Để những dự án sáng tạo phát huy giá trị thực tiễn

15:31 - Thứ Sáu, 01/12/2023 Lượt xem: 6651 In bài viết

ĐBP - Được đánh giá là có giá trị ứng dụng thực tiễn cao, nhưng sau các cuộc thi, hầu hết dự án sáng tạo xuất sắc, được trao giải của học sinh tỉnh ta vẫn “ngủ quên”. Để không lãng phí những sản phẩm chất xám này là mong ước của cả giáo viên và học sinh – những người đã dành tâm huyết nghiên cứu, thực hiện...

Nhiều ý tưởng hay, giá trị

Mỗi năm tỉnh ta có 2 “sân chơi” sáng tạo gắn với các kiến thức, môn học để học sinh trong toàn tỉnh thử sức. Đó là Cuộc thi Sáng tạo thanh thiếu niên, nhi đồng (Liên hiệp hội Khoa học kỹ thuật tỉnh tổ chức) và Cuộc thi Khoa học kỹ thuật dành cho học sinh trung học (Sở Giáo dục và Đào tạo chủ trì). Hai cuộc thi đều khuyến khích học sinh tìm tòi, nghiên cứu đa dạng lĩnh vực, như: bảo vệ môi trường và phát triển kinh tế, đồ dùng học tập, sinh hoạt, phần mềm tin học, y sinh và khoa học sức khỏe, hóa sinh, kỹ thuật cơ khí, khoa học xã hội và hành vi...

Qua những cuộc thi này, xuất hiện nhiều sản phẩm, mô hình có ý tưởng hay, giá trị, khả năng ứng dụng tốt trong đời sống, như: “Nâng cao nhận thức về an ninh mạng nhằm hình thành văn hóa ứng xử trên mạng xã hội cho học sinh THPT” (Trường THPT Lương Thế Vinh) – đoạt giải khuyến khích cấp quốc gia năm học 2021 – 2022; Hệ thống robot cứu nạn cứu hộ thông minh; Thiết bị báo ngã thông minh cho người già; Thiết bị chống điện áp cao, chống sét lan truyền, chống điện giật; Sách điện tử tương tác – Khám phá Điện Biên...

Trong năm 2023 này, Cuộc thi Khoa học kỹ thuật dành cho học sinh trung học cấp tỉnh cũng đã trao 88 giải cho các tác giả có dự án xuất sắc. Cuộc thi Sáng tạo thanh thiếu niên, nhi đồng tỉnh trao 37 sản phẩm, mô hình xuất sắc, hữu ích. Theo dõi cuộc thi và tham gia Ban giám khảo Cuộc thi sáng tạo thanh thiếu niên, nhi đồng tỉnh năm 2023, ông Vũ Xuân Linh, Phó Giám đốc Sở Khoa học và Công Nghệ nhận định: “Chất lượng các mô hình, sản phẩm sáng tạo khoa học, kỹ thuật năm sau cao hơn năm trước. Nhiều mô hình, sản phẩm có tính mới, tính sáng tạo, có khả năng ứng dụng, triển khai nhân rộng thực tế. Qua đó cho thấy học sinh có sự tìm tòi, quan sát, nghiên cứu kỹ càng gắn với học tập và sinh hoạt hàng ngày”.

Dừng lại ở sản phẩm dự thi

Được đánh giá tốt và khẳng định có khả năng ứng dụng, nhưng việc triển khai vào thực tế của các dự án còn nhiều hạn chế, khó khăn. Hàng năm Trường Phổ thông dân tộc nội trú THPT huyện Điện Biên đều có sản phẩm dự thi và đạt thành tích cao trong các cuộc thi. Năm nay, Nhà trường có 2 sản phẩm nổi bật là: “Nghiên cứu các hoạt tính trong tinh dầu trầu không trồng tại tỉnh Điện Biên, từ đó ứng dụng tạo các sản phẩm chăm sóc răng miệng” - Giải Nhất Cuộc thi Khoa học kỹ thuật dành cho học sinh trung học cấp tỉnh; và “Website hỗ trợ học tiếng Anh trong môn hoá học” - Giải C Cuộc thi Sáng tạo thanh thiếu niên, nhi đồng tỉnh.

