Để thành công khi học đại học

16:20 - Thứ Năm, 23/11/2023 Lượt xem: 5332 In bài viết

Có bạn cho rằng đậu đại học là thành công rồi; có bạn đậu đại học với điểm cao rất tự hào; có bạn điểm đầu vào thấp, thậm chí trúng tuyển nguyện vọng 4, 5, cảm thấy thiếu tự tin… Nhưng tất cả đều không quan trọng bằng ý thức và thái độ học tập.

Chủ động học tập và sinh hoạt

Theo công bố của Tổng cục Thống kê, năm 2022, tỷ lệ thất nghiệp trong độ tuổi lao động phân theo trình độ chuyên môn kỹ thuật đối với đại học là 3,16% (giảm 0,2% so với năm 2021), với cao đẳng là 3,41% (giảm 1,02% so với năm 2021). Trong khi đó, bình quân học sinh tốt nghiệp THPT muốn học đại học so với số dự thi tốt nghiệp THPT năm 2023 là 65,9% và năm 2022 là 61,34%. Vậy làm thế nào để giảm tỷ lệ thất nghiệp với trình độ đại học? Không thể cho rằng vào đại học là thành công, mà đó chỉ là bắt đầu một giai đoạn mới.

Trường Đại học Công nghệ Thông tin (Đại học Quốc gia TPHCM) trong giờ học.

Học đại học được coi là giai đoạn chuẩn bị năng lực nghề nghiệp, tích lũy kiến thức, kỹ năng và phẩm chất để lựa chọn môi trường làm việc phù hợp. Vì vậy, khi bước vào đại học, sinh viên phải sớm thích nghi với môi trường học đa dạng từ bạn bè, lớp học, giảng đường, mục tiêu học, phương pháp học, phương pháp giảng dạy... Do đó, sinh viên phải thích nghi với cuộc sống tự quản lý kế hoạch học tập, tự chủ trong hành trình chạm đến ước mơ nghề nghiệp. Sinh viên phải tìm hiểu về chương trình đào tạo, kế hoạch và mục tiêu đào tạo của từng năm; hiểu những điểm cốt lõi về quy chế đào tạo, số lượng tín chỉ cần tích lũy, thời gian tối đa được phép kéo dài, thi hết môn hay cách tính điểm của từng môn ngay trong học kỳ đầu tiên.

Bên cạnh đó, sinh viên cũng cần hiểu về cách tính điểm rèn luyện để chọn các hoạt động phù hợp với sở thích. Điều quan trọng nhất là phải thay đổi thói quen, từ thụ động, chờ chỉ dẫn sang tự sắp đặt kế hoạch học tập và sinh hoạt nhằm đạt mục tiêu của việc học đại học.

Định vị bản thân

Định vị bản thân là một quá trình để cá nhân xác định rõ mục tiêu, hiểu rõ điểm mạnh, điểm yếu của mình trong từng thời điểm và biết cách thể hiện bản thân với đúng người, vào đúng không gian và thời gian, theo đúng cách. Thị trường lao động thay đổi, tư duy mỗi con người cũng thay đổi, việc định vị bản thân cần được thực hiện khái quát cho giai đoạn đại học và cụ thể theo từng năm học.

Sinh viên cần tìm hiểu thường xuyên tình hình kinh tế - xã hội để khám phá điểm yếu về kiến thức, kỹ năng nhằm kịp thời bổ sung vào kế hoạch cải thiện ngay hoặc ở học kỳ tiếp theo. Việc định vị tốt sẽ giúp sinh viên điều chỉnh và lập kế hoạch học tập, rèn luyện càng sát với thị trường tuyển dụng. Việc chỉ chăm chú thời khóa biểu, chương trình học mà không cập nhật tin tức sẽ khiến sinh viên xa dần với thực tiễn.

Ngoài ra, qua từng học kỳ, suy nghĩ của bản thân cũng có phần nào thay đổi, vì vậy sinh viên cần xác định điểm mạnh, điểm yếu thông qua một số công cụ như trắc nghiệm Holland (trắc nghiệm định hướng nghề nghiệp), trắc nghiệm MBTI (trắc nghiệm tính cách). Kết quả trắc nghiệm MBTI chỉ ra cách con người nhận thức thế giới xung quanh và ra quyết định cho mọi vấn đề trong cuộc sống để xác định môi trường làm việc phù hợp nhất. Như vậy, việc lập kế hoạch theo từng năm, hiểu rõ cách để định vị bản thân theo từng giai đoạn sẽ tăng cơ hội lựa chọn việc làm của sinh viên khi tốt nghiệp.

Theo danh mục thống kê ngành đào tạo của giáo dục đại học, có gần 400 ngành đào tạo, thuộc 95 nhóm ngành và 23 lĩnh vực. Hiện nay, các ngành trong cùng một nhóm ngành có giao thoa lớn về nghề nghiệp, việc làm. Thực tế có gần 20% sinh viên (trong số gần 3.000 tân sinh viên được khảo sát), chưa biết ngành mình đang theo học có những ngành gần nào; 30% chưa xác định lĩnh vực muốn làm việc. Với thực trạng này, sự tự tin, chủ động và mềm dẻo trong việc làm sẽ thấp. Kết quả khảo sát cũng cho thấy có gần 30% tân sinh viên có lo lắng, chưa quan tâm đến việc làm. Do đó, tân sinh viên hãy yêu ngay ngành học mà mình trúng tuyển. Có như vậy mới tự mở ra nhiều cơ hội cho chính bản thân mình, tiếp cận nghề nghiệp linh hoạt hơn.

Với gần 400 ngành học ở trình độ đại học và khoảng 800 nghề nghiệp, trong đó có nhiều nghề nghiệp vừa yêu cầu tốt nghiệp đúng ngành học, vừa yêu cầu phải có chứng chỉ nghiệp vụ liên quan. Vì vậy, ít nhất bắt đầu năm thứ 3 đại học, sinh viên phải tìm hiểu để có sự chuẩn bị thêm các kỹ năng, chứng chỉ cần thiết cho ngành học của mình. Ngoài ra, hiện nay, nền kinh tế 4.0 yêu cầu cao về kỹ năng nên sinh viên cần rèn luyện kỹ năng làm việc, kỹ năng quản lý bản thân..

Theo SGGP
Bình luận

Tin khác

Back To Top