Xét tuyển đại học từ năm 2025 sẽ thế nào?

11:08 - Thứ Bảy, 09/12/2023 Lượt xem: 6369 In bài viết

Theo phương án thi tốt nghiệp THPT từ năm 2025, sẽ có 4 môn thi, trong đó, 2 môn Toán và Ngữ văn bắt buộc và 2 môn học sinh lựa chọn trong các môn: Ngoại ngữ, Lịch sử, Địa lý, Vật lý, Hóa học, Sinh học, Tin học, Công nghệ, Giáo dục Kinh tế và Pháp luật. Với phương án thi này, sẽ có 36 cách lựa chọn các môn thi thay vì các tổ hợp như trước. Tuy nhiên, do số lượng môn thi giảm (từ 6 môn hiện nay xuống còn 4 môn) sẽ dẫn đến số lượng các tổ hợp xét tuyển đại học giảm so với hiện nay. Điều này buộc các trường đại học vẫn sử dụng kết quả từ kỳ thi tốt nghiệp THPT phải điều chỉnh, tính toán cho phù hợp.

Lần đầu tiên môn Tin học và Công nghệ được đưa vào thi tốt nghiệp

Phương án thi tốt nghiệp THPT hiện hành có 6 môn thi gồm 3 môn bắt buộc là Toán, Văn, Ngoại ngữ và 1 trong 2 tổ hợp Khoa học Tự nhiên gồm các môn Vật lý, Hóa học, Sinh học hoặc Tổ hợp Khoa học Xã hội gồm các môn Lịch sử, Địa lý, Giáo dục công dân.

Trong khi đó, phương án thi tốt nghiệp THPT từ năm 2025 sẽ có 4 môn thi gồm 2 môn bắt buộc là Toán, Ngữ văn và 2 môn tự chọn trong các môn còn lại gồm: Ngoại ngữ, Lịch sử, Địa lý, Vật lý, Hóa học, Sinh học, Tin học, Công nghệ, Giáo dục Kinh tế và Pháp luật. Như vậy, nếu so với phương án thi hiện hành, phương án thi tốt nghiệp THPT từ năm 2025 xuất hiện thêm 2 môn thi mới lần đầu tiên có mặt trong danh sách các môn thi tốt nghiệp cho học sinh tự chọn là Tin học và Công nghệ.

Các trường đại học ngày càng đa dạng phương thức xét tuyển, giảm dần phụ thuộc vào kỳ thi tốt nghiệp THPT. Ảnh minh họa.

Nhiều học sinh cho biết, việc thêm 2 môn thi Tin học và Công nghệ vào danh sách các môn thi tốt nghiệp THPT từ năm 2025 là phù hợp với thực tế. Điều này giúp học sinh có cơ hội được chọn môn học thoải mái hơn trước, không phải phân vân giữa môn học mình thích, môn mình có sở trường và môn thi tốt nghiệp nữa.

Bên cạnh đó, Tin học và Công nghệ đều là những môn học rất cần thiết trong bối cảnh cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 đang diễn ra mạnh mẽ. Tuy nhiên, vấn đề đặt ra là trong các tổ hợp xét tuyển mà các trường đại học hiện đang sử dụng, hầu như vẫn đang vắng bóng hai môn học này. Do đó, nhiều học sinh đề nghị nếu như học sinh được đăng ký thi tốt nghiệp môn Công nghệ, Tin học thì các trường đại học cũng nên sắp xếp tổ hợp xét tuyển mới, trong đó có môn Tin học và Công nghệ. Điều này sẽ giúp học sinh tự tin, yên tâm hơn khi đăng ký môn học lựa chọn từ lớp 10.

Từ góc độ của người biên soạn chương trình SGK giáo dục phổ thông mới 2018, NGND.PGS.TS Hồ Sỹ Đàm, chủ biên chương trình môn Tin học cũng cho biết, cá nhân ông ủng hộ phương án thi này khi lần đầu tiên đưa hai môn Công nghệ và Tin học, những môn học rất cần thiết đối với học sinh trong bối cảnh hiện nay vào các môn lựa chọn trong kỳ thi mà từ trước đến nay chưa bao giờ được lựa chọn để thi. Vấn đề đặt ra là các trường đại học cần xây dựng mới, tái cấu trúc và công bố sớm các tổ hợp môn xét tuyển cho các ngành đào tạo để thuận lợi cho học sinh.

