Giấc mơ trên ngàn

15:04 - Thứ Ba, 14/11/2023 Lượt xem: 6036 In bài viết

ĐBP - Trên các bản làng heo hút ở địa bàn vùng cao tỉnh Điện Biên, những trẻ em dân tộc thiểu số đầu trần, chân đất mỗi ngày vẫn hồn nhiên đến lớp. Giấc mơ trở thành cô giáo cũng lớn dần theo từng bước chân bọn trẻ.

Tự hào cô giáo bản em

Chúng tôi có dịp gặp cô giáo Giàng Thị Chai trong một chuyến công tác trên cao nguyên đá Tủa Chùa. Chai là giáo viên Trường Mầm non xã Sính Phình - nơi đa phần đồng bào Mông sinh sống. Dáng người nhỏ nhắn, giọng nói nhẹ nhàng, Chai tạo nhiều thiện cảm với ngưới đối diện. Càng tiếp xúc, Chai càng bộc lộ rõ đức tính thật thà, chân chất và sự kiên cường đáng quý của đồng bào bản địa.

Khi nghe chúng tôi gọi em là “cô giáo bản”, Chai nở nụ cười đầy tự hào. Chai tâm sự: Từ khi đi học, em đã ngưỡng mộ các cô giáo dạy mình. Thấy các cô ở tận dưới xuôi mà vượt đường xa lên miền núi dạy học em nghĩ tại sao mình ở địa phương lại không làm được việc đó? Ước mơ trở thành cô giáo cứ thế theo Chai trong suốt hành trình ngồi trên ghế nhà trường.

Sự kiên trì nỗ lực, phấn đấu của cô bé người Mông ngày nào đã giúp Giàng Thị Chai biến giấc mơ thành hiện thực. Năm 2017, Chai ra trường, về huyện vùng cao Điện Biên Đông giảng dạy. Hai năm sau, em được ngành tạo điều kiện chuyển về gần nhà, công tác tại Trường Mầm non Sính Phình đến nay. Làm cô giáo ngay trên chính quê hương, Chai phát huy khả năng bản thân để luôn hoàn thành tốt nhiệm vụ. Mỗi lần có việc xuống cơ sở, Ban Giám hiệu nhà trường đều tin tưởng cử Chai, nhất là trong công tác vận động học sinh, phụ huynh.

Mỗi lần cô giáo Chai xuống bản, bà con ai nấy đều “tay bắt mặt mừng”. Với giáo viên cắm bản, việc thạo ngôn ngữ, hiểu phong tục tập quán, đồng điệu về văn hóa hết sức quan trọng. Do vậy, Chai thấy mình may mắn hơn nhiều giáo viên khác trong quá trình thực hiện nhiệm vụ. Do thiếu giáo viên nên mỗi lớp cơ bản chỉ bố trí được 1 người. Hàng ngày, việc chăm sóc, dạy dỗ bọn trẻ đã quá tải và “ngốn” gần hết thời gian nên đa phần “vòng ngoài” Chai đều nhờ phụ huynh giúp. “Nhà trường có thuê 1 bác hàng ngày lên nấu bữa trưa cho trẻ. Nhưng hôm nào cũng phải có vài phụ huynh hỗ trợ. Từ việc lấy củi cho đến công tác chế biến, dọn dẹp… bà con chia sẻ rất nhiệt tình, em chỉ cần tập trung giảng dạy” - Chai cho biết.

Vượt rào cản

Theo thống kê của cô giáo Nguyễn Thị Xuân, Hiệu trưởng Trường Mầm non Sính Phình thì có tới hơn 50% giáo viên nhà trường là người bản địa. “Những giáo viên người địa phương là tấm gương chân thực nhất cho học sinh, nhất là những bé gái ở địa phương phấn đấu, nỗ lực đến trường” - cô giáo Xuân nhận định. Để trở thành cô giáo không khó, song phải thừa nhận, với những đứa trẻ ở vùng khó thì đây là sự nỗ lực rất lớn. Bởi chỉ đơn giản việc đến trường mỗi ngày của các em cũng phải đối mặt với không ít rào cản.

Mỗi lần nhớ lại hành trình học tập, cô giáo Giàng Thị Thái, Trường PTDTBT Tiểu học Trung Thu, huyện Tủa Chùa lại không khỏi xúc động. Cô Thái kể, hàng ngày phải đi bộ từ sớm tinh mơ mới kịp giờ lên lớp. Trưa đội nắng về đến nhà, chỉ kịp ăn vội bát cơm nguội chan nước trắng là lại lên đường. Thế mà nhiều hôm vẫn tới lớp muộn. Rồi những ngày gặp mưa ốm, mệt buộc phải nghỉ học.

