Nhằm quản lý chất lượng đào tạo ở bậc đại học, nhất là sau sự việc một người sử dụng bằng tiến sĩ giả giảng dạy tại nhiều trường gây bức xúc trong dư luận thời gian qua, Bộ Giáo dục và Đào tạo đã chỉ đạo các nhà trường tăng cường quản lý giảng viên.
Cả nước hiện có trên 300 cơ sở giáo dục đại học với số lượng giảng viên rất lớn. Các cơ sở giáo dục đại học được quyền tự chủ theo quy định của Luật Giáo dục đại học, trong đó có nội dung tự chủ về tổ chức, bộ máy và nhân sự.
Theo đó, các trường phải chịu trách nhiệm về hồ sơ ứng viên (trong đó có văn bằng, chứng chỉ) khi tuyển dụng giảng viên. Các trường có trách nhiệm kiểm tra, xác minh thông tin liên quan đến lý lịch, văn bằng chứng chỉ khi có nghi ngờ hoặc dấu hiệu không đúng.
Các cơ sở giáo dục đại học khi cấp bằng tốt nghiệp cho người học cũng đã công khai thông tin trên trang thông tin điện tử của đơn vị. Nếu văn bằng do nước ngoài cấp thì gửi cơ quan công nhận văn bằng, chứng chỉ của Bộ Giáo dục và Đào tạo để công nhận. Việc để lọt các trường hợp dùng bằng giả là lỗi của bộ phận chức năng có trách nhiệm kiểm tra, thẩm định hồ sơ khi tiếp nhận vào trường.
Về phía Bộ Giáo dục và Đào tạo, Bộ đã xây dựng phần mềm quản lý dữ liệu ngành giáo dục, trong đó có việc cập nhật dữ liệu danh sách giảng viên cơ hữu của các trường đại học. Khi nhập liệu vào phần mềm quản lý dữ liệu này, các nhà trường phải chịu trách nhiệm về tính chính xác của dữ liệu.
Phần mềm là một trong những cơ sở để xác định có hay không tình trạng trùng lặp giảng viên cơ hữu trong các trường, ví dụ một người đang là giảng viên cơ hữu của một trường không thể là giảng viên cơ hữu trường khác.
Tuy nhiên, có một thực tế, hiện nay việc quản lý ở hai hệ thống khác nhau, có những tiến sĩ ở trường cao đẳng (do Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội quản lý) nhưng đồng thời có tên ở trường đại học. Một số giảng viên đã về hưu có thể cũng có tên ở một số trường.
Để khắc phục, Bộ Giáo dục và Đào tạo đang hoàn thiện hệ thống phần mềm để xác định rõ tình trạng này, từ đó có căn cứ xử lý với các trường hợp vi phạm.