ĐBP - Xác định công tác tư vấn, định hướng nghề nghiệp có vai trò quan trọng giúp học sinh lựa chọn hướng đi phù hợp trong tương lai. Những năm qua, ngành Giáo dục và Ðào tạo, các trường học trên địa bàn tỉnh đã quan tâm triển khai hiệu quả công tác giáo dục hướng nghiệp cho học sinh. Qua đó, giúp các em nhận biết khả năng của mình, chọn đúng nghề, phù hợp với năng lực, sở trường và nhu cầu lao động của xã hội.
Năm học 2023 - 2024, Trường THPT huyện Ðiện Biên có 27 lớp với 1.055 học sinh. Triển khai công tác tư vấn, hướng nghiệp cho học sinh, vào đầu năm học, Trường khảo sát đối với học sinh các khối lớp. Trên cơ sở kết quả học tập của các em sẽ tư vấn, phân luồng để học sinh xây dựng kế hoạch ôn tập và lựa chọn ngành, nghề phù hợp với năng lực. Ðồng thời, hướng dẫn giáo viên chủ nhiệm lồng ghép các hoạt động hướng nghiệp cho học sinh vào các tiết sinh hoạt lớp.
Ðối với học sinh lớp 12, Trường xác định đây cũng là thời điểm nước rút để các em có sự cân nhắc quyết định chọn trường, chọn nghề cho mình. Vì vậy, nhà trường đã bố trí đội ngũ giáo viên có kinh nghiệm, chuyên môn để tổ chức các hoạt động tư vấn, hướng nghiệp cho học sinh. Trong năm học, Trường tổ chức các tiết chuyên đề hướng nghiệp hàng tháng cho các em lớp 12. Cùng với đó, liên kết, phối hợp với các đơn vị tuyển sinh, các trường đại học, cao đẳng tổ chức tư vấn hướng nghiệp, tuyển sinh cho học sinh toàn trường nhằm giúp các em có được cái nhìn đầy đủ về nghề nghiệp cũng như ngành học mình lựa chọn.
Cô giáo Phạm Lệ Thanh, Hiệu trưởng nhà trường cho biết: Tư vấn nghề nghiệp giúp học sinh định hình được khả năng thực sự của mình dựa trên cơ sở đam mê, sở trường, sức khỏe và năng lực bản thân, hình dung cơ hội về việc làm sau này, đặc trưng từng nghề, cách chọn nghề phù hợp. Vì vậy, Trường đã chú trọng thực hiện đồng bộ các giải pháp giúp học sinh và phụ huynh học sinh nhận thức đúng đắn trong việc học văn hóa, học nghề phù hợp. Tăng cường phối hợp với các trường đại học, cao đẳng, trường trung cấp và các doanh nghiệp để tư vấn, giúp học sinh hiểu về nghề nghiệp phù hợp với năng lực bản thân cũng như yêu cầu thực tiễn. Nhờ vậy hàng năm, Trường có khoảng trên 80% học sinh khối 12 trúng tuyển các trường đại học, cao đẳng phù hợp với năng lực, sở trường của bản thân, số còn lại sau khi tốt nghiệp THPT lựa chọn học nghề, lao động phổ thông.
Tại Trường Phổ thông DTBT THCS Sính Phình (huyện Tủa Chùa), cách tổ chức, hình thức giáo dục định hướng nghề nghiệp cho học sinh được từng bước đổi mới để phù hợp với yêu cầu giáo dục mới và các mục tiêu của công tác phân luồng học sinh sau tốt nghiệp. Theo đó, Trường xác định không hướng 100% học sinh vào lớp 10 THPT mà dành thời gian để tư vấn cho một số học sinh đi thẳng vào trường nghề.
Theo thầy giáo Phạm Văn Lợi, Hiệu trưởng nhà trường, trên cơ sở đánh giá đúng thực tế và triển khai tốt các yêu cầu về giáo dục định hướng nghề nghiệp cho học sinh, hàng năm, ngoài hoạt động tư vấn chung cho học sinh chọn trường thi vào lớp 10, trường còn xây dựng kế hoạch tư vấn cho từng học sinh và tổ chức họp, tư vấn cho phụ huynh có con học lớp 9. Một số học sinh đã quyết định chọn thẳng trường nghề để phù hợp với hoàn cảnh gia đình và sở thích bản thân. Một số em khác có làm hồ sơ thi lớp 10 THPT nhưng chỉ là để thử sức mình và sẵn sàng đi học ở một trường nghề mà các em cảm thấy phù hợp.
Theo đánh giá của Sở Giáo dục và Ðào tạo, các trường học trên địa bàn tỉnh đã triển khai nghiêm túc, hiệu quả công tác tư vấn, hướng nghiệp cho học sinh, nhất là đối với học sinh khối 12. Các hoạt động tư vấn, hướng nghiệp được tổ chức ngày càng đi vào chiều sâu, khá bài bản, linh hoạt và phù hợp với điều kiện thực tế, như: Tổ chức tọa đàm hướng nghiệp để trao đổi, thảo luận về định hướng, mục tiêu, giới thiệu về một số ngành nghề cụ thể; phối hợp với cơ sở giáo dục, cơ sở đào tạo nghề uy tín tư vấn trực tiếp cho học sinh và phụ huynh; tổ chức các hoạt động trải nghiệm, hướng nghiệp...
Ðể công tác tư vấn, định hướng nghề nghiệp cho học sinh đạt hiệu quả, bên cạnh sự nỗ lực của các nhà trường cũng cần phải có sự thay đổi về tư duy, nhận thức và sự đồng hành của phụ huynh học sinh và sự chung tay, hỗ trợ từ các đơn vị giáo dục nghề nghiệp, các doanh nghiệp trong việc cho học sinh được tham quan, tìm hiểu, thực hành, làm quen với nghề. Từ đó, các em có thể vững tin lựa chọn ngành, nghề phù hợp để lập thân, lập nghiệp, tránh lãng phí về kinh tế cho gia đình và xã hội.