Từ vụ việc cô giáo ở Tuyên Quang bị học sinh xúc phạm, dồn vào góc lớp
Trong hai ngày qua, dư luận vô cùng bức xúc khi một clip lan truyền trên mạng xã hội ghi lại cảnh một nhóm học sinh ở Trường THCS Văn Phú, huyện Sơn Dương (Tuyên Quang) dồn cô giáo vào góc lớp và có những hành vi xúc phạm giáo viên…
Theo thông tin ban đầu, sự việc xảy ra có lỗi từ cả hai phía, trong đó có việc giáo viên này đã từng sử dụng những lời lẽ thiếu văn hóa với học sinh khiến các em bất bình, song việc học sinh “trả đũa” giáo viên bằng những cử chỉ, lời lẽ xúc phạm như trong clip là không thể chấp nhận được vì nó đi ngược lại với truyền thống, đạo lý tôn sư trọng đạo của dân tộc. Từ sự việc trên, nhiều ý kiến cho rằng, cần phải tăng cường giải pháp để chấn chỉnh tình trạng ứng xử thiếu chuẩn mực giữa thầy và trò trong các nhà trường.
Vụ việc được xác định xảy ra vào khoảng 10h30 ngày 29/11, tại Trường THCS Văn Phú, huyện Sơn Dương (Tuyên Quang). Cô giáo Phan Thị H (SN 1985), là giáo viên bộ môn âm nhạc tại Trường THCS Văn Phú vừa hết tiết học thì bị một số học sinh lớp 7C và 6A "quây", có lời nói, hành vi chửi bới, khiêu khích, xúc phạm cô giáo H.
Qua xác minh ban đầu từ Công an huyện Sơn Dương, nguyên nhân xuất phát từ việc khoảng tháng 9/2023, cô Phan Thị H xảy ra mâu thuẫn với học sinh lớp 6A và có lời nói không đúng chuẩn mực đạo đức của người giáo viên khiến học sinh bất bình.
Ngày 21/11, Hiệu trưởng Trường THCS Văn Phú đã ban hành quyết định kỷ luật cảnh cáo đối với cô giáo Phan Thị H vì lý do “vi phạm đạo đức nhà giáo, xúc phạm danh dự nhân phẩm học sinh; ngôn ngữ, ứng xử của giáo viên chưa đúng chuẩn mực”. Theo báo cáo ban đầu của Công an huyện Sơn Dương, sau khi xảy ra sự việc, ngày 30/11, đơn vị đã làm việc, yêu cầu Trường THCS Văn Phú họp kiểm điểm và làm rõ trách nhiệm của giáo viên và học sinh liên quan đến vụ việc trên.
Qua đó, tất cả các ý kiến tại buổi làm việc đều thống nhất nhận xét cô giáo Phan Thị H và các học sinh xuất hiện trong video đều có hành vi thiếu chuẩn mực, cần phải kiểm điểm nghiêm túc. Hiện UBND huyện Sơn Dương đã chỉ đạo Phòng GD&ĐT chủ trì, phối hợp Phòng Nội vụ, Công an huyện Sơn Dương tiếp tục kiểm tra, xác minh, giải quyết vụ việc theo quy định và báo cáo UBND huyện Sơn Dương, UBND tỉnh Tuyên Quang và các cơ quan chức năng liên quan…
Nhìn nhận về sự việc này, nhiều ý kiến cho rằng, việc cô giáo dùng lời lẽ thiếu văn hóa, chửi bới với học sinh là vi phạm chuẩn mực của nhà giáo và điều này đã được nhà trường xử phạt nghiêm bằng hình thức kỷ luật cảnh cáo. Còn việc nhóm học sinh “quây” cô giáo, có những hành động, lời nói xúc phạm giáo viên như trong clip là không thể chấp nhận được. Điều này là vi phạm đạo đức, đi ngược lại với truyền thống tôn sư trọng đạo của dân tộc.
Chia sẻ thêm với PV Báo CAND, TS. Nguyễn Tùng Lâm, Phó Chủ tịch Hội Tâm lý giáo dục Việt Nam, Chủ tịch Hội đồng giáo dục Trường THPT Đinh Tiên Hoàng nêu quan điểm, có 3 vấn đề cần đặt ra.
