Cần sẵn sàng trang bị thiết bị cho chương trình giáo dục phổ thông 2018

16:56 - Thứ Ba, 05/12/2023 Lượt xem: 4965 In bài viết

Theo Bộ Giáo dục và Đào tạo, một trong những điểm mới của Chương trình giáo dục phổ thông 2018 so với chương trình hiện hành là sự thay đổi về cơ sở vật chất và thiết bị dạy học ở các cấp học. Sự thay đổi chủ yếu nằm ở phương pháp và cách thức khai thác sử dụng cơ sở vật chất thiết bị dạy học.

Giáo viên Trường THCS Cửa Tùng, huyện Vĩnh Linh, tỉnh Quảng Trị trình bày, giới thiệu sản phẩm tại Hội thi Sáng tạo đồ dùng, thiết bị dạy học. 

Vụ trưởng Cơ sở vật chất (Bộ Giáo dục và Đào tạo) Phạm Hùng Anh cho biết: Thực hiện Chương trình giáo dục phổ thông 2018, Bộ Giáo dục và Đào tạo đã xây dựng danh mục thiết bị dạy học tối thiểu bảo đảm tính kế thừa danh mục thiết bị dạy học tối thiểu đã ban hành, tránh lãng phí; đồng thời, bảo đảm tính khả thi, tính liên thông giữa các lớp, các cấp học với nhau, tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin trong dạy học. Khi xây dựng danh mục thiết bị mới, Bộ đã tính toán theo hướng mở, không quy định cứng nhắc, không áp đặt theo mẫu thiết bị dạy học cụ thể, tiếp cận công nghệ mới, hiện đại, nhằm tạo điều kiện thúc đẩy sự sáng tạo của các nhà sản xuất, cung cấp và mở rộng phạm vi mua sắm dựa trên điều kiện kinh tế-xã hội của từng địa phương. Cùng với đó, thực hiện các quy định về hướng dẫn tiêu chuẩn, định mức sử dụng máy móc chuyên dùng của Chính phủ, Bộ đã quy định cùng với danh mục thiết bị dạy học tối thiểu định mức thiết bị theo các đối tượng, số học sinh, giáo viên, lớp học của các cơ sở giáo dục. Việc này nhằm tạo cơ sở để các cấp chính quyền địa phương thực hiện rà soát, xây dựng kế hoạch đầu tư, mua sắm, bảo đảm đáp ứng yêu cầu tối thiểu, tạo điều kiện thuận lợi để các cơ sở giáo dục thực hiện tốt nhất chương trình giáo dục.

Chia sẻ về thực hiện đổi mới cơ sở vật chất, trang thiết bị dạy học tại địa phương, Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh Quảng Trị, Lê Thị Hương cho biết: Trên cơ sở danh mục thiết bị được UBND tỉnh phê duyệt và cấp nguồn kinh phí, Sở đã ban hành văn bản gửi các đơn vị sản xuất, cung ứng thiết bị dạy học đề nghị cung cấp báo giá thiết bị dạy học tối thiểu các cấp học. Sau khi nhận được báo giá từ các đơn vị cung cấp, Sở đã thành lập các tổ để tổ chức rà soát, đánh giá mặt kỹ thuật, lựa chọn, đề xuất giá phù hợp với từng danh mục thiết bị dạy học; tiến hành tổng hợp, xây dựng dự toán mua sắm thiết bị dạy học cho các cấp học.

Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh Thừa Thiên Huế, Nguyễn Tân cho biết: Nhận thức của cán bộ, giáo viên trong việc quản lý, sử dụng trang thiết bị dạy học ngày càng nâng lên. Giáo viên có hứng thú trong việc dạy học có sử dụng thiết bị dạy học, các bài giảng có sự đầu tư, chuẩn bị chu đáo cho các thiết bị dạy học, các phương tiện hỗ trợ giảng dạy và có sự hấp dẫn đối với học sinh. Việc sử dụng thiết bị dạy học của giáo viên được tiến hành thường xuyên và phổ biến hơn. Học sinh quan sát trực quan, được trực tiếp thực hiện cho nên dễ dàng nắm bắt kiến thức và hiểu bài nhanh hơn, thích thú hơn. Đáng chú ý, giáo viên có điều kiện khai thác, ứng dụng công nghệ thông tin và chuyển đổi số, sáng tạo trong đổi mới phương pháp dạy học.

Theo Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh Hà Giang, Nguyễn Thế Bình, ngành giáo dục Hà Giang luôn ưu tiên đầu tư mua sắm thiết bị dạy học cho các trường vùng sâu, vùng cao, vùng đặc biệt khó khăn, trường phổ thông dân tộc bán trú, trường phổ thông có học sinh bán trú, trường thuộc xã đạt chuẩn nông thôn mới, trường đạt chuẩn quốc gia. Qua đó, giúp giáo viên và học sinh thực hiện có hiệu quả mục tiêu, yêu cầu của bài học, tạo điều kiện cho học sinh phát huy tính tích cực chủ động, sáng tạo trong tiếp thu kiến thức.

