Gỡ "khó" cho trường nghề công lập

10:07 - Thứ Tư, 08/11/2023 Lượt xem: 3911 In bài viết

Nguồn thu giảm vì không được phép tăng học phí, chi thường xuyên tăng, các cơ sở giáo dục nghề nghiệp công lập hoạt động theo cơ chế tự chủ trên địa bàn thành phố Hà Nội đang gặp nhiều khó khăn, vướng mắc trong lộ trình nâng mức học phí.

Để các trường nghề công lập thực hiện tốt chức năng, nhiệm vụ của mình, cần sớm có phương án gỡ khó, bảo đảm cho các trường có đủ nguồn lực, từ đó đào tạo ra những lao động có kỹ năng nghề chất lượng cao...

Một giờ thực hành của sinh viên Trường Cao đẳng Công nghệ cao Hà Nội.

Còn nhiều vướng mắc

Năm 2022, các cơ sở giáo dục nghề nghiệp công lập của thành phố Hà Nội đã xây dựng phương án và được giao kinh phí tự chủ trên cơ sở mức học phí, mức cấp bù miễn giảm học phí theo mức quy định tại Nghị định số 81/2021/NĐ-CP ngày 27-8-2021 về cơ chế thu, quản lý học phí đối với cơ sở giáo dục thuộc hệ thống giáo dục quốc dân và chính sách miễn, giảm học phí, hỗ trợ chi phí học tập; giá dịch vụ trong lĩnh vực giáo dục, đào tạo.

Tuy nhiên, ngày 20-12-2022, Chính phủ ban hành Nghị quyết số 165/NQ-CP về học phí đối với cơ sở giáo dục và đào tạo công lập năm học 2022-2023, trong đó tại Điều 2 có quy định các cơ sở đào tạo giáo dục nghề nghiệp công lập giữ ổn định mức thu học phí năm học 2022-2023 bằng mức thu học phí của năm học 2021-2022. Điều này dẫn đến tổng nguồn thu - vốn là cơ sở để các trường xây dựng phương án tự chủ - giảm đáng kể, ảnh hưởng trực tiếp đến việc tự bảo đảm hoàn toàn chi thường xuyên của các trường.

Theo hướng dẫn của Bộ Giáo dục và Đào tạo về việc triển khai thực hiện Nghị quyết số 165/NQ-CP, đối với trường hợp đã thu học phí năm học 2022-2023 cao hơn mức thu học phí năm học 2021-2022 thì thực hiện hoàn trả phần chênh lệch cho học sinh hoặc giảm trừ vào kỳ thu học phí tiếp theo. Trong trường hợp cơ sở giáo dục đã được cấp bù học phí năm học 2022-2023 theo mức quy định tại Nghị định số 81/2021/NĐ-CP thì phần chênh lệch sẽ giảm trừ trong lần giao dự toán tiếp theo hoặc hoàn trả lại ngân sách nhà nước.

Trên thực tế, các trường trung cấp trực thuộc Sở Lao động - Thương binh và Xã hội và các trường cao đẳng trực thuộc thành phố đã được phân loại tự chủ năm 2023. Vì vậy, nếu thực hiện giảm trừ trong lần giao dự toán hoặc hoàn trả lại ngân sách nhà nước thì các cơ sở giáo dục nghề nghiệp công lập sẽ gặp nhiều khó khăn trong việc bảo đảm mức tự chủ chi thường xuyên như phương án đã xây dựng. Thứ nhất, nguồn thu bị giảm do giảm trừ dự toán năm 2023 số kinh phí cấp bù miễn giảm học phí. Thứ hai, nguồn thu 5 tháng đầu năm 2023 cũng bị giảm do nguồn thu học phí và mức cấp bù miễn giảm học phí học kỳ II năm học 2022-2023 giữ nguyên theo mức học phí năm học 2021-2022 (không tăng theo lộ trình). Trong khi đó, đa phần các khoản chi thường xuyên đều tăng, bao gồm việc từ ngày 1-7-2023, mức lương cơ sở được điều chỉnh từ 1.490.000 đồng lên 1.800.000 đồng...

