Phòng chống dịch bệnh trong trường học

08:53 - Chủ Nhật, 05/11/2023 Lượt xem: 5103 In bài viết

ĐBP - Thời tiết đang chuyển dần sang mùa lạnh, là điều kiện để các dịch bệnh truyền nhiễm phát sinh và phát triển. Trên địa bàn tỉnh, các dịch bệnh cơ bản được kiểm soát tốt. Tuy nhiên, với 483 trường, trung tâm, hơn 206.000 học sinh, sinh viên, trong đó phần đông học sinh ở bán trú thì môi trường học đường tiềm ẩn nhiều nguy cơ lây truyền dịch bệnh. Bởi vậy ngành Giáo dục và Ðào tạo (GD&ÐT) luôn chú trọng chỉ đạo, triển khai phòng chống dịch bệnh trong các cơ sở giáo dục.

Nhân viên y tế Trường Phổ thông DTBT Tiểu học và THCS Nậm Khăn (huyện Nậm Pồ) kiểm tra sức khỏe cho học sinh.

Thời gian gần đây, một số dịch bệnh có chiều hướng gia tăng, nhất là với trẻ em, như: Ðau mắt đỏ, cúm, tay chân miệng... Ngoài ra trên địa bàn cũng xuất hiện dịch bạch hầu, bệnh than, gây nhiều lo lắng cho người dân nói chung, phụ huynh có con em trong độ tuổi đến trường, ăn nghỉ tại trường nói riêng. Bởi vậy ngành GD&ÐT đã ban hành nhiều văn bản chỉ đạo tăng cường các biện pháp phòng chống dịch, như: dịch bệnh đau mắt đỏ, bệnh than, bạch hầu, thực hiện các biện pháp phòng, chống cúm gia cầm lây sang người trong các cơ sở giáo dục và đào tạo; tăng cường công tác phòng, chống dịch bệnh do muỗi truyền vì hiện tượng El Nino...

Tại Trường Phổ thông DTBT Tiểu học và THCS Nậm Khăn (huyện Nậm Pồ), dù một vài bệnh chỉ xuất hiện lẻ tẻ, không thành dịch, không đáng lo ngại, nhưng với 247/622 học sinh ở bán trú, nhà trường rất chú trọng phòng chống dịch. Cô Lèng Thị Dương, nhân viên y tế Trường cho biết: “Tôi thường xuyên lưu ý sức khỏe học sinh, nhất là các em ở nội trú. Khi 1 học sinh có biểu hiện bệnh, ốm sốt sẽ được thăm khám, tư vấn. Nếu cần đưa các em đến trạm y tế để được chăm sóc, điều trị sớm. Cùng với đó, tôi và các giáo viên luôn nhắc nhở, hướng dẫn học sinh giữ gìn vệ sinh nơi ở, nơi học, thường xuyên rửa tay sạch sẽ để hạn chế các dịch bệnh”.

Tại huyện Tuần Giáo, Phòng GD&ÐT cũng chỉ đạo, triển khai xuống từng trường tăng cường công tác phòng chống dịch. Các đơn vị xây dựng kế hoạch hoạt động đảm bảo vệ sinh trường, lớp học, nhất là bậc mầm non thường xuyên sát khuẩn, làm sạch đồ dùng, đồ chơi; hướng dẫn và giúp trẻ vệ sinh cá nhân sạch sẽ, đảm bảo trẻ có khăn mặt riêng, rửa tay bằng nước sạch với xà phòng... Ông Ðỗ Văn Sơn, Trưởng phòng GD&ÐT huyện Tuần Giáo cho biết: “Phòng cùng các trường thường xuyên theo dõi, cập nhật thông tin chính thức về tình hình diễn biến bệnh tại địa phương nơi đơn vị đứng chân; chủ động phối hợp với ngành Y tế tổ chức thực hiện các biện pháp phòng bệnh tại cơ sở giáo dục, đặc biệt là các trường mầm non, tiểu học, các trường nội trú, bán trú và trường có học sinh bán trú. Kịp thời thông báo ngay cho cơ sở y tế địa phương khi phát hiện học sinh mắc bệnh để triển khai xử lý triệt để”. Nhờ đó trên địa bàn không xảy ra ổ dịch lớn. Gần đây dịch đau mắt đỏ lây lan rộng trong toàn tỉnh, nhưng Tuần Giáo không ghi nhận nhiều.

Cùng với các biện pháp phòng chống dịch bệnh, Tuần Giáo đẩy mạnh thực hiện công tác nước sạch, vệ sinh môi trường trong trường học giai đoạn 2023 - 2026. Phấn đấu thực hiện đạt và vượt các mục tiêu như: Trên 75% trường học cung cấp đủ nước uống và nước sạch cho sinh hoạt, hoạt động; đảm bảo 100% trường học có nhà vệ sinh cho học sinh; 100% học sinh được truyền thông, giáo dục kiến thức về nước sạch, vệ sinh cá nhân, vệ sinh môi trường trong trường học; 100% học sinh biết, thực hành thường xuyên rửa tay với nước sạch và xà phòng... Qua đó góp phần quan trọng vào phòng chống dịch bệnh.

Ðây cũng là những hoạt động đang được quan tâm triển khai trong toàn tỉnh. Ngành GD&ÐT, các cơ sở giáo dục phối hợp với các cơ quan, đơn vị liên quan triển khai các hoạt động, biện pháp phòng, chống dịch bệnh; nắm bắt và báo cáo kịp thời thông tin về dịch bệnh trong trường học cho các cấp, ngành liên quan để phối hợp xử lý; phối hợp triển khai tiêm vắc xin có thành phần bạch hầu cho học sinh tại những trường thuộc các xã có dịch, nguy cơ cao xảy ra dịch bạch hầu theo đề nghị của ngành Y tế. Các đơn vị kiểm tra thùng, bể chứa nước, diệt bọ gậy phòng bệnh truyền nhiễm do muỗi; trường có bếp ăn tập thể kiểm soát chặt nguồn thực phẩm, không sử dụng thịt gia cầm, sản phẩm gia cầm không rõ nguồn gốc, chưa qua kiểm dịch... Cùng với đó lồng ghép trong các bài giảng, môn học liên quan, tuyên truyền bằng nhiều hình thức đến học sinh, sinh viên và gia đình các em để mọi người hiểu và chủ động cùng thực hiện các biện pháp phòng chống dịch bệnh.

Bài, ảnh: Bảo Anh
Bình luận

Tin khác

Back To Top