Tuy nhiên, bên cạnh những thuận lợi thì hiện nay các địa phương vẫn còn gặp nhiều khó khăn, vướng mắc từ nguồn kinh phí, việc xác định nhu cầu đến lập dự toán, đấu thầu mua sắm và bàn giao trang thiết bị cho các nhà trường. Nhiều trường ở tỉnh Quảng Trị, nhất là các trường tiểu học, trung học cơ sở thuộc các huyện miền núi có nhiều điểm trường, cơ sở vật chất chưa đáp ứng nhu cầu. Hầu hết các trường chưa có phòng học bộ môn, phòng thiết bị giáo dục.

Vì vậy, khi xác định nhu cầu mua sắm, các đơn vị chưa mạnh dạn đề xuất số lượng theo quy định do không biết bảo quản và sử dụng như thế nào cho hiệu quả. Cùng với đó, nhiều trang thiết bị dạy học ở trường được đầu tư trước đây đã cũ, quá thời gian sử dụng cho nên chưa đáp ứng tốt cho việc dạy và học theo phương pháp đổi mới hiện nay. Công tác thanh tra, kiểm tra tình hình mua sắm, bảo quản sử dụng thiết bị dạy học chưa được thường xuyên và còn nhiều hạn chế.

Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh Hà Giang, Nguyễn Thế Bình cho biết: Mặc dù xác định thiết bị dạy học là một trong những phương tiện quan trọng trong đổi mới phương pháp dạy học, ngành giáo dục tỉnh Hà Giang đã phối hợp với các sở, ngành, đơn vị có liên quan tham mưu sử dụng có hiệu quả nguồn đầu tư của Nhà nước cho giáo dục nhưng chưa đáp ứng được so với yêu cầu thực tế của tỉnh. Nguồn ngân sách nhà nước bố trí cho giáo dục đào tạo trong đầu tư xây dựng cơ sở vật chất, trang thiết bị dạy học còn hạn hẹp. Ngân sách chi thường xuyên tại các cơ sở giáo dục còn hạn chế không bảo đảm cho việc trích chi đầu tư mua bổ sung thiết bị dạy học hằng năm tại các nhà trường. Về đội ngũ, hầu hết đội ngũ thực hiện việc mua sắm của các đơn vị chưa được đào tạo về chuyên môn đấu thầu trong mua sắm hàng hóa, đồ dùng trang thiết bị. Đội ngũ giáo viên chưa qua đào tạo về sử dụng các thiết bị dạy học mới cho nên chưa khai thác được hết các tính năng của các thiết bị dạy học khi được lắp đặt. Giáo viên phụ trách thiết bị và các phòng bộ môn đều kiêm nhiệm, nhiều cán bộ chưa qua đào tạo chuyên môn dẫn đến khả năng quản lý và khai thác còn nhiều hạn chế; thiết bị dạy học chưa được bảo quản đúng quy cách dẫn đến hỏng hóc.

Theo Bộ Giáo dục và Đào tạo, cả nước hiện có hơn 211 nghìn bộ thiết bị dạy học. Tỷ lệ đáp ứng về thiết bị dạy học theo chuẩn quy định trên phạm vi cả nước còn thấp, trung bình chỉ đáp ứng được 54,3%. Số lượng bộ thiết bị giáo dục cần bổ sung lớn với hơn 166.195 bộ, trong khi việc mua sắm thiết bị dạy học tối thiểu ở các địa phương rất khó khăn.

Thiết bị chuyên dùng tại các phòng học bộ môn ngoại ngữ, tin học còn thiếu; nhiều thiết bị đã cũ, chưa được bổ sung kịp thời. Việc quy hoạch, bố trí quỹ đất, đầu tư xây dựng cơ sở vật chất trường học chưa đáp ứng yêu cầu, chưa phù hợp quy chuẩn, tiêu chuẩn trường học. Việc đầu tư xây dựng đủ các phòng học, mua sắm trang thiết bị cho các phòng chức năng ngoại ngữ, tin học cho tất cả các điểm trường lẻ khó khả thi.

Qua thực tế các địa phương triển khai và rà soát danh mục thiết bị dạy học của các cấp học, vẫn còn có một số sai sót về thông số kỹ thuật, trình bày, mô tả thiết bị chưa phù hợp, Bộ Giáo dục và Đào tạo nhận thấy cần thực hiện sửa đổi để phù hợp với thực tế triển khai.

Hiện Bộ Giáo dục và Đào tạo đã và đang tổ chức các hội thảo góp ý nhằm lắng nghe những khó khăn, vướng mắc trong quá trình thực hiện thực tế hiện nay tại các địa phương, lấy cơ sở sửa đổi, bổ sung thông tư về danh mục thiết bị dạy học tối thiểu các cấp tiểu học trung học cơ sở, trung học phổ thông hiện hành nhằm đáp ứng nhu cầu đổi mới của chương trình giáo dục phổ thông 2018 ở tất cả các lớp học, cấp học trong thời gian tới.

Theo NDĐT
Bình luận

Tin khác

Back To Top