Khắc phục tình trạng vi phạm đạo đức nhà giáo

09:48 - Thứ Ba, 24/10/2023 Lượt xem: 9946 In bài viết

Trong giáo dục, người thầy luôn là tấm gương sáng để các thế hệ học sinh noi theo. Tuy nhiên, thời gian gần đây, một số vụ việc giáo viên có những hành vi và lời nói thiếu chuẩn mực, vi phạm đạo đức nhà giáo, ảnh hưởng không nhỏ đến tinh thần, thể chất của học sinh cũng như làm giảm sút uy tín, hình ảnh của người thầy, gây bức xúc trong dư luận xã hội.

Cùng với việc nâng cao chuyên môn, nghiệp vụ, thầy cô cần giữ gìn đạo đức nhà giáo. Trong ảnh: Giờ học của cô trò Trường THCS Thanh Hà, huyện Thanh Ba, tỉnh Phú Thọ. 

Mặc dù Bộ Giáo dục và Đào tạo đã ban hành nhiều quy định liên quan tới đạo đức, ứng xử của nhà giáo nhưng vẫn còn nhiều yếu kém, bất cập trong môi trường giáo dục hiện nay. Mới đây, trên mạng xã hội xuất hiện clip giáo viên Trường trung học phổ thông Đa Phúc (Sóc Sơn, Hà Nội) đã có hành vi túm áo học sinh, kéo lê từ ngoài hành lang vào lớp học, có lời nói, hành động không đúng chuẩn mực.

Sự việc chưa kịp lắng xuống thì tiếp tục xuất hiện một đoạn clip ghi lại cảnh một thầy giáo Trường trung học phổ thông Phan Huy Chú (Thạch Thất, Hà Nội) chỉ tay, túm cổ học sinh và dùng nhiều ngôn từ xúc phạm học sinh trong giờ học.

Nguyên nhân dẫn đến những hành vi vi phạm đạo đức nhà giáo là do giáo viên thiếu kỹ năng sư phạm, thiếu kiên nhẫn trong việc giáo dục học sinh; chưa có ý thức giữ gìn phẩm chất, danh dự nhà giáo. Mặt khác, công tác đào tạo giáo viên chưa chú trọng đến phát triển phẩm chất đạo đức và rèn kỹ năng sư phạm...

Các vụ việc nêu trên đều được cơ quan chức năng xác minh, xử lý nghiêm minh. Song điều đáng nói đây không phải lần đầu xảy ra những hành vi như vậy.

Bên cạnh những nhà giáo tận tụy, hết lòng cống hiến với nghề thì thực tế vẫn còn một bộ phận nhà giáo có biểu hiện lệch chuẩn về đạo đức, hành vi ứng xử trong môi trường sư phạm, ảnh hưởng không nhỏ đến niềm tin của xã hội đối với ngành giáo dục. Đáng tiếc, những cư xử như vậy không chỉ xảy ra ở giáo viên trẻ mà ngay cả những giáo viên nhiều năm kinh nghiệm cũng không tránh khỏi sai lầm.

Nguyên nhân dẫn đến những hành vi vi phạm đạo đức nhà giáo là do giáo viên thiếu kỹ năng sư phạm, thiếu kiên nhẫn trong việc giáo dục học sinh; chưa có ý thức giữ gìn phẩm chất, danh dự nhà giáo. Mặt khác, công tác đào tạo giáo viên chưa chú trọng đến phát triển phẩm chất đạo đức và rèn kỹ năng sư phạm...

Đề cập đến vai trò đạo đức nhà giáo, TS Đinh Ngọc Thắng, Trường Sư phạm, Trường đại học Vinh cho biết: Hiện nay, đạo đức nhà giáo được quy định ở nhiều văn bản khác nhau và việc đánh giá đạo đức nhà giáo ở mỗi con người là việc làm vô cùng khó.

Do đó, việc đánh giá đạo đức nhà giáo cần được lan tỏa trong môi trường giáo dục thông qua đạo đức và trách nhiệm. Mọi nhiệm vụ lớn của ngành giáo dục cần gắn liền với đạo đức nhà giáo. Đối với giáo dục vấn đề nêu gương các nhà giáo là việc làm rất quan trọng. Nêu gương cũng cần phải kịp thời, đúng thời điểm và cần phải lan tỏa được những tấm gương tiêu biểu.