Về vấn đề này, Hiệu trưởng Trường Trung cấp nghề Giao thông công chính Hà Nội Trần Việt Hùng chia sẻ: “Trường chúng tôi bị giảm trừ nguồn thu, phải trả lại kinh phí đã chi và cắt giảm 50% định mức giá dịch vụ đào tạo được duyệt khi xây dựng phương án tự chủ theo Nghị định số 81/NĐ-CP. Việc này gây khó khăn không nhỏ đến công việc, thu nhập của các cán bộ, giáo viên”.

Cần hỗ trợ nguồn thu

Từ thực tế đó, UBND thành phố Hà Nội đã có văn bản gửi Bộ Giáo dục và Đào tạo, Bộ Tài chính, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội đề nghị cho phép hỗ trợ ngân sách đối với phần kinh phí do nguồn thu giảm khi thực hiện Nghị quyết số 165/NQ-CP, hoặc giãn thời hạn giảm trừ dự toán đối với các cơ sở giáo dục nghề nghiệp công lập thuộc thành phố quản lý.

Về lộ trình tăng học phí theo Nghị định số 81/2021/NĐ-CP, Hà Nội đề nghị các bộ cho phép năm học 2023-2024 được áp dụng mức trần học phí đối với cơ sở giáo dục nghề nghiệp công lập chưa tự bảo đảm chi thường xuyên và chi đầu tư bằng mức trần học phí năm học 2022-2023. Từ năm học 2024-2025 đến năm học 2026-2027, khung học phí sẽ lùi 1 năm, góp phần hỗ trợ các cơ sở giáo dục nghề nghiệp công lập có nguồn thu bù đắp chi phí, phục vụ đổi mới và nâng cao chất lượng đào tạo, đồng thời khuyến khích các cơ sở đẩy nhanh lộ trình tự chủ chi thường xuyên, gia tăng điều kiện để hội nhập quốc tế.

Chỉ thị số 21/CT-TƯ ngày 24-5-2023 của Ban Bí thư về tiếp tục đổi mới, phát triển và nâng cao chất lượng giáo dục nghề nghiệp đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 đã nêu rõ yêu cầu tăng cường nguồn lực, ưu tiên ngân sách nhà nước cho giáo dục nghề nghiệp trong tổng chi ngân sách nhà nước cho giáo dục - đào tạo tương xứng với vị trí, vai trò của giáo dục nghề nghiệp, nhất là cho đào tạo nhân lực chất lượng cao, các ngành, nghề trọng điểm, mũi nhọn.

Trong bối cảnh buộc phải giữ ổn định mức thu học phí năm học 2022-2023 bằng mức thu học phí của năm học 2021-2022, các trường cao đẳng trực thuộc thành phố, các trường trung cấp trực thuộc Sở Lao động - Thương binh và Xã hội thuộc diện tự bảo đảm hoàn toàn chi thường xuyên đang rất cần sự vào cuộc của các cấp với kỳ vọng phương án hỗ trợ nguồn thu cho các trường từ ngân sách nhà nước sẽ được xem xét và thông qua, hỗ trợ các đơn vị đang từng bước thực hiện tự chủ, bảo đảm mục tiêu cung cấp nguồn nhân lực chất lượng, có kỹ năng tay nghề cao phục vụ phát triển kinh tế - xã hội.

---------

Hiệu trưởng Trường Trung cấp nghề Cơ khí I Hà Nội Phạm Quang Vinh:
Khó giữ chân giáo viên

 

Ở trường chúng tôi, định mức chi gần 1,8 triệu đồng của năm 2022 không phải mức đủ, mà mới chỉ dừng ở “tiến tới mức đủ”, bởi đào tạo nghề có chất lượng đòi hỏi phải trang bị máy móc, trang, thiết bị tương xứng. Nay học phí không tăng theo lộ trình, mà còn giảm định mức chi xuống còn hơn 800.000 đồng, trong bối cảnh giá cả nguyên, vật liệu đầu vào đều tăng. Điều này cực kỳ mâu thuẫn với yêu cầu phải chú trọng đào tạo nghề chất lượng cao.