Cố gắng hoàn thành chương trình tiểu học, với hàng loạt tấm giấy khen treo trên tường, song niềm tự hào ấy cũng không đủ để gia đình đồng ý cho Giàng Thị Thái đi học tiếp. Lý do đơn giản chỉ bởi gia đình ngày ấy không có xe máy nên không thể đưa con đi học xa. Nhà Thái ở bản cách trung tâm xã tới vài chục cây số, lại chỉ có trường tiểu học. Vì thế, hết chương trình lớp 5 ở bản, Thái “suýt” phải dừng lại vì không có điều kiện ra trung tâm xã học.

Rồi chính thầy cô của Giàng Thị Thái lại kiên trì nhiều lần đến nhà động viên bố mẹ cho em đi học tiếp. Có lần, thầy giáo phải đưa, đón em tới trường. Sự đồng hành của thầy cô đã giúp Thái có thêm quyết tâm phải học lên cao nữa. Thêm vào đó, với chính sách hỗ trợ học sinh dân tộc thiểu số, vùng khó của nhà nước, Thái được bố trí ở bán trú tại trường, miễn học phí; hàng tháng có thêm hỗ trợ ăn, ở… Vượt qua tất cả, giờ đây được đứng trên bục giảng là niềm tự hào vô cùng lớn với cô giáo Thái. Nhưng như em vẫn chia sẻ - điều đáng tự hào nhất là mỗi lần được nghe học sinh tâm sự “Sau này em ước mơ trở thành cô giáo!”.

Viết tiếp “giấc mơ”

Hiện nay ngành Giáo dục và Đào tạo (GD&ĐT) tỉnh Điện Biên có gần 12.000 giáo viên. Theo ông Nguyễn Văn Đoạt, Giám đốc Sở GD&ĐT chia sẻ, thì những năm gần đây tỷ lệ giáo viên là người địa phương, con em đồng bào dân tộc thiểu số ngày một gia tăng, nhất là ở cấp học mầm non. Mặc dù hàng năm đều ghi nhận có tình trạng giáo viên trên địa bàn nghỉ việc, song rất hiếm gặp thầy cô người địa phương xin nghỉ. Bên cạnh việc ổn định, không bị xáo trộn về tâm lý dịch chuyển thì trong quá trình công tác, các thầy cô cũng thực hiện tốt nhiệm vụ được giao. Qua đó, góp phần vào thành quả chung của toàn ngành, nhất là công tác huy động học sinh ra lớp.

Ở Điện Biên, hiện nay Trường Cao đẳng Sư phạm là nơi duy nhất đào tạo giáo viên mầm non cho địa phương. Hàng năm, trung bình có từ 600 - 700 học sinh, sinh viên là con em đồng bào dân tộc thiểu số theo học. Là sinh viên năm cuối chuyên ngành sư phạm mầm non, em Giàng Thị Mỷ, bản Sa Lông 2, xã Sa Lông, huyện Mường Chà đang từng ngày nỗ lực, với khát khao ra trường cống hiến cho ngành giáo dục. Mỷ tâm sự: “Trong bản em hiện đã có 1 giáo viên đang dạy học tại huyện Nậm Pồ. Mỗi lần về nhà, gặp gỡ, em đều nghe chị ấy kể về công việc, tình cảm của học sinh nên cũng ước mơ trở thành cô giáo. Nhà có 4 anh chị em, song chỉ có mình em là được bố mẹ cho theo học đến chuyên nghiệp, nên em càng trân quý hơn cơ hội này”.

Trên thực tế, những tư tưởng lạc hậu, như: “Con gái học cao làm gì”, “con gái học nhiều khó lấy chồng”... vẫn tồn tại ở nhiều thôn bản vùng cao. Song thực tế cũng chứng minh, điều đó đã không còn là rào cản tới trường, theo đuổi ước mơ của bao nữ sinh đồng bào dân tộc thiểu số. Vượt lên định kiến, nhiều em đã nỗ lực học tập, ra khỏi dãy núi, cánh rừng đến với giảng đường đại học, tự mình kiến tạo tương lai. Mà trong đó, không ít giấc mơ làm cô giáo đã trở thành hiện thực, là niềm tự hào của gia đình, của bản, của núi rừng!

Bài, ảnh: Hà Linh
Bình luận

Tin khác

Back To Top