Cả 2 sản phẩm đều rất thiết thực, tiềm năng ứng dụng cao nếu tiếp tục đầu tư, nhưng cô giáo Trần Thị Phương Thanh (giáo viên Nhà trường hướng dẫn cả 2 dự án trên) chia sẻ: “Kinh phí chính là khó nhất đối với cả cô và trò khi thực hiện các sản phẩm này. Sau khi dự thi, dù đạt giải nhưng để tiếp tục thực hiện và mở rộng hoặc làm chuyên sâu hơn cần phải có nguồn vốn duy trì”.

Được biết, để thực hiện các dự án phải mua tên miền và thuê web hosting (với dự án website), gửi mẫu kiểm nghiệm, thử hoạt tính tới Viện Hàn lâm khoa học và công nghệ Việt Nam (dự án về tinh dầu). Chi phí thực hiện đều do cô Thanh hỗ trợ học sinh. Bởi kinh phí hạn chế nên website băng thông hẹp, lưu trữ thấp. Còn đối với các sản phẩm trầu không, cô và trò cùng khắc phục bằng bao bì, nhãn mác sản phẩm in ấn, cắt dán thô sơ, thủ công.

Cô Trần Thị Phương Thanh, giãi bày: “Hàng năm, các em đều có sản phẩm tham gia dự thi, mang rất nhiều tâm huyết và công sức của cả cô và trò. Sản phẩm đạt giải và được đánh giá có tính ứng dụng nhưng chưa có sản phẩm nào có điều kiện, được tiếp sức để duy trì và phát triển chuyên sâu, nhân rộng hơn. Tất cả chỉ dừng lại trong quy mô Nhà trường”.

Đây cũng là tâm tư của hầu hết các tác giả/nhóm tác giả có sản phẩm sáng tạo giá trị. Trường Phổ thông DTBT THCS Na sang, huyện Mường Chà cũng ghi rất nhiều giải thưởng trong các cuộc thi sáng tạo, khoa học kỹ thuật. Mới đây, học sinh Lò Thị Linh, học sinh lớp 9A2 Nhà trường giành giải Nhất Cuộc thi Sáng tạo thanh thiếu niên nhi đồng năm 2023 với “Hệ thống báo động động đất, sạt lở và lũ quét sử dụng năng lượng mặt trời”.

Được biết đây là một sản phẩm có hiệu quả thực tế mà chi phí hoàn thiện ít, khả năng nhân rộng cao. Sản phẩm có thể đặt ở những vị trí tiềm ẩn xảy ra động đất, sạt lở hay lũ quét, hoạt động theo cơ chế khi mặt đất có hiện tượng rung lắc địa chấn, thiết bị sẽ phát cảnh báo, chuông kêu liên tục cho mọi người biết. Đồng thời hệ thống truyền tin sẽ tự động gọi điện, nhắn tin đến các số điện thoại được mặc định để báo cáo kịp thời. Thiết bị sử dụng pin năng lượng mặt trời, nên đặt được ở những nơi không có điện.

Thầy giáo Nguyễn Văn Hùng, hướng dẫn dự án cho biết: “Trên thị trường đã có các hệ thống cảnh báo nhưng giá thành rất cao, chỉ cơ quan hoặc các dự án Nhà nước mới có thể lắp đặt được. Vì thế chúng tôi hướng sản phẩm đến mọi người dân, mọi nhà đều có thể sử dụng”. Tuy nhiên thầy cũng trăn trở “Với cương vị giáo viên, chúng tôi chỉ hướng dẫn học sinh và tìm hiểu khả năng ứng dụng của thiết bị, dừng lại ở sản phẩm dự thi chứ chưa đưa sản phẩm vào sản xuất rộng được. Nếu có đơn vị nào giúp đỡ, hỗ trợ để sản phẩm được cấp phép và đưa vào sản xuất thực tế thì sản phẩm mới phát huy được giá trị ứng dụng”.

Sau nhiều năm triển khai thực hiện, các cuộc thi đã mang lại hiệu ứng tích cực, góp phần khơi dậy tiềm năng, tư duy sáng tạo nghiên cứu khoa học của thế hệ trẻ. Tuy nhiên các sản phẩm trí tuệ ấy vẫn còn đang bị lãng phí, cần được quan tâm, giới thiệu, kết nối phát huy giá trị thực tiễn.

Bài, ảnh: Nguyễn Hiền
Bình luận

Tin khác

Back To Top