Ngoại ngữ không còn là môn thi tốt nghiệp bắt buộc: Có đáng lo?

10:01 - Thứ Bảy, 02/12/2023 Lượt xem: 5391 In bài viết

Bộ Giáo dục và Đào tạo (GD&ĐT) vừa công bố phương án thi tốt nghiệp THPT từ năm 2025 với 2 môn thi bắt buộc và 2 môn thi tự chọn. Dù còn nhiều tranh cãi song đa số đồng tình với phương án này vì nó đáp ứng được các yêu cầu gọn nhẹ, ít tốn kém, giảm căng thẳng, không gây ra sự mất cân bằng giữa việc chọn khối Khoa học xã hội nhiều hơn Khoa học tự nhiên như hiện nay.

Tuy nhiên, nhiều ý kiến cho rằng, phương án thi này cũng sẽ đặt ra không ít thách thức cần giải quyết khi thời gian chuẩn bị cho kỳ thi tốt nghiệp THPT 2025 còn rất ngắn.

Băn khoăn về chất lượng dạy học khi ngoại ngữ trở thành môn tự chọn

Trước và sau khi Bộ GD&ĐT chốt phương án thi tốt nghiệp THPT từ năm 2025, vẫn còn những ý kiến băn khoăn khi môn ngoại ngữ trở thành tự chọn, không còn là môn thi bắt buộc trong kỳ thi tốt nghiệp THPT sẽ làm ảnh hưởng đến chất lượng dạy và học môn học này ở bậc THPT trong bối cảnh đất nước đang ngày càng hợp tác quốc tế sâu rộng.

GS.TSKH Nguyễn Đình Đức, Chủ tịch Hội đồng Trường ĐH Công nghệ, ĐHQG Hà Nội cho rằng, phương án thi tốt nghiệp THPT cần đáp ứng được yếu tố hội nhập quốc tế. GS.TSKH Nguyễn Đình Đức cũng bày tỏ lo ngại, nếu không thi môn ngoại ngữ, học sinh sẽ không học. Tại các thành phố lớn, việc học ngoại ngữ đã được quan tâm hơn, trình độ của học sinh ở những khu vực này được cải thiện. Tuy nhiên cần nhìn thấy rằng vẫn có gần nửa triệu (44%) bài thi tốt nghiệp THPT môn ngoại ngữ có điểm dưới trung bình. Như vậy nếu không có động lực để thúc đẩy việc học ngoại ngữ trong trường phổ thông thì thế hệ trẻ Việt Nam sẽ rất dễ bị tụt hậu.

Từ năm 2025, học sinh sẽ thi tốt nghiệp THPT với 4 môn. Ảnh minh họa

Lý giải về thay đổi lớn này, GS.TS Huỳnh Văn Chương, Cục trưởng Cục Quản lý chất lượng, Bộ GD&ĐT cho biết: Bộ GD&ĐT xác định ngoại ngữ là môn học quan trọng, có tính bắt buộc ở các bậc học. Ở bậc tiểu học, THCS, THPT theo Chương trình GDPT 2018, ngoại ngữ là môn học bắt buộc với mọi học sinh từ lớp 3 cho đến lớp 12. Ở bậc học cao đẳng, đại học, ngoại ngữ cũng là môn học duy nhất tiếp tục được quy định một cách bắt buộc về chuẩn đầu ra (bậc 2 với trình độ cao đẳng, bậc 3 với trình độ đại học theo Khung năng lực ngoại ngữ 6 bậc của Việt Nam). Như vậy, dù không thi bắt buộc với mọi học sinh ở kỳ thi THPT nhưng ngoại ngữ vẫn là môn học bắt buộc với mọi học sinh từ lớp 3 đến hết các bậc học cao đẳng, đại học. Môn ngoại ngữ giống như các môn học khác đều có đánh giá bằng điểm số trong quá trình dạy học. Kết quả học tập môn ngoại ngữ ở các bậc học này có ý nghĩa quan trọng ngay trong quá trình học tập mà không phụ thuộc vào kỳ thi tốt nghiệp THPT.

Thứ trưởng Bộ GD&ĐT Phạm Ngọc Thưởng cũng cho rằng: Việc giảm môn thi bắt buộc, trong đó có môn ngoại ngữ, tăng môn tự chọn trong kỳ thi tốt nghiệp THPT từ năm 2025 theo chương trình GDPT mới 2018 thể hiện lộ trình từng bước chuyển nền giáo dục nặng về học để thi, có thi mới học chuyển sang nền giáo dục thực học, thực dạy, thực nghề, thực nghiệm, học để làm, không phải học để thi.

