Góc nhìn giáo dục: Luẩn quẩn trao quyền

15:33 - Thứ Hai, 30/10/2023 Lượt xem: 4688 In bài viết

“Trao quyền”, “trả lại quyền” là từ khóa về giáo dục được nhắc nhiều nhất tuần qua khi Bộ Giáo dục và Đào tạo lấy ý kiến về dự thảo thông tư lựa chọn sách giáo khoa (SGK).

Từ khi triển khai Chương trình Giáo dục phổ thông 2018 đến nay, đã có hai thông tư quy định về lựa chọn SGK. Điểm khác biệt mấu chốt giữa hai thông tư này là thẩm quyền lựa chọn. Thông tư số 01/2020/TT-BGDĐT áp dụng trong năm đầu triển khai chương trình mới là giao quyền lựa chọn sách giáo khoa cho cơ sở giáo dục phổ thông, xây dựng theo tinh thần của Nghị quyết số 88/2014/QH13 về đổi mới chương trình, sách giáo khoa giáo dục phổ thông.

Thông tư số 25/2020/TT-BGDĐT, áp dụng từ năm học 2021-2022 đến nay, quy định thẩm quyền lựa chọn sách giáo khoa là Ủy ban nhân dân tỉnh/thành phố, xây dựng theo tinh thần của Luật Giáo dục 2019.

Bộ sách giáo khoa lớp 1 mới của nhà xuất bản Giáo dục. Ảnh minh họa

Như vậy, sau một thời gian áp dụng Thông tư 25, việc thành lập hội đồng chọn sách quay lại như đầu năm 2020, quyền chọn SGK là của các cơ sở giáo dục. Nhiều ý kiến đồng tình cho rằng, việc trả lại quyền này là hợp lý, tuy muộn còn hơn không. Tuy nhiên, cũng có không ít băn khoăn liệu việc trao quyền cho các nhà trường có giải quyết được những tiêu cực phát sinh trong việc lựa chọn, có thay đổi được chất lượng dạy học hay chỉ “thêm việc”.

Thực tế, năng lực giáo viên ở mỗi trường là khác nhau, trong khi việc thẩm định, lựa chọn SGK cần một đội ngũ vừa có kinh nghiệm đứng lớp vừa giỏi chuyên môn, tâm huyết với ngành, đồng thời phải đọc thật kỹ các bộ sách. Nhưng cũng chỉ giáo viên, nhà trường biết bộ sách nào phù hợp với điều kiện tổ chức dạy-học tại cơ sở mình... Những ý kiến đưa ra đều có lý lẽ riêng.

Câu chuyện này sẽ khó có hồi kết nếu chúng ta cứ luẩn quẩn, mất thời gian vào chuyện giao quyền chủ động cho ai khi đã có chủ trương một chương trình, nhiều bộ SGK. Điều đó có nghĩa SGK không còn là pháp lệnh, chỉ nên xem là tài liệu hỗ trợ dạy học.

Việc chọn bộ sách nào không quá quan trọng, bởi bộ nào cũng là tâm huyết của các tác giả; dù chọn sách nào thì yêu cầu cần đạt đều giống nhau. Những bộ sách đều đã được Bộ Giáo dục và Đào tạo thẩm định, đáp ứng mục đích, tiêu chuẩn/tiêu chí... sự khác biệt là ở dữ liệu và cách trình bày. Mặt khác, dù dạy theo bộ sách nào, giáo viên vẫn phải tham khảo thêm những tài liệu bên ngoài để có bài giảng tốt nhất, phù hợp nhất với học sinh.

Có lẽ thay vì tốn thời gian tranh cãi về dự thảo này, dự thảo kia, loay hoay xem ai là người chọn thì nên chú trọng vào kiến thức, vì mục đích cuối cùng cũng là chất lượng giáo dục. Ngành giáo dục cũng nên dành thời gian vào việc bảo đảm tiến độ SGK. Đừng để gần tới năm học, các thầy cô vẫn phải nhấp nhổm chờ sách như hiện nay. Với thời gian lựa chọn ngắn, số bản mẫu SGK nhiều, nhất là ở cấp tiểu học khiến giáo viên gặp khó khăn trong nghiên cứu, đề xuất lựa chọn, cũng như cải thiện chất lượng dạy học.

Nếu cho rằng để các trường chọn SGK sẽ hạn chế được tiêu cực thì chưa chính xác, bởi ở cấp nào chọn sách, việc đó cũng có thể xảy ra. Nên chăng Bộ Giáo dục và Đào tạo cần tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra để hạn chế các tiêu cực trong chọn sách.

Giáo dục như “làm dâu trăm họ”, bởi vậy, mỗi chủ trương đưa ra cần lấy người học làm trung tâm thụ hưởng, tránh nguy cơ lạm dụng để trục lợi.

Theo QĐND
Bình luận

Tin khác

Back To Top