Hằng năm, chúng tôi vẫn tuyển sinh trung bình 1.000 học sinh/năm học, khối lượng công việc không giảm mà thậm chí còn tăng thêm. Nếu thu hồi khoản chi đã áp dụng theo Nghị định số 81/2021/NĐ-CP, quỹ lương của cán bộ, giáo viên nhà trường chỉ còn khoảng 30%. Quỹ lương không bảo đảm, thưởng không có, chúng tôi biết làm gì để giữ chân giáo viên giỏi?. Hiện các cơ sở giáo dục nghề nghiệp chưa tự chủ được ngân sách nhà nước cấp bù. Do chưa có cơ chế ngân sách nhà nước cấp bù cho cơ sở giáo dục nghề nghiệp tự chủ, chúng tôi rất trông đợi quyết nghị của HĐND thành phố Hà Nội nhằm tháo gỡ khó khăn này.

Hiệu trưởng Trường Trung cấp Nghề nấu ăn - nghiệp vụ du lịch và thời trang Hà Nội Nguyễn Xuân Hùng:
Hoạt động đào tạo bị ảnh hưởng lớn

Do yêu cầu của Chính phủ phải giữ nguyên học phí theo mức thu của năm học 2021-2022 (không tăng theo lộ trình của Nghị định số 81/2021/NĐ-CP) nên nguồn thu của trường năm học 2022-2023 bị ảnh hưởng. Trong khi đó, chi thường xuyên của các trường đều tăng, do từ ngày 1-7-2023, mức lương cơ sở được điều chỉnh từ 1.490.000 đồng lên 1.800.000 đồng.

Nghị quyết số 165/NĐ-CP ngày 20-12-2022 của Chính phủ ban hành khi nhà trường chúng tôi đã thực hiện phương án tự chủ, chi trả chi phí trên cơ sở Quy chế chi tiêu nội bộ và mức học phí điều chỉnh tăng theo Nghị định số 81/2021/NĐ-CP. Hội đồng trường đã họp, ra quyết định triển khai, đến khi mọi việc vào guồng, giờ lại phải dừng thực hiện, quay trở lại mức thu như năm cũ làm ảnh hưởng rất lớn đến hoạt động đào tạo - dạy nghề. Trong bối cảnh các trường dân lập, tư thục sẵn sàng trả giá dịch vụ đào tạo cho giáo viên gấp từ 2 đến 3 lần so với trường nghề công lập do mức học phí của họ được thu cao, chúng tôi thực sự gặp rất nhiều khó khăn trong việc giữ chân những giáo viên giỏi, giàu kinh nghiệm.

Hiệu trưởng Trường Trung cấp Kinh tế - Kỹ thuật Bắc Thăng Long Tạ Văn Xã:
Cần nguồn ngân sách cấp bổ sung

Với tinh thần luôn “đi trước một bước”, các trường trung cấp trực thuộc Sở Lao động - Thương binh và Xã hội và các trường cao đẳng trực thuộc thành phố Hà Nội đều được phân loại tự chủ. Trong đó, hầu hết các cơ sở giáo dục nghề nghiệp công lập đều thuộc diện tự bảo đảm hoàn toàn chi thường xuyên. Nay học phí buộc phải giữ nguyên như năm cũ, nguồn thu đầu vào không tăng, đương nhiên dẫn đến không đủ kinh phí để nhà trường hoạt động. Hệ lụy là các trường không có kinh phí mua nguyên, vật liệu phục vụ việc học tập, thực hành của học sinh, cơ chế lương cho giáo viên không bảo đảm, không đủ hấp dẫn để thu hút người giỏi giảng dạy.

Mỗi tháng, quỹ lương của trường chúng tôi phải chi trả lương hơn 700 triệu đồng. Với tình hình thu - chi hiện tại, do nguồn thu bị giảm, việc chi trả lương cho hơn 80 người/tháng của trường đã là rất cố gắng, còn nguồn bổ sung thiết bị giảng dạy hầu như không có, về lâu dài sẽ ảnh hưởng trực tiếp đến công tác tuyển sinh. Do trường không được thu đúng, thu đủ theo định mức giá dịch vụ đào tạo, chúng tôi rất cần nhận được nguồn ngân sách cấp bổ sung.

Theo HNM
Bình luận

Tin khác

Back To Top