và PGS nước nhà. Nếu như năm 2017, có 1.537 ứng viên tham gia xét duyệt thì số ứng viên đạt chuẩn là 1.131. Năm 2019 áp dụng tiêu chuẩn mới, số ứng viên cho các chức danh này chỉ còn 725 ứng viên tham gia (trong đó 301 người bị loại và 424 người được công nhận). Số ứng viên tiếp tục giảm ở các năm 2020, 2021... Và con số mới nhất của năm 2022 là chỉ còn 479 ứng viên nộp hồ sơ xét - loại 85 ứng viên.

Việc giảm số lượng hồ sơ ứng viên và giảm số lượng được công nhận có thể do tiêu chuẩn cao và chặt chẽ hơn trước kia, quá trình công khai hồ sơ trước xã hội mà một số người không đủ thành tích học thuật, thiếu thủ tục... hoặc có hiện tượng không trung thực với bản kê khai, nhất là khai báo công trình nghiên cứu khoa học sau khi bị phát hiện, hoặc tự rút ở các hội đồng ngành, liên ngành và Hội đồng GS nhà nước.

Tuy nhiên, dường như năm nào dư luận cũng khá ồn ào về việc xét duyệt chức danh cao quý này. Sự việc này cho thấy có điều gì đó chưa thật ổn ở cả ứng viên đăng ký chức danh, những sai sót của hội đồng cơ sở và hội đồng ngành/liên ngành khiến cho Hội đồng GS nhà nước phải loại tiếp hồ sơ ứng viên. Về phía ứng viên một mặt không nghiên cứu kỹ tiêu chuẩn, đọc không thấu hiểu và có thể cố tình khai không trung thực để cố gắng lấp đầy thành tích, công trình xuất bản bằng mọi cách.

Thường thì tiêu chí nào khó nhất, ứng viên tìm “cửa” để chạy bất chấp đạo lý của nhà khoa học như chạy công trình đăng bài trên các tạp chí “săn mồi”, thuê người viết, “đi đêm” với hội đồng cơ sở. Đến khi bị phát hiện bởi báo chí, hoặc bị rút bài khi phát hiện đạo văn, hoặc đăng trên tạp chí dỏm không phù hợp với chuyên ngành thì quá muộn và tạo cho xã hội cảm thấy không tin tưởng vào những người đạt được tiêu chuẩn và mang tiếng cho những hội đồng nào đó.

Về phía hội đồng cơ sở, không ít hội đồng thiếu trách nhiệm, không nghiêm túc, chủ yếu đếm đầu “sản phẩm” mà không chú ý nhiều đến chất lượng của công trình công bố (sách, giáo trình, bài báo...) và dồn trách nhiệm sàng lọc, xem xét đánh giá lên các hội đồng cấp trên. Việc dễ dãi khi xem xét ở Hội đồng cơ sở là nguyên nhân chính dẫn đến “lọt lưới” hồ sơ trình lên các hội đồng cấp trên. Mặt khác, xét về thành phần hội đồng cơ sở gồm các thành viên ở các ngành khác nhau, mức độ hiểu biết học thuật ở các lĩnh vực chuyên ngành khác rất hạn chế làm sao có thể đưa ra đánh giá ứng viên ở các chuyên ngành khác.

Về phía hội đồng ngành/liên ngành cũng xuất hiện hội đồng làm nghiêm túc, chặt chẽ, thẳng thừng gạt bỏ những ứng viên không phù hợp với tiêu chuẩn của Nhà nước, nhưng cũng có những hội đồng ngành/liên ngành “làm ăn” tắc trách nên vẫn để lọt những hồ sơ ứng viên không đảm bảo theo yêu cầu và bị gạt ra khỏi danh sách xét duyệt ở Hội đồng GS nhà nước. Như vậy, mặc dù tiêu chuẩn và quy trình đã được cải thiện nhiều nhưng vẫn cần có những điều chỉnh và hướng dẫn cần thiết cho các hội đồng cơ sở và hội đồng ngành/liên ngành.

Những năng lực thiết yếu của các thành viên này có thể bao gồm kỹ năng đánh giá xác thực hồ sơ, chất lượng công trình xuất bản mà không phải đếm số công trình, biết về các tạp chí “săn mồi”, kỹ năng xác minh tính đúng đắn, trung thực và tác động của các công trình qua các website về khoa học; kỹ năng phát hiện về hiện tượng bất thường khi công bố các công trình nghiên cứu khoa học; kỹ năng nghe hiểu tiếng Anh....

Những người thiếu năng lực và phẩm chất cần được đưa ra khỏi các quá trình tham gia xét duyệt dù ở bất kỳ hội đồng nào. Rất khó để hết những tranh cãi, ồn ào trong xét duyệt GS và PGS, nhưng tình trạng này một mặt cho thấy tính tích cực nhờ việc công khai của quy trình và mặt khác cho thấy cần phải tiếp tục hoàn thiện các tiêu chuẩn quy trình thủ tục vẫn còn tính hình thức; đặc biệt vấn đề nhân sự tham gia các hội đồng rất cần có tiêu chuẩn và tiêu chí khách quan để tham gia làm thành viên của các hội đồng xét duyệt. Những GS hay PGS lọt lưới và bị phát hiện không liêm chính, vi phạm quy định thì nên bị tước bỏ chức danh được thừa nhận.

TS HOÀNG NGỌC VINH,

Nguyên Vụ trưởng Vụ Giáo dục chuyên nghiệp - Bộ GD-ĐT

Theo SGGP
Bình luận

Tin khác

Back To Top