Nút thắt không dễ gỡ trong dạy môn tích hợp

15:45 - Thứ Tư, 08/11/2023 Lượt xem: 5798 In bài viết

Dạy học tích hợp là điểm nghẽn lớn nhất trong triển khai Chương trình Giáo dục phổ thông 2018. Tuy nhiên, thay vì điều chỉnh môn tích hợp như dự kiến, Bộ Giáo dục và Đào tạo (GD-ĐT) mới ra văn bản hướng dẫn dạy môn tích hợp trong bối cảnh hầu hết các trường chưa có giáo viên dạy môn học này.

Loay hoay tích hợp

Dạy học tích hợp là phương pháp dạy mà các kiến thức, kỹ năng của nhiều môn học được kết hợp lại để tạo thành một chủ đề học tập. Tuy nhiên, một trong những nút thắt lớn nhất để thực hiện là đội ngũ giáo viên dạy môn tích hợp đến giờ vẫn chưa có. Thực tế 1 giáo viên dạy 2-3 phân môn gặp nhiều khó khăn, thậm chí không thể, còn để 2-3 giáo viên dạy 1 môn học lại quá rắc rối và phức tạp trong việc phối hợp, thống nhất nội dung, phương pháp dạy học, đánh giá học sinh...

Với nhiều năm kinh nghiệm dạy môn Lịch sử, cô Lò Thị Kiều Oanh, giáo viên Trường THPT Trương Định (quận Hoàng Mai, TP Hà Nội) chia sẻ: “Dạy đúng và dạy hay là hai cấp độ khác nhau. Giáo viên môn Lịch sử cần có thời gian nghiên cứu nội dung giáo dục khi Chương trình Giáo dục phổ thông 2018 thay đổi cả về nội dung lẫn phương pháp tiếp cận, nếu phải tìm hiểu thêm môn Địa lý, giáo viên gặp vô vàn khó khăn. Thực tế dạy học, việc tích hợp kiến thức lịch sử và địa lý là có, nhưng chỉ tích hợp liên môn một số bài với mức độ khác nhau để nội dung bài học phong phú, hay hơn, học sinh nhớ bài hơn. Những tích hợp đó khá tự nhiên, không gò ép, khiên cưỡng, khuôn khổ như bây giờ. Mỗi bộ môn có các phương pháp truyền tải khác nhau, nếu chỉ chăm chăm vào kiến thức liên môn thì rất dễ xa rời kiến thức căn bản của môn học. Chưa kể những rắc rối trong việc phân công kế hoạch dạy học, kiểm tra đánh giá. Nếu như trước học sinh phải học cả môn Lịch sử và Địa lý mới có điểm, nay chỉ cần học một trong hai môn cũng có khả năng qua môn học bởi điểm môn tích hợp là điểm trung bình của hai phân môn. Thực tế học sinh đã nhìn ra kẽ hở này để áp dụng”.

Học sinh Trường THCS Trọng Điểm (TP Hạ Long, tỉnh Quảng Ninh) trong giờ học. 

Để khắc phục những khó khăn, vướng mắc, Bộ GD-ĐT đã ban hành Công văn số 5636/BGDĐT-GDTrH hướng dẫn về việc xây dựng kế hoạch dạy học các môn Khoa học tự nhiên, Lịch sử và Địa lý, Hoạt động trải nghiệm, hướng nghiệp ở cấp THCS. Theo đó, các nhà trường thực hiện việc phân công giáo viên phù hợp về chuyên môn được đào tạo, xây dựng kế hoạch và tổ chức dạy học các môn Khoa học tự nhiên (Vật lý-Hóa học-Sinh học) theo mạch nội dung. Môn Lịch sử và Địa lý sẽ dạy đồng thời theo từng phân môn. Nội dung bài kiểm tra đánh giá định kỳ với môn Lịch sử và Địa lý phải phù hợp với nội dung và thời lượng dạy học theo từng phân môn tính đến thời điểm kiểm tra.

