“Gieo” mầm tri thức trên non cao

16:14 - Thứ Hai, 20/11/2023 Lượt xem: 5661 In bài viết

ĐBP - Những đoạn đường cheo leo, “sống trâu”, cuộc sống thiếu thốn, không điện, không sóng điện thoại, hạn chế nước sạch... từ lâu đã là đặc trưng của các điểm trường vùng sâu vùng xa. Nhưng dù khó khăn, cách trở đến mấy, những người giáo viên vùng cao vẫn đem hạt mầm tri thức đến “gieo” vào lớp lớp em thơ.

Bản Hua Tâu chỉ cách trung tâm xã Nậm Khăn, huyện Nậm Pồ hơn 7km nhưng vẫn chưa có điện lưới quốc gia và sóng điện thoại. Đường vào dốc cao, gồ ghề đá tảng, tay lái cứng mới đến đích. Giữa bốn bề núi rừng này có 1 điểm trường tiểu học nằm lép mình, hàng ngày vẫn vọng tiếng đọc bài. Tại đây, thầy giáo Lò Văn Kiệm, Trường Phổ thông DTBT Tiểu học và THCS Nậm Khăn một mình đảm nhiệm lớp ghép 1 + 2 với 20 học sinh. Cơ sở vật chất điểm trường có 2 phòng được xây bán kiên cố, 1 phòng sử dụng cho dạy và học, 1 phòng thầy sinh hoạt. Ban ngày thầy lên lớp, có học trò líu lo, tối đến lại lủi thủi lẻ bóng, hoàn toàn không liên lạc được với gia đình hay đồng nghiệp.

Thầy Kiệm chia sẻ: “Nhiều năm công tác, tôi đã đi các điểm bản khó khăn nhưng khi lên đây vẫn “hẫng” một nhịp, dù tính quãng đường không xa nhưng Hua Tâu như tách biệt hoàn toàn, không có liên hệ gì với bên ngoài. Nhớ gia đình muốn gọi điện về thì phải đi dò sóng khắp bản, may mắn thì bắt được tí sóng chập chờn. Đổi lại bà con dân bản tình cảm, quan tâm cho con em đi học, còn cắt cử người hàng ngày đến trường tham gia hỗ trợ nấu ăn trưa cho trẻ. Vì thế tôi cũng được san sẻ. Lâu dần thành quen cuộc sống ở đây”.

Để đảm bảo cuộc sống, thầy Kiệm thường sắp xếp về trung tâm 1 lần vào giữa tuần để lấy thực phẩm cho cả thầy và trò. Cuối tuần thì về với gia đình và lại túi to túi nhỏ mang đồ ăn, đồ dùng lên bản. Hiện tại đường vào Hua Tâu đang được san gạt để thi công rải bê tông, sắp tới đây chắc chắn con đường “gieo chữ” của thầy Kiệm tại nơi này sẽ bớt gian khó.

Thông tin từ Phòng Giáo dục mầm non – tiểu học, Sở Giáo dục và Đào tạo, toàn tỉnh hiện có 413 điểm trường tiểu học và 849 điểm trường mầm non. Tính riêng cấp mầm non, tỉnh ta đang thiếu hơn 540 phòng công vụ cho giáo viên.

Trường Phổ thông DTBT Tiểu học và THCS Nậm Khăn đang duy trì 3 điểm trường ở các bản Vằng Xôn, Huổi Văng, Hua Tâu, trong đó 2 bản chưa có điện lưới quốc gia. Các điểm bản đều là lớp ghép 1 + 2 với chỉ 1 giáo viên phụ trách. Trước đó, từ năm học 2022 – 2023, Trường đã đưa học sinh 2 điểm bản xa xôi nhất là Huổi Lỏng (28km) và Nậm Ban về trung tâm, do địa bàn đặc biệt khó khăn, phụ huynh ít quan tâm đến con em, nhiều bậc cha mẹ đi làm ăn xa... Thầy Lò Văn Bốn, Hiệu trưởng Nhà trường chia sẻ: “Thầy cô đi điểm bản chắc chắn rất vất vả bởi điều kiện giao thông, ăn ở, sinh hoạt hạn chế. Mà học sinh điểm bản số lượng ít nên chỉ có thể phân công 1 người đảm nhiệm. Thế nhưng các giáo viên được giao trọng trách đều cố gắng, vượt khó hoàn thành tốt công việc.