"Theo Bộ Giáo dục và Đào tạo, để khắc phục, chấn chỉnh tình trạng giáo viên vi phạm đạo đức nhà giáo cần thực hiện đồng bộ cùng lúc nhiều giải pháp. Về phía các cơ sở giáo dục, cần rà soát và bổ sung nội dung thực hiện đạo đức nhà giáo trong quy chế hoạt động của nhà trường; thực hiện nghiêm túc việc đánh giá cán bộ quản lý, giáo viên hằng năm theo quy định. Tăng cường thanh tra, kiểm tra nền nếp, kỷ cương trường học; xử lý nghiêm các giáo viên, nhân viên, người lao động có hành vi vi phạm đạo đức, hành vi bạo hành thể chất, tinh thần học sinh."

Đối với những trường hợp giáo viên vi phạm, tùy theo mức độ và quy định của pháp luật liên quan, tạm dừng việc giảng dạy, bố trí làm công việc khác để chờ xử lý hoặc xem xét đưa vào diện tinh giản biên chế, chấm dứt hợp đồng làm việc, hợp đồng lao động.

Mặt khác, cán bộ quản lý, nhất là người đứng đầu các cơ sở giáo dục phải gương mẫu, thường xuyên đôn đốc, nhắc nhở giáo viên, nhân viên, người lao động, người học thực hiện nghiêm túc các quy định về đạo đức, nền nếp, kỷ cương trường học; có biện pháp ngăn ngừa, can thiệp hỗ trợ kịp thời không để xảy ra tình trạng giáo viên, nhân viên và người lao động vi phạm đạo đức.

Các cơ sở giáo dục phối hợp với các cơ sở đào tạo giáo viên xây dựng và tập huấn cho giáo viên cách nhận diện và phòng ngừa những tình huống, nguy cơ có thể dẫn đến hành vi vi phạm đạo đức, hỗ trợ tư vấn tâm lý cho nhà giáo và người học khi có tình huống xảy ra.

Về phía giáo viên, phải nêu cao tinh thần tự học, tự bồi dưỡng, rèn luyện nâng cao phẩm chất chính trị, đạo đức và chuyên môn nghiệp vụ. Khắc phục tình trạng quản lý, giáo dục “quyền uy”, áp đặt đối với học sinh. Đặc biệt, các thầy giáo, cô giáo phải có ý thức và trách nhiệm giữ gìn hình ảnh, uy tín, danh dự người thầy.

Trong chương trình đào tạo giáo viên của các trường sư phạm cũng có thời lượng, nội dung nhất định cho đạo đức nhà giáo. Tuy nhiên, các nhà giáo cần tự rèn luyện, tự tu dưỡng, trau dồi chứ không chỉ trông chờ vào việc lồng ghép vào một vài chương trình giáo dục có tính chất ngắn hạn…

Bộ trưởng Giáo dục và Đào tạo Nguyễn Kim Sơn

Đối với các cơ sở đào tạo giáo viên, tăng cường tổ chức các chuyên đề, hoạt động ngoại khóa, thực hành, thực tập sư phạm để rèn các kỹ năng sư phạm, kỹ năng ứng xử, giải quyết tình huống sư phạm và bồi dưỡng đạo đức nhà giáo cho sinh viên sư phạm.

Tiến hành rà soát, cập nhật, đổi mới nội dung, chương trình, giáo trình, hình thức đào tạo; gắn yêu cầu kiến thức, nghiệp vụ sư phạm với năng lực, phẩm chất nghề nghiệp cho sinh viên theo tiêu chuẩn chức danh nghề nghiệp, chuẩn nghề nghiệp giáo viên và yêu cầu của chương trình giáo dục phổ thông mới.

Bộ trưởng Giáo dục và Đào tạo Nguyễn Kim Sơn cho biết: Trong chương trình đào tạo giáo viên của các trường sư phạm cũng có thời lượng, nội dung nhất định cho đạo đức nhà giáo. Tuy nhiên, các nhà giáo cần tự rèn luyện, tự tu dưỡng, trau dồi chứ không chỉ trông chờ vào việc lồng ghép vào một vài chương trình giáo dục có tính chất ngắn hạn…

Theo Nhân dân
Bình luận

Tin khác

Back To Top