Cô Ên ơi, cô Ên…
Cô Vên ơi, cô Vên…
Và cả… Cô Yên ơi, cô Yên… Đó là những tiếng gọi mà chúng tôi được nghe khi vừa bước chân tới gần một căn phòng nằm trong khuôn viên Trung tâm Nghiên cứu và ứng dụng Tâm lý - Giáo dục Lâm Viên (số nhà 239, tổ 6, đường Trường Chinh, TP. Điện Biên Phủ).
Nép bên cánh cửa khép hờ, chúng tôi quan sát cứ mỗi lần nghe tiếng gọi: “Cô Vên ơi…”, chúng tôi đều nghe tiếng đáp lại: “Dạ, cô đây!”, rất gần gũi, thân thương. Tiếp đến là vòng tay ấm áp và ánh mắt, nụ cười đong đầy niềm vui, hạnh phúc của một người phụ nữ dành cho những đứa trẻ.
Tìm hiểu, chúng tôi mới biết, đó là những âm thanh rất đỗi quen thuộc mà các trẻ rối loạn âm lời nói dành cho cô giáo Nguyễn Thị Viên, Phó Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu và ứng dụng Tâm lý - Giáo dục Lâm Viên, Tổ trưởng Tổ bộ môn Tâm lý - Giáo dục, Trường CĐSP Điện Biên.
Khi hỏi một số đồng nghiệp về cô, chúng tôi đều nghe mọi người nhận xét: Cô Viên rất “Chắc chuyên môn”, “Nhỏ mà có võ”, “Bé hạt tiêu”, “Làm gì cũng giỏi”, “Làm gì cũng thành công”...
Quả đúng như lời một số đồng nghiệp, cô Viên có dáng người nhỏ nhắn, nhưng toát lên sự thông minh, hoạt bát, nhanh nhẹn. Trong câu chuyện của mình, cô giáo Nguyễn Thị Viên kể: Năm 2003, sau khi tốt nghiệp ngành Tâm lý - Giáo dục, Trường Đại học Sư phạm Hà Nội, cô khăn gói rời thủ đô Hà Nội để đến với mảnh đất và con người Điện Biên. Thời gian “thấm thoắt thoi đưa”, cô Viên đã có 20 năm công tác, giảng dạy bộ môn Tâm lý - Giáo dục tại Trường CĐSP Điện Biên và 9 năm can thiệp cho trẻ rối loạn phát triển.
Khi được hỏi “cơ duyên nào đến với trẻ rối loạn phát triển?”, giọng cô Viên trầm xuống. Biến cố gia đình xảy ra vào năm 2010, khi cô đang theo học chương trình đào tạo thạc sĩ tâm lý tại Trường Đại học Sư phạm Hà Nội thì bố cô bị đột quỵ phải nằm liệt, mất ngôn ngữ. Mỗi ngày nhìn bố như vậy, cô đều trào nước mắt. Mình phải làm gì để giúp bố đây? Câu hỏi đó cứ thường trực trong đầu và đeo bám theo cô vào từng bữa ăn, giấc ngủ. Bằng nghị lực, sự quyết tâm của mình, cô đã mày mò, dành thời gian, công sức và tâm trí của mình nghiên cứu, học tập cách dạy người mất ngôn ngữ phát âm để tập luyện cho bố mình. Và rồi, những nỗ lực của cô cuối cùng cũng được đền đáp khi bố cô có thể đi lại và nói được - điều mà trước đó ai cũng nghĩ là không thể. Cũng từ đây, cô mới quan sát tỉ mỉ và nhận thấy rằng, trẻ khuyết tật, đặc biệt là trẻ rối loạn phổ tự kỉ và rối loạn âm lời nói ngày càng nhiều. Ở những trẻ này, các lĩnh vực phát triển như ngôn ngữ, tư duy, tưởng tượng, vận động… thường chậm trễ hơn so với mốc phát triển bình thường của trẻ. Bên cạnh đó, những trẻ này cũng có nhiều hành vi không phù hợp. Là giảng viên chuyên ngành Tâm lý - Giáo dục, cô hiểu rõ, nếu được can thiệp kịp thời thì cơ hội phát triển của trẻ là rất lớn. Tuy nhiên, tại thời điểm đó, trên địa bàn tỉnh Điện Biên chưa có cơ sở chuyên môn nào hỗ trợ cho những trẻ rối loạn phát triển. Khi phát hiện trẻ có rối loạn phát triển thì các phụ huynh thường phải đưa con về Hà Nội can thiệp. Với chi phí thuê nhà, can thiệp, ăn ở, đi lại… số tiền mỗi tháng mà các phụ huynh phải bỏ ra thường dao động từ 15 đến 20 triệu đồng. Thậm chí, có những gia đình bố, mẹ phải nghỉ việc để đưa con đi học can thiệp. Điều này gây ra rất nhiều khó khăn cho các gia đình không may có con bị rối loại phát triển. Tuy nhiên, không phải gia đình nào cũng có điều kiện kinh tế để cho con đi Hà Nội can thiệp, chữa trị trong thời gian dài. Đặc biệt, điều làm cô Viên trăn trở đó là những trẻ mà gia đình có điều kiện kinh tế khó khăn không được can thiệp thì rất thiệt thòi. Chính thực tế này đã thôi thúc hành trình tự học tập của cô về trẻ rối loạn phát triển.