Như vậy, từ khi thực hiện theo Chương trình Giáo dục phổ thông 2018 đến nay, các môn học tích hợp đã có không dưới 3 văn bản hướng dẫn dạy từ song song đến bắt buộc dạy cuốn chiếu và giờ không còn quy định bắt buộc giáo viên dạy theo logic sắp xếp tuyến tính, không bắt buộc dạy học cuốn chiếu, tùy điều kiện có thể dạy đồng thời các mạch nội dung của 3 phân môn: Vật lý, Hóa học, Sinh học. Với môn Lịch sử và Địa lý, thay vì học theo mạch kiến thức, giáo viên dạy theo từng phân môn Lịch sử, Địa lý và các chủ đề liên môn.

Sách giáo khoa môn tích hợp nhưng nội dung lại không tích hợp

Dù Bộ GD-ĐT có những hướng dẫn được cho là “gỡ rối” trong dạy học tích hợp nhưng thực tế đây chỉ là giải pháp tình thế bởi gốc của vấn đề là thiếu giáo viên môn tích hợp; chương trình, sách giáo khoa chưa thực sự tích hợp vẫn chưa được giải quyết. Hơn nữa, hướng dẫn không mới so với cách các trường đang làm, có chăng là thêm cơ sở pháp lý để thực hiện.

Một lãnh đạo trường THCS ở Bắc Giang cho hay hướng dẫn của Bộ GD-ĐT có vẻ rất dài nhưng bản chất với môn Lịch sử và Địa lý, giáo viên môn nào được trả về môn đó như trước. Thực tế, các trường trong thành phố đã chủ động thực hiện việc dạy như vậy từ lâu bởi sách giáo khoa viết tuần tự hết lịch sử mới tới địa lý. Nếu dạy lần lượt theo trình tự đó thì không thể kiểm tra học sinh do đề bài yêu cầu đánh giá kiểm tra phải có cả câu hỏi lịch sử và địa lý.

Nhiều giáo viên cho rằng, ngay cả sách giáo khoa môn tích hợp nhưng nội dung lại không tích hợp, chỉ là gộp cơ học các quyển sách vào làm một, phần chung duy nhất là bìa sách. Những lớp tập huấn thời gian ngắn không đủ cung cấp kiến thức môn học khác để họ đảm nhiệm các môn tích hợp. Hơn nữa, giảng viên bồi dưỡng chứng chỉ cho giáo viên cũng là giáo viên đơn môn, không dạy được các phân môn khác.

“Tập huấn sách giáo khoa đến môn nào là giáo sư môn đó trình bày, hỏi khác môn giáo sư cũng không trả lời được, vậy tại sao lại bắt giáo viên dạy 3 môn trong môn Khoa học tự nhiên hay 2 môn trong môn Lịch sử-Địa lý?”, một giáo viên Trường THCS Chu Văn An (quận Tây Hồ, TP Hà Nội) đặt vấn đề.  

Các chuyên gia giáo dục thừa nhận dạy học tích hợp là mô hình rất hay của các nước có nền giáo dục tiên tiến vì loại bỏ các kiến thức trùng lặp ở đơn môn. Vấn đề là các giáo viên đơn môn cần đào tạo, bồi dưỡng trong thời gian dài mới có thể đảm nhiệm. Sự chuẩn bị ấy phải đồng bộ từ con người đến cơ sở vật chất, từ người quản lý đến giáo viên để vận hành hiệu quả.

Mặt khác, người viết sách giáo khoa phần lớn dành thời gian nghiên cứu và “lăn lộn” thực tế qua rất nhiều trường học. Nếu cứ “ép duyên” như hiện nay, giáo viên không kham nổi theo cách liên môn, môn học sẽ đi vào con đường chết. Bởi vậy, trước cuộc “kết hôn” vội vàng này, các giáo viên môn tích hợp đều mong chờ một cuộc “ly hôn”, để môn nào về đúng vị trí môn đó như trước.

Theo QĐND
Bình luận

Tin khác

Back To Top