Cần chính sách hỗ trợ giáo viên lớp ghép

09:06 - Thứ Tư, 22/11/2023 Lượt xem: 5239 In bài viết

ĐBP - Tại những lớp học ghép nằm ở các điểm trường lẻ, giáo viên đang hàng ngày nỗ lực khắc phục khó khăn về cơ sở vật chất, đường xá đi lại, đảm nhiệm nhiều “vai” khác nhau để tổ chức tốt hoạt động dạy học, chăm sóc trẻ. Để giáo viên lớp ghép mầm non yên tâm công tác, cần thêm động lực từ chính sách…

Chiều chủ nhật hàng tuần, thầy giáo Ðiêu Chính Ví, Trường Mầm non Tủa Thàng số 2, xã Tủa Thàng (huyện Tủa Chùa) lại tất bật chuẩn bị đồ dùng cá nhân lên đường vào “cắm chốt” tại điểm bản Ðề Chu. Con đường từ trung tâm huyện đến điểm bản dài gần 40km, nhiều đoạn đường xấu, trơn trượt khiến thầy Ví di chuyển mất hơn 2 giờ.

Năm học này, thầy Ví phụ trách lớp ghép tại điểm bản Ðề Chu với 21 trẻ. Ðể đảm bảo chất lượng giảng dạy lớp với 3 độ tuổi, thầy Ví gần như không có thời gian rảnh rỗi. Cùng với phân phối thời gian giảng dạy cho phù hợp, kiến thức được thầy Ví lựa chọn, chuẩn bị kỹ sao cho khi truyền đạt các độ tuổi đều tiếp thu được. Chưa kể thời gian chuẩn bị cho quá trình soạn giảng, xây dựng kế hoạch, lựa chọn bài dạy và các điều kiện đảm bảo giảng dạy song song 3 độ tuổi. Vừa dạy chuyên môn, thầy Ví vừa phải lo quản lý, chăm sóc, sắp xếp nơi ăn, nghỉ cho trẻ.

Thầy Ví cho biết: 100% trẻ theo học tại điểm trường Ðề Chu là dân tộc Mông. Nhiều cháu chưa được gia đình, phụ huynh quan tâm, chăm sóc đầy đủ về dinh dưỡng cũng như học tập. Vì vậy, giáo viên phải vừa dạy học, chăm sóc, lại vừa phải tăng cường bổ sung tiếng phổ thông cho các cháu.

Tại mỗi lớp ghép có từ 18 - 21 trẻ ở các độ tuổi. Bởi vậy, nhiệm vụ phải thực hiện, áp lực công việc đối với mỗi giáo viên ở các lớp ghép này vô cùng lớn. Theo cô giáo Trần Thị Phương, Hiệu trưởng nhà trường, đối với giáo viên dạy lớp ghép 2 đến 3 độ tuổi trong một lớp, công tác xây dựng kế hoạch, soạn giảng, chuẩn bị đồ dùng, đồ chơi rất vất vả; thiết bị đồ dùng dạy học còn thiếu thốn, không đồng bộ cho lớp mẫu giáo ghép. Thời gian làm việc từ 10 - 12 giờ/ngày, tất bật đón trẻ từ sáng sớm và trả trẻ lúc chiều tối. Suốt cả một ngày dài, các thầy cô không chỉ là người thầy mà còn là người bố, người mẹ của trẻ.

Ðể giảm bớt một phần vất vả cho giáo viên dạy lớp ghép ở điểm bản, nhà trường xây dựng quy chế luân chuyển trong đơn vị trường học. Những giáo viên được phân công giảng dạy lớp ghép đều được lựa chọn phù hợp trên nhiều yếu tố (sức khoẻ, điều kiện gia đình, số năm giảng dạy tại điểm bản…). Cùng với đó, thường xuyên nắm bắt tâm tư, nguyện vọng của các thầy cô để kịp thời động viên, khích lệ; vận động phụ huynh cùng góp công sức, hỗ trợ thầy cô tại các điểm bản trong việc nấu ăn, sắp xếp, dọn dẹp.

 

Trường Mầm non Tủa Thàng số 2 (huyện Tủa Chùa) hiện có 4 lớp ghép với 5 giáo viên đứng lớp, 100% là lớp ghép 3 độ tuổi. Trong đó, điểm bản Ðề Chu 2 lớp, điểm bản Tà Si Láng 1 lớp và điểm bản Huổi Trẳng 1 lớp.

Tuy nhiên, cô giáo Phương cũng chia sẻ thêm: Về lâu dài, chúng tôi mong muốn sẽ nhận được sự quan tâm, hỗ trợ thiết thực bằng những chế độ, chính sách cụ thể hơn như nâng mức hỗ trợ cho giáo viên mầm non dạy ở lớp mẫu giáo ghép, dạy tăng cường tiếng phổ thông cho trẻ vùng dân tộc thiểu số; bổ sung đối tượng giáo viên mầm non giảng dạy lớp ghép tại các điểm trường chính ở vùng có điều kiện kinh tế - xã hội khó khăn hoặc đặc biệt khó khăn được hưởng chính sách như giáo viên giảng dạy lớp ghép ở các điểm trường lẻ...

Trên địa bàn huyện Tủa Chùa hiện có 83 lớp ghép ở bậc học mầm non, với 104 giáo viên phụ trách giảng dạy. Số giáo viên này đang được nhận chế độ hỗ trợ thêm 450.000 đồng/tháng/người theo Nghị định số 105/2020/NÐ-CP của Chính phủ. Cùng với chính sách hỗ trợ của Nhà nước, ngành Giáo dục Tủa Chùa triển khai nhiều giải pháp quan tâm thăm hỏi, động viên, khích lệ đội ngũ giáo viên dạy lớp ghép trên địa bàn. Vào dịp tết Nguyên đán hàng năm, Phòng Giáo dục và Ðào tạo huyện dành 30 suất quà, trị giá 500 nghìn đồng/suất để động viên, khích lệ đối với các giáo viên có hoàn cảnh khó khăn dạy ở điểm bản. Bên cạnh đó, thường xuyên rà soát, tổng hợp giáo viên dạy lớp ghép để tham mưu với UBND huyện phê duyệt danh sách giáo viên dạy lớp ghép tại các điểm bản được hưởng chế độ theo Nghị định số 105/2020/NÐ-CP của Chính phủ.

Bài, ảnh: Minh Thảo
Bình luận

Tin khác

Back To Top