Tranh cãi về việc có nên đưa dạy thêm, học thêm vào ngành nghề kinh doanh có điều kiện “nóng” trở lại trên các diễn đàn, mạng xã hội mấy ngày qua sau khi vấn đề được đem ra bàn luận tại kỳ họp thứ 5, Quốc hội khóa XV.
Mặc dù người đứng đầu ngành giáo dục cả nước khẳng định dạy thêm, học thêm hiện nay xuất phát từ nhu cầu thực tế của người học, cần đưa vào danh mục ngành nghề kinh doanh có điều kiện để có cơ sở quản lý và giám sát hoạt động này một cách rõ ràng nhưng dư luận vẫn còn nhiều ý kiến trái chiều.
Theo ý kiến của một số đại biểu Quốc hội, dạy thêm, học thêm không đáng bị lên án bởi các ngành nghề khác cho phép người lao động hoạt động thêm ngoài giờ để tăng thu nhập. Trong bối cảnh chính sách tiền lương cho giáo viên còn hạn chế, dạy thêm, học thêm trở thành một trong các giải pháp giúp cải thiện thu nhập, nâng cao đời sống cho giáo viên.
Tuy nhiên, ở chiều ngược lại, nhiều người lo ngại nếu “danh chính hóa” hoạt động này ở các trường học sẽ khiến hoạt động trở nên khó kiểm soát, bị biến tướng, khi đó thiệt thòi lớn nhất thuộc về học sinh. Như vậy, vấn đề thật sự không phải ở quy định “cho” hay “cấm” dạy thêm mà ở việc quản lý sao cho hiệu quả, trong đó hài hòa lợi ích, nhu cầu giữa các bên liên quan gồm học sinh, phụ huynh, trường học và giáo viên.
Để ngăn chặn biến tướng của hoạt động này, quản lý bằng các công cụ như văn bản, quy định thôi chưa đủ mà cần có các biện pháp xử lý tận gốc như cải thiện môi trường làm việc, chế độ đãi ngộ cho giáo viên; khắc phục tình trạng chạy đua điểm số, áp lực thành tích từ một bộ phận không nhỏ cán bộ quản lý trường học; tâm lý sợ con thua kém bạn bè của phụ huynh…
Hiện nay, giáo dục được xem là một trong các ngành nghề lao động có tính chất đặc thù, bởi sản phẩm tạo ra là con người chứ không phải hàng hóa hay dịch vụ sản xuất. Người thầy dù thay đổi vị trí, vai trò so với giáo dục truyền thống trước đây nhưng vẫn giữ một chỗ đứng đặc biệt trong phân chia lao động trong xã hội. Vì vậy, không chỉ riêng dạy thêm, học thêm mà nhiều hoạt động có thu tiền khác trong trường học đều cần cơ chế quản lý và giám sát rõ ràng để giảm nguy cơ bị biến tướng, khiến xã hội có cái nhìn méo mó về hình ảnh cao quý của người thầy.
Đặc biệt, nỗ lực tự thân của ngành giáo dục thôi chưa đủ mà cần thêm sự phối hợp, chung tay quản lý của chính quyền địa phương các cấp để xử lý đến nơi đến chốn các trường hợp sai phạm, trong sạch hóa môi trường giáo dục, qua đó củng cố lại niềm tin cho phụ huynh, học sinh.