Sau khi học tập 25 chuyên đề về rối loạn phát triển và thực hành về phục hồi chức năng tại bệnh viện và 7 cơ sở trung tâm can thiệp trong cả nước, cuối năm 2016 cô Viên bắt tay trực tiếp can thiệp cho trẻ. Năm 2019, cô cùng các đồng nghiệp bộ môn Tâm lý - Giáo dục mở Trung tâm Nghiên cứu và ứng dụng Tâm lý - Giáo dục Lâm Viên, đóng trên địa bàn thành phố Điện Biên Phủ. Trung tâm chuyên đánh giá, can thiệp trẻ chậm nói, nói ngọng; trẻ gặp khó khăn trong học tập, giao tiếp, tăng động, rối loạn chú ý, rối loạn phổ tự kỉ… Hiện tại trung tâm can thiệp cho trẻ rối loạn phát triển với số lượng dao động từ 40 đến 50 trẻ mỗi ngày. Tính đến nay, riêng cô đã tự mình can thiệp thành công cho 21 trẻ. Trung tâm của cô cũng là địa chỉ tin cậy để Đoàn trường CĐSP Điện Biên tổ chức hành trình hỗ trợ “Sinh viên 5 tốt” sau tuyên dương.
Không chỉ đóng góp tích cực vào việc can thiệp cho trẻ rối loạn phát triển, với tấm lòng hảo tâm của mình, cô Viên còn thường xuyên hỗ trợ tân sinh viên có hoàn cảnh khó khăn vượt khó trong học tập. Bạn bè, đồng nghiệp và phụ huynh từng có con được hỗ trợ cũng thường xuyên thấy cô xuất hiện trong các chương trình Đêm Gala “Tân Sinh viên”. Cô cũng tạo cơ hội việc làm cho nhiều sinh viên của Trường CĐSP Điện Biên sau khi tốt nghiệp. Tính đến thời điểm hiện tại, 2/3 giáo viên làm việc tại Trung tâm can thiệp cho trẻ rối loạn phát triển là sinh viên của nhà trường.
Với tâm huyết yêu nghề và lòng mến trẻ, cô Viên luôn nghiêm túc, tích cực, chủ động hoàn thành tốt mọi nhiệm vụ được giao. Năm 2013, cô đã tham gia và đạt giải nhất hội thi “Giảng viên dạy giỏi” cấp trường; vinh dự được Chủ tịch UBND tỉnh Điện Biên tặng Bằng khen vì đã hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ năm học. 12 năm là Tổ trưởng Tổ bộ môn Tâm lý - Giáo dục, cô thường xuyên tổ chức các buổi sinh hoạt chuyên môn có chất lượng cao, qua đó giúp đồng nghiệp nâng cao trình độ chuyên môn nghiệp vụ cũng như năng lực vận dụng kiến thức chuyên môn vào thực tiễn.
Nói về đồng nghiệp của mình, cô giáo Đỗ Thị Thanh Tuyền, nhận xét: “15 năm được công tác, làm việc cùng cô Viên, tôi thấy đó là sự may mắn. Không chỉ là tấm gương sáng về tinh thần ham học hỏi, tình yêu nghề, mà cô Viên còn khiến tôi và đồng nghiệp khác nể phục bởi sự tận tình, tận tâm, nhiệt huyết và yêu trẻ…”.
Không chỉ là tấm gương sáng về tinh thần ham học hỏi, về tình yêu với nghề, với trẻ, cô giáo Nguyễn Thị Viên còn xứng đáng là “người giảng viên giỏi chuyên môn, giàu tình yêu với trẻ rối loạn phát triển”, mà đồng nghiệp và sinh viên dành cho.