Sẽ giảm dần phụ thuộc vào kỳ thi tốt nghiệp THPT

 Ông Nguyễn Ngọc Hà, Phó Cục trưởng Cục Quản lý chất lượng, Bộ GD&ĐT cho biết: Nguyên tắc tổ chức kỳ thi tốt nghiệp THPT 2025 không cho phép thí sinh thi hơn 2 môn lựa chọn. Phương án thi từ năm 2025 với 2 môn bắt buộc là Toán, Ngữ văn và 2 môn lựa chọn trong số 9 môn sẽ tạo ra 36 tổ hợp môn. Như vậy, với việc số lượng môn thi tốt nghiệp THPT giảm (từ 6 xuống còn 4 môn) thì số lượng các tổ hợp xét tuyển nhìn chung sẽ giảm so với trước nhưng đồng thời cũng sẽ xuất hiện thêm các tổ hợp xét tuyển mới có sự góp mặt của các môn Tin học, Công nghệ.

Nhiều trường đại học cho rằng, phương án thi tốt nghiệp THPT 4 môn sẽ không ảnh hưởng đến các phương thức tuyển sinh riêng hiện được sử dụng ở các trường hiện nay như: Xét kết quả học tập THPT, kết quả kỳ thi đánh giá năng lực, đánh giá tư duy, ưu tiên xét tuyển chứng chỉ quốc tế…  Bên cạnh đó, chương trình giáo dục phổ thông mới hướng tới đánh giá năng lực thật sự của học sinh nên các kỳ thi riêng do một số trường đại học lớn tổ chức như thi đánh giá năng lực, đánh giá tư duy sẽ ngày càng trở nên quan trọng và chiếm ưu thế.

Điều này sẽ dẫn tới xu hướng ngày càng có nhiều trường đại học ưu tiên chỉ tiêu cho các phương thức xét tuyển riêng, trong đó có việc ngày càng dành nhiều chỉ tiêu xét tuyển dựa trên kết quả của các kỳ thi riêng và giảm dần chỉ tiêu xét tuyển dựa trên kết quả kỳ thi tốt nghiệp THPT. Tuy nhiên, đối với các trường vẫn sử dụng phương án xét tuyển bằng điểm thi tốt nghiệp THPT từ năm 2025 thì sẽ phải có sự sắp xếp lại tổ hợp môn cho phù hợp hơn. Việc sắp xếp này sẽ được căn cứ vào thực tế lựa chọn môn học tự chọn của học sinh trong Chương trình giáo dục phổ thông 2018.

PGS.TS Đặng Thị Thu Hương, Phó Hiệu trưởng Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn, Đại học Quốc gia Hà Nội cho biết: Phương án xét tuyển đại học của trường trong những năm gần đây tương đối đa dạng và cơ bản giữ ổn định, trong đó xét tuyển dựa trên kết quả thi tốt nghiệp THPT chỉ là một trong số các phương thức.

Hiện tại trường chưa có kế hoạch cụ thể về phương án xét tuyển đại học cho năm 2025, trong đó có phương thức xét tuyển bằng điểm thi tốt nghiệp THPT. PGS.TS. Bùi Đức Triệu, Trưởng phòng Đào tạo trường Đại học Kinh tế Quốc dân cũng cho rằng: Trong những năm gần đây, Bộ GD&ĐT luôn khuyến khích các trường đại học giữ ổn định về quy chế tuyển sinh và đơn giản hóa các phương thức xét tuyển. Vì vậy, Trường ĐH Kinh tế Quốc dân cũng sẽ tiếp tục giữ ổn định về phương thức tuyển sinh, kể cả phương thức tuyển sinh năm 2025. Tuy nhiên, nhà trường sẽ giảm dần chỉ tiêu xét tuyển theo kết quả điểm thi tốt nghiệp THPT và tăng dần các hình thức xét tuyển kết hợp, trong đó chủ yếu sử dụng điểm thi đánh giá năng lực, đánh giá tư duy.

Theo CAND
Bình luận

Tin khác

Back To Top