Thứ nhất, chương trình giáo dục phổ thông hiện nay có đặt ra yêu cầu nhà trường phải dạy cho học sinh giá trị sống như biết yêu thương, tôn trọng, bao dung, biết tự tin, tự trọng, tự chịu trách nhiệm và các kỹ năng sống như kỹ năng thương lượng, hòa giải, tha thứ… Vậy nhà trường đã làm tốt vấn đề này chưa? Nếu chưa làm tốt, nhà trường cần phải xem lại và sớm có giải pháp khắc phục bằng cách bổ sung, xây dựng một chương trình giáo dục đạo đức, dạy các kỹ năng sống cơ bản cho học sinh toàn trường.
Thứ hai, nếu nhà trường đã làm tốt nhiệm vụ giáo dục đạo đức, lối sống cho học sinh; xây dựng được những lớp học đoàn kết, yêu thương, giúp đỡ nhau với phương châm từng lớp học hạnh phúc sẽ tạo nên trường học hạnh phúc, từ đó góp phần ngăn chặn bạo lực học đường mà học sinh vẫn hành xử lệch chuẩn, vô lễ với thầy cô thì lỗi là do học sinh và đây là trách nhiệm của giáo dục gia đình.
Thứ ba, về phía cô giáo cũng cần phải rút kinh nghiệm, phải xem lại mình đã thực sự yêu thương, tôn trọng và thấu hiểu học trò hay chưa? Các kỹ năng ứng xử với học trò đã thực sự chuẩn mực, phù hợp hay chưa?
Nhìn rộng hơn về vấn đề văn hóa học đường, về ứng xử chuẩn mực trong trường học, TS. Nguyễn Tùng Lâm cho rằng, muốn trường ra trường thì trước hết thầy phải ra thầy, trò phải ra trò.
Và trong giải quyết bạo lực học đường, xây dựng văn hóa học đường cần căn cứ vào ba cái lý: Căn cứ vào tâm sinh lý của học sinh để giáo dục, dạy dỗ và có biện pháp xử lý phù hợp bởi lứa tuổi học sinh THCS, THPT thường có nhiều biến động về tâm sinh lý.
Thứ hai là cơ sở quản lý của nhà trường: Công tác quản lý giáo dục của nhà trường, trách nhiệm của lãnh đạo nhà trường và trách nhiệm của giáo viên chủ nhiệm trong việc tổ chức giáo dục giá trị sống, kỹ năng sống cho học sinh đã được thực hiện một cách thấu đáo hiệu quả chưa?
Thứ ba là căn cứ vào cơ sở pháp lý: Cần phải cho học sinh hiểu việc sử dụng lời nói xúc phạm, hành động mang tính bạo lực đối với người khác không chỉ vi phạm chuẩn mực đạo đức mà còn là hành vi vi phạm pháp luật. Từ đó, đưa ra các hình thức xử lý phù hợp, tùy vào mức độ vi phạm như xử phạt hành chính, đình chỉ học. Và dù chọn hình thức xử lý nào thì điều quan trọng nhất vẫn là phải giúp các em biết nhận ra lỗi của mình, biết khắc phục và dám chịu trách nhiệm.
PGS.TS Đặng Quốc Bảo, nguyên Giám đốc Học viện Quản lý giáo dục cũng cho rằng: Từ những hiện tượng lệch chuẩn trong văn hóa ứng xử giữa thầy với trò, giữa trò với trò trong thời gian qua cho thấy, “Tiên học lễ hậu học văn” trong nhà trường là vô cùng quan trọng và đến nay vẫn còn vẹn nguyên giá trị bởi nếu không chú trọng giáo dục đạo đức, văn hóa ứng xử cho học sinh, mọi thứ sẽ trở nên bát nháo.
Cũng theo PGS.TS Đặng Quốc Bảo, có ba nhân tố cơ bản trong việc giáo dục đạo đức học sinh, đó là: Gia đình, nhà trường và xã hội. Mỗi nhân tố đều có một vai trò riêng nhất định trong việc nuôi dưỡng, xây dựng và hình thành nhân cách của các em. Giống như chiếc kiềng ba chân, đơn giản, vững chắc và không thể thiếu bất kỳ chân nào.
Liên quan đến sự việc này, ngay trong ngày 6/12, Bộ Giáo dục và Đào tạo đã có văn bản đề nghị UBND tỉnh Tuyên Quang tiếp tục chỉ đạo, làm rõ vụ việc. Trên cơ sở đó, có hình thức xử lý nghiêm khắc theo đúng mức độ vi phạm với các cá nhân và tập thể liên quan.