Thầy trò Nậm Khăn mong có phòng học kiên cố

15:19 - Thứ Năm, 26/10/2023 Lượt xem: 10437 In bài viết

ĐBP - Đưa học sinh về trường trung tâm để có điều kiện chăm sóc, học tập tốt hơn, song thầy và trò Trường PTDTBT Tiểu học - THCS Nậm Khăn, xã Nậm Khăn (huyện Nậm Pồ) lại đối mặt với thách thức mới về cơ sở hạ tầng. Hiện nay, hơn 100 học sinh nhà trường hàng ngày phải ngồi học trong dãy nhà xuống cấp, mối mọt, không chỉ gây cản trở quá trình tiếp thu kiến thức mà còn tiềm ẩn nhiều nguy cơ mất an toàn.

Dãy nhà hiện đang duy trì 4 lớp, với hơn 100 học sinh theo học.

Đóng chân trên địa bàn xã đặc biệt khó khăn của huyện biên giới Nậm Pồ, Trường PTDTBT Tiểu học - THCS Nậm Khăn hiện là nơi theo học của gần 500 học sinh là con em đồng bào các dân tộc bản địa. Khoảng 3 năm trở lại đây, để đảm bảo việc chăm sóc và dạy học theo chương trình mới, nhà trường đã huy động học sinh từ các điểm bản xa về ở bán trú tại điểm trung tâm. Kéo theo đó là sĩ số học sinh gia tăng, tuy nhiên phòng học chưa đảm bảo khiến việc dạy và học gặp nhiều khó khăn.

Nhiều vị trí tường trát đất bị rơi, rụng chỉ còn trơ lại khung.

Thầy giáo Lò Văn Bốn, Hiệu trưởng nhà trường cho biết: Điểm trường trung tâm hiện có 15 lớp học; trong đó 8 phòng học được xây dựng kiên cố, 3 phòng bán kiên cố, còn lại 4 phòng học tạm. Các phòng học tạm này được làm khung gỗ, vách đất, lợp tôn. Tuy nhiên vì đã sử dụng nhiều năm, bị thời tiết, mối mọt tác động nên hiện nay đã xuống cấp rất nhiều. Do phòng học thiếu nên nhà trường buộc phải bố trí 4 lớp, với hơn 100 học sinh học trong các phòng đã xuống cấp.  

Nhiều vị trí tường trát đất bị rơi, rụng chỉ còn trơ lại khung.

Dãy nhà công vụ cho giáo viên trong trường dựng năm 2008 nhưng từ năm 2014, dãy nhà được chuyển đổi thành phòng học. Sau 15 năm đưa vào sử dụng, đến nay dãy nhà đã xuống cấp nghiêm trọng; đa phần cột nhà, tường, cửa làm bằng gỗ đều bị mối xông, thủng lỗ chỗ; nhiều vị trí tường trát đất bị rơi, rụng chỉ còn trơ lại khung; phần mái do lợp tôn, trần nhựa nên rất nóng vào mùa hè gây nhiều khó khăn cho cả thầy và trò.

Lớp học thủng lỗ chỗ.

Để tạm thời khắc phục, đảm bảo công tác dạy và học, hàng năm nhà trường đều huy động giáo viên sửa chữa, gia cố lại các vị trí hư hỏng, nhất là sau mỗi đợt mưa lũ. Tuy nhiên, do thời tiết diễn biến phức tạp, công trình được một thời gian ngắn lại rơi vào tình trạng cũ, kéo theo cơ sở vật chất, như: bàn, ghế, đồ dùng học tập cũng bị ảnh hưởng. Những vị trí bị mối phá hại thì gần như không thể can thiệp vì sẽ có nguy cơ hư hỏng, sập đổ.

Cũng theo thầy Bốn chia sẻ, về lâu dài, để đảm bảo công tác dạy - học cũng như an toàn sức khỏe, tính mạng cho học sinh, Ban Giám hiệu nhà trường đã nhiều lấn kiến nghị lên các cấp. Ngành Giáo dục và chính quyền địa phương cũng hết sức chia sẻ, song nguồn ngân sách hạn hẹp nên chưa thể bố trí kinh phí xây dựng mới. Chủ trương hiện nay của ngành là sẽ kêu gọi nguồn xã hội hóa từ các tổ chức, cá nhân giàu lòng hảo tâm để đầu tư, xây dựng phòng học cho Nậm Khăn.

Dãy nhà gỗ qua 15 năm sử dụng hiện đã xuống cấp.

“Chúng tôi cũng đã gửi thư ngỏ cùng hình ảnh đến nhiều cá nhân, tổ chức từ thiện, song đến nay vẫn chưa có kết quả. Đa phần các tổ chức từ thiện mong muốn hỗ trợ nhà lớp học tại các điểm bản, nên khi nghe nói xây dựng ở trường trung tâm thì họ không mặn mà. Nhưng thiết nghĩ, ở đâu cũng vậy thôi, học sinh và thầy cô đều mong muốn nhà lớp học đảm bảo phục vụ dạy và học. Ở đây lại càng cấp thiết hơn, khi mỗi năm các lớp học này lại thêm xuống cấp. Trong khi việc học của học sinh thì không thể gián đoạn. Vì thế, trường rất mong sự đồng cảm, chia sẻ của cộng đồng” - thầy Bốn trải lòng.

Bài, ảnh: Hà Linh
Bình luận

Tin khác

Back To Top