Vấn đề kỳ này

Thầm lặng những chuyến đò

09:36 - Thứ Năm, 16/11/2023 Lượt xem: 9015 In bài viết

ĐBP - Ngày Nhà giáo Việt Nam 20/11 là dịp để mỗi chúng ta nhắc nhớ, tôn vinh những người “lái đò chở dòng sông tri thức” cập bến vinh quang. Ngày qua ngày, tháng qua năm, các thầy, cô giáo với con đò của mình thầm lặng đưa bao thế hệ học sinh sang sông, cập bến bờ tri thức, trở thành con ngoan, trò giỏi, người có ích cho xã hội.

Trường Phổ thông DTBT Tiểu học và THCS Tênh Phông, huyện Tuần Giáo có 3 điểm trường đều là lớp ghép, chưa có điện lưới quốc gia, với 1 giáo viên/điểm. Tại đây mỗi thầy cô đều một mình đảm nhận mọi nhiệm vụ chăm sóc, dạy dỗ học sinh. Trong ảnh: Giáo viên điểm bản Huổi Anh rèn học sinh lớp 1 luyện chữ.

Nghề giáo vốn nhiều áp lực. Càng vất vả hơn khi hiện nay, ngành Giáo dục và cả xã hội đang quyết tâm đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo. Không chỉ có giáo viên, cán bộ viên chức trong ngành mà phụ huynh cũng đặt nhiều kỳ vọng vào con em mình. Ðó là sau quãng thời gian ngồi ghế nhà trường, giảng đường đại học, các em, các con phải tìm được việc làm đúng chuyên môn, năng lực sở trường, phải có chỗ đứng trong xã hội.

Mong muốn, nguyện vọng của học sinh, phụ huynh, cán bộ quản lý giáo dục là chính đáng. Do vậy, mỗi thầy, cô giáo nơi vùng cao biên giới Ðiện Biên phải nỗ lực gấp nhiều lần mới đưa được những chuyến đò cập bến bờ hạnh phúc.

Giáo viên Trường Phổ thông DTBT Tiểu học và THCS Nậm Khăn, huyện Nậm Pồ hướng dẫn học sinh làm quen với môi trường bán trú.

Cách đây chưa lâu, ngành Giáo dục và Ðào tạo tỉnh triển khai nhiệm vụ năm học 2023 - 2024. Trong phần đánh giá năm học trước, thấy tỷ lệ huy động trẻ 3 tháng đến 5 tuổi ra lớp, đến lớp mẫu giáo vượt kế hoạch 0,07 - 1,3%;  tỷ lệ huy động trẻ 6 -10 tuổi học tiểu học đạt kế hoạch; tỷ lệ huy động trẻ 11 tuổi vào lớp 6 vượt 0,03%; trẻ 11 - 14 tuổi học THCS vượt 0,2%; trẻ 15 - 18 tuổi học THPT và tương đương vượt 0,2% kế hoạch; số xã đạt chuẩn phổ cập mức độ 1, 2, 3; đạt chuẩn xoá mù chữ mức độ 1, 2 đạt kế hoạch… Con số nói lên nhiều điều. Phải là những người tâm huyết, nhiệt tình, trách nhiệm lắm với con em đồng bào các dân tộc. Phải ngày lại ngày bám lớp, bám bản, miệt mài bên trang giáo án; xa gia đình, hi sinh hạnh phúc riêng tư, các thầy, cô mới truyền tải kiến thức, đạo đức... giúp các em có được kết quả học tập, hạnh kiểm tốt như vậy.

Ðiện Biên - mảnh đất còn nhiều gian khó, tỷ lệ hộ nghèo cao; nhiều nơi chưa có điện sáng, sóng điện thoại, đường truyền internet, nước sinh hoạt thiếu... Không ít giáo viên cấp mầm non, tiểu học, ban ngày vượt đường xa dặm thẳm lên bản, điểm bản dạy con em đồng bào, chiều tối lại về trường trung tâm để xạc nhờ điện thoại, máy tính xách tay; tận dụng các chai lọ nhựa, thùng cát - tông... làm mô hình học cụ, thiết bị hỗ trợ học tập, giúp các em tiếp cận vấn đề nhanh nhất, tốt và hiệu quả nhất. Là giáo viên vùng cao còn phải vừa làm Thầy vừa làm Mẹ vừa là “nhà nông” giỏi để trồng rau, tăng gia sản xuất, góp phần cải thiện bữa ăn hàng ngày cho học sinh nội trú.

Giáo viên Trường Mầm non Tủa Thàng số 2 (huyện Tủa Chùa) nhận những bó hoa từ học trò.

Ngày Nhà giáo Việt Nam 20/11, món quà các em tặng là những bó hoa rừng, hoa dại hái bên đường. Không ít học sinh mang quả bí, mớ rau... đến tặng thầy cô giáo. Ðón nhận món quà từ các em, thầy cô vui buồn lẫn lộn. Nghĩ về đồng nghiệp mình dưới xuôi mà thấy chạnh lòng. Nhưng điều kiện kinh tế địa phương, hoàn cảnh học sinh tại bản, xã mình chỉ có thế. Các em nhớ đến Ngày 20/11 là niềm vui, hạnh phúc lắm rồi. Và trong thâm tâm, các thầy, cô giáo cũng không mong gì hơn ngoài việc các con chăm ngoan, đến trường đều đặn, biết chia sẻ, giúp đỡ nhau trong học tập, cuộc sống.

Chia sẻ về ngày vui của ngành, ông Cù Huy Hoàn, Phó Giám đốc Sở Giáo dục và Ðào tạo, người có nhiều năm gắn bó với giáo dục vùng cao Ðiện Biên Ðông cho rằng: Nghề giáo muôn đời vẫn thế. Như những dòng sông luôn ở lại, những bến đò vẫn đợi chờ, những người chèo đò vẫn làm công việc thầm lặng của mình. Ðó là dìu dắt các em qua sông, trao cho các em hành trang tri thức, là những bài học làm người, khát vọng làm người.

Tùng Lĩnh
Bình luận

Tin khác

Back To Top