Lãnh đạo Bộ GD&ĐT cũng nhận định, môn học không được chọn là môn thi bắt buộc sẽ không làm giảm đi tính quan trọng của môn học. Với việc lựa chọn 2/9 môn học để thi, sẽ có 36 cách thức lựachọn khác nhau, không chỉ giúp thí sinh phát huy năng lực, sở trường theo đúng mục tiêu Chương trình GDPT 2018 mà còn tạo điều kiện để thí sinh lựa chọn môn thi phù hợp với định hướng nghề nghiệp, điều kiện hoàn cảnh của mình.

Đổi mới cách ra đề thi, kiểm tra đánh giá để chống “sốc” cho học sinh

Thầy Trần Mạnh Tùng, giáo viên  dạy toán tại Hà Nội cho biết: Chương trình GDPT mới 2018 đã triển khai được 4 năm với những điểm khác biệt căn bản là chuyển từ đánh giá kiến thức sang đánh giá năng lực. Tuy vậy, theo quan sát của thầy, các bài kiểm tra, đánh giá của các trường, Sở GD&ĐT với học sinh đang học chương trình mới, SGK mới chưa có gì thay đổi nhiều, cơ bản vẫn như cũ, dẫn đến rất khó thay đổi cách dạy, cách học. Do đó, Bộ GD&ĐT cần sớm có hướng dẫn, tuyên truyền để các Sở GD&ĐT, các nhà trường nắm được tinh thần này và đổi mới đề thi ngay từ học kỳ 1 năm học này, tránh trường hợp đến năm 2025 “đùng một cái” bắt học sinh tiếp cận đề thi tốt nghiệp THPT kiểu mới thì tất cả sẽ dễ bị “sốc”.

Thầy Trần Mạnh Tùng cũng cho rằng, cần thay đổi nhận thức của người học, xã hội về việc học. Học để hiểu, để làm, vận dụng, học cho chính bản thân mình. Đây là một quan niệm tích cực, học tập để tiến bộ chứ không chỉ để vượt qua một kỳ thi. Nếu vậy, tất cả các môn học sẽ đều quan trọng, việc học không bị phụ thuộc vào việc môn nào thi môn nào không thi.

Thầy Đinh Đức Hiền, giáo viên hệ thống giáo dục FPT cũng nêu quan điểm: Nếu chỉ liên quan đến thi tốt nghiệp THPT thì phương án thi 2 môn bắt buộc và 2 môn tự chọn là hợp lý. Tuy nhiên, hiện nay rất nhiều trường đại học vẫn tuyển trung bình khoảng 60% số chỉ tiêu từ điểm thi THPT nên việc giảm từ 6 xuống còn 4 môn thi sẽ tạo ra những xáo trộn trong tổ hợp xét tuyển đại học. Điều này buộc các trường đại học phải tính toán lại phương thức tuyển sinh, đặc biệt là xây dựng các tổ hợp xét tuyển phù hợp với số môn thi tốt nghiệp THPT từ năm 2025. Bên cạnh đó, các trường THPT cũng cần tính toán kỹ các tổ hợp môn tự chọn đưa vào giảng dạy trong nhà trường để tạo điều kiện tốt nhất cho thí sinh trong việc xét tuyển đại học.

Chia sẻ về quy trình, cách thức ra đề thi cho kỳ thi tốt nghiệp THPT từ năm 2025,  PGS.TS Nguyễn Ngọc Hà, Phó Cục trưởng Cục Quản lý chất lượng, Bộ GD&ĐT cho biết: Song song với việc xây dựng phương án thi, Bộ GD&ĐT đã nghiên cứu xây dựng định dạng đề thi cho kỳ thi từ năm 2025 theo hướng đề thi vừa đáp ứng được mục tiêu đánh giá năng lực, phẩm chất học sinh, vừa có tính kế thừa những ưu điểm trước đây.

Về thời điểm công bố định dạng đề thi minh họa, ông Hà cho biết, theo quy định, khi lứa học sinh đầu tiên học chương trình GDPT năm2018 học chương trình lớp 12 thì mới nên công bố đề thi minh họa thi tốt nghiệp THPT. Tuy nhiên, để các nhà trường, giáo viên, học sinh có sự hình dung sớm hơn nên ngay sau khi xây dựng và thử nghiệm xong định dạng đề thi cho kỳ thi tốt nghiệp THPT từ năm 2025, Bộ GD&ĐT sẽ công bố đề thi minh họa dựa trên nội dung chương trình lớp 10, lớp 11 của chương trình GDPT 2018 nhưng đúng với định dạng, cấu trúc mới. Dự kiến cuối quý IV/2023, Bộ sẽ công bố đề thi minh họa cho kỳ thi tốt nghiệp THPT từ năm 2025.

Theo CAND
Bình luận

Tin khác

Back To Top