Đấy cũng là đặc thù của các trường tiểu học vùng cao. Còn đối với cấp mầm non, nhiều nơi còn gặp khó khăn hơn thế, bởi lẽ hầu hết các điểm trường tiểu học đã được kiên cố hóa theo đề án dành riêng từ những năm trước. Cấp mầm non vẫn còn nhiều điểm bản thiếu thốn cơ sở vật chất, trong khi học sinh mầm non không thể đưa về trung tâm. Hơn nữa giáo viên mầm non gần như tuyệt đối là nữ giới, điểm bản có cách trở, gian nan đến mấy cũng không có người thay thế.

“Không chỉ thầy cô đi “cắm bản” mà giáo viên Nhà trường ai cũng nỗ lực hết mình. Nhất là khi đưa học sinh từ lớp 1 bản xa về trung tâm. Các thầy cô vừa dạy dỗ vừa chăm lo các em, hướng dẫn từ việc ăn uống, vệ sinh cá nhân, sinh hoạt tập thể... Làm sao để các em nhanh chóng làm quen với môi trường mới và yên tâm học tập” – thầy Bốn chia sẻ.

Tại Trường Mầm non Ta Ma, huyện Tuần Giáo có 1 trường trung tâm và 7 điểm bản. Nhiều điểm bản thiếu nước sinh hoạt, 2 điểm bản là nhà lắp ghép (Trạm Củ, Phiêng Cải) và chưa có điện lưới. Cô Tiêu Thị Phương Thùy, Phó Hiệu trưởng Nhà trường chia sẻ: “Trường hiện có 28 giáo viên, thì có 23 giáo viên đang dạy ở các điểm bản. Mỗi điểm bản có khó khăn riêng, về đường xá, điều kiện dạy học và sinh hoạt, hoặc phong tục tập quán, bất đồng ngôn ngữ... Có điểm bản xa nhất là Trạm Củ (12km) chưa có điện, thiếu chỗ ăn nghỉ cho giáo viên nên nếu không mưa gió và không có việc tại bản thì các cô đều cố gắng về trung tâm, cũng là để sạc điện máy tính, điện thoại phục vụ việc dạy và soạn giáo án. Dù đường xa, khó đi, nhưng các cô không quản ngại, hàng năm Nhà trường luân chuyển, đảo giáo viên các điểm bản để cùng san sẻ với nhau”.

Vài năm trở lại đây, cơ sở hạ tầng ngày càng hoàn thiện, cơ sở vật chất được đầu tư, nhưng trên địa bàn tỉnh ta vẫn còn không ít những vùng khó với những người giáo viên tâm huyết như vậy. Điều kiện dạy học ở vùng cao đã khó khăn, việc ăn ở, sinh hoạt cũng còn rất nhiều thiếu thốn. Nếu không nhiệt huyết, yêu nghề thì khó lòng gắn bó. Ông Đào Thái Lai, Trưởng phòng Giáo dục mầm non – tiểu học nhận xét: “Địa bàn tỉnh ta còn vô vàn khó khăn cho giáo dục, phần lớn các điểm bản là vùng đặc biệt khó khăn, vẫn còn những điểm trường nhiều “không” (không đường, không điện, không sóng điện thoại). Các giáo viên “cắm bản” đa phần là thầy cô trẻ, nhiệt huyết, có lý tưởng. Ai cũng hết mình vì công việc, nỗ lực vượt khó, kiên trì bám bản, thực hiện tốt việc dạy và học, góp phần nâng cao tỷ lệ học sinh ra lớp và nhận thức xã hội về giáo dục”.

Bài, ảnh: Nguyễn Hiền
Bình luận

Tin khác

Back To Top