Phát triển văn hóa đọc trong học sinh Mường Nhé

08:55 - Chủ Nhật, 05/11/2023 Lượt xem: 4870 In bài viết

ĐBP - Sôi nổi, hấp dẫn và đầy hứng thú giữa không gian tri thức đến từ sách là trải nghiệm thú vị dành cho học sinh thông qua Ngày hội Sách và Văn hóa đọc được các trường học tại huyện Mường Nhé duy trì tổ chức nhiều năm qua. Sức lan tỏa từ ngày hội đã tạo thành phong trào đọc sách, nhu cầu tìm hiểu tri thức sôi nổi trong học sinh các trường học địa phương. Tuy nhiên, thực tế cho thấy vẫn cần những giải pháp mang tính thường xuyên, liên tục và bền vững hơn. 

Học sinh Trường Phổ thông Dân tộc Bán trú Tiểu học số 1 Chung Chải, huyện Mường Nhé đọc sách ngoài giờ lên lớp.

Ðóng chân trên địa bàn biên giới, khó khăn của huyện Mường Nhé, Trường Phổ thông Dân tộc Bán trú Tiểu học số 1 Chung Chải là nơi theo học của hơn 400 học sinh, trong đó trên 98% là con em đồng bào dân tộc thiểu số. Ða phần các em đến từ những bản đặc biệt khó khăn, nhiều gia đình thuộc diện nghèo, cận nghèo. Thầy Phạm Văn Khiêm, Hiệu trưởng Trường Phổ thông Dân tộc Bán trú Tiểu học số 1 Chung Chải cho biết: “Vì điều kiện thiếu thốn nên phụ huynh chỉ cố gắng đáp ứng được những yêu cầu tối thiểu cho con em đi học (quần áo, sách bút…). Số em có sách (ngoài sách giáo khoa) và duy trì thói quen đọc còn hạn chế. Một trong những rào cản trong việc tiếp cận sách của học sinh nhà trường là thiếu nguồn cung cấp để đáp ứng nhu cầu đọc”.

Trên thực tế, nhu cầu đọc sách của học sinh nhà trường là rất lớn. Theo thầy Khiêm chia sẻ thì tại Ngày hội Sách và Văn hóa đọc được duy trì tổ chức hàng năm đều thu hút rất đông học sinh nhà trường tham gia. Việc tổ chức ngày hội được thực hiện theo từng chủ đề, phù hợp với cấp học và điều kiện thực tiễn của đơn vị. Tại đây, trường đồng thời phát động phong trào đọc sách trong thư viện nhà trường; tổ chức các hoạt động ngoại khóa về sách… “Tại ngày hội, các em đều tỏ ra rất hào hứng, thích thú. Ðặc biệt là khi tiếp cận những đầu sách mới và trực tiếp tham gia trải nghiệm về sách. Rất tiếc, đây không phải hoạt động thường xuyên” - thầy Khiêm chia sẻ.

Theo ông Phạm Thiết Chùy, Trưởng phòng Giáo dục và Ðào tạo huyện Mường Nhé, trước nhu cầu tìm hiểu tri thức rất lớn của học sinh địa phương, nhiều năm trở lại đây, các trường trên địa bàn đã duy trì tổ chức và phát huy rất tốt hiệu quả từ Ngày hội Sách và Văn hóa đọc. Ngày hội được phổ biến sâu rộng tới toàn thể cán bộ, giáo viên, nhân viên và học sinh dưới nhiều hình thức đa dạng, phong phú, như: Trang website nhà trường, gmail, zalo, facebook... phù hợp với điều kiện thực tiễn của từng đơn vị. Tại mỗi ngày hội đều phát động, tổ chức phong trào thu gom, ủng hộ sách vở cho học sinh hoặc các điểm trường khó khăn. Khuyến khích cha mẹ học sinh đồng hành, ủng hộ các phong trào xây dựng tủ sách lớp học; tổ chức các hoạt động luân chuyển sách, báo, tài liệu và trưng bày, giới thiệu sách; xây dựng các góc đọc, thư viện cùng học.

“Với thông điệp, “Sách: Nhận thức - Ðổi mới - Sáng tạo”; “Sách cho tôi, cho bạn”, Ngày hội Sách và Văn hóa đọc Việt Nam lần thứ 2 năm 2023 đã được tuyên truyền bằng nhiều hình thức đa dạng, linh hoạt tại 35/35 trường học trên địa bàn. 100% đơn vị thực hiện nghiêm túc việc treo băng rôn tuyên truyền; 100% cán bộ quản lý, giáo viên, nhân viên và học sinh nhận thức đúng về vai trò và tầm quan trọng của sách đối với việc xây dựng một xã hội học tập; 100% nhà trường đã phát động phong trào đọc sách tới toàn thể cán bộ, giáo viên, nhân viên và học sinh” - ông Phạm Thiết Chùy cho biết.

Ngoài ra, hiện 23/23 trường (tiểu học, tiểu học-THCS và THCS) trên địa bàn đã hướng dẫn học sinh kỹ năng tìm kiếm thông tin, kỹ năng đọc nhanh và hiệu quả; cách chọn sách phù hợp với tâm lý lứa tuổi học sinh, nhiều trường đã chú trọng xây dựng và sử dụng hiệu quả các góc đọc và thư viện xanh tại nhà trường. 11/11 trung tâm học tập cộng đồng các xã đã triển khai đầy đủ văn bản của Phòng Giáo dục và Ðào tạo huyện theo quy định. 100% trung tâm học tập cộng đồng xã đã tổ chức tốt việc tuyên truyền trên thông tin đại chúng về vai trò của sách đối với đời sống của nhân dân, giới thiệu về kho tài nguyên điện tử cho phép truy cập…

Ðể phát triển văn hóa đọc bền vững, lâu dài thì việc xây dựng và duy trì tốt các thư viện trường học được xem là giải pháp quan trọng. Theo thống kê, toàn huyện Mường Nhé hiện có 23/23 đơn vị trường cấp tiểu học và THCS có thư viện riêng. Tại các thư viện nhà trường có khoảng trên 100 đầu sách các loại. Dẫu vậy, qua đánh giá, thư viện tại một số đơn vị trường chưa đảm bảo diện tích. Một số chưa được đầu tư xây dựng và đang phải tận dụng các phòng khác, như: Phòng học, phòng chức năng… để bố trí làm thư viện. Không chỉ vậy, đầu sách tại các thư viện vẫn hạn chế, đặc biệt là các đầu sách tham khảo, nâng cao dành cho giáo viên và các loại sách dành riêng cho học sinh. Do vậy, cần nhiều hơn nữa sự quan tâm của các cấp, ngành, cũng như tổ chức xã hội từ thiện trong việc chung tay “làm giàu” thêm nguồn vốn tri thức cho các thư viện trường học, đáp ứng nhu cầu tìm hiểu của học sinh các dân tộc thiểu số trên địa bàn.

Bài, ảnh: Diệp Chi
Bình luận
Back To Top