Tăng cường cơ hội tiếp cận giáo dục THCS cho học sinh khu vực khó khăn

09:38 - Thứ Tư, 13/12/2023 Lượt xem: 4263 In bài viết

Ngày 12/12, tại Quảng Ninh, Dự án Giáo dục THCS khu vực khó khăn nhất, giai đoạn 2 (Bộ Giáo dục và Đào tạo) tổ chức hội nghị tổng kết các hoạt động.

Toàn cảnh hội nghị tổng kết

Dự án Giáo dục THCS khu vực khó khăn nhất, giai đoạn 2 được triển khai ở 28 tỉnh; trong đó bao gồm 135 huyện khu vực khó khăn, dân tộc thiểu số vùng trung du miền núi phía Bắc, Tây Nguyên, Đồng bằng sông Cửu Long, khu vực Bắc trung bộ và duyên hải miền Trung thường xuyên chịu ảnh hưởng của bão lũ, được triển khai từ 2015 đến nay.

Dự án nhằm tăng cường cơ hội, giảm khoảng cách về phát triển kinh tế-xã hội giữa các vùng và các nhóm dân tộc thiểu số; tăng cường cơ hội tiếp cận giáo dục THCS cho học sinh khu vực khó khăn, đặc biệt là học sinh dân tộc thiểu số; xóa bỏ khoảng cách về cơ hội học tập giữa các khu vực; cải thiện chất lượng và sự phù hợp của giáo dục THCS cho các nhóm dân tộc thiểu số; cải thiện cơ sở vật chất, nguồn lực, thiết bị, tài liệu, đổi mới phương pháp dạy học và quản lý, quản trị nhà trường…

Theo Giám đốc Ban quản lý Dự án Đào Ngọc Nam, từ khi triển khai đến nay, các chương trình, hoạt động của dự án đã xây dựng và cung cấp thiết bị cho 747 phòng học, 358 phòng bán trú, 34 bếp ăn bán trú; 96 nhà vệ sinh; 211 phòng ở công vụ cho giáo viên… ở 212 trường thụ hưởng.

Ngoài ra, với việc xây dựng và bàn giao 120 phòng học bộ môn, 82 thư viện trường học và cung cấp thiết bị dùng chung hỗ trợ hoạt động thực hiện các thí nghiệm ảo cho 791 phòng học bộ môn Lý, Hóa, Sinh (Khoa học tự nhiên)… giúp các trường kịp thời thực hiện đổi mới phương pháp dạy học kiểm tra, đánh giá theo yêu cầu chương trình giáo dục phổ thông năm 2018.

Cùng với đầu tư xây dựng cơ sở vật chất, thiết bị, dự án còn triển khai nhiều tài liệu, tập huấn phương pháp đổi mới sáng tạo trong dạy học, quản lý, quản trị, giúp các trường tiếp cận tốt nhất các yêu cầu đổi mới chương trình giáo dục phổ thông.

Dự án cũng triển khai hỗ trợ 17 tỉnh xây dựng bộ tài liệu nội dung giáo dục địa phương theo hướng tăng cường năng lực cho học sinh các khu vực dân tộc thiểu số. Tài liệu giáo dục địa phương của dự án hỗ trợ ở cả bốn khối lớp từ lớp 6 đến 9 THCS theo chương trình giáo dục phổ thông năm 2018. Toàn bộ tài liệu địa phương của 17 tỉnh đã được hội đồng thẩm định tỉnh thông qua, được Bộ Giáo dục và Đào tạo phê duyệt và được các tỉnh cấp phép phát hành, sử dụng dạy học hiệu quả.

Đáng chú ý, dự án đã cung cấp thiết bị ứng dụng công nghệ thông tin cho 135 trung tâm giáo dục thường xuyên huyện và các cơ sở giáo dục được lựa chọn phục vụ công tác tập huấn giáo viên; hình thành 344 cụm trường để giáo viên tham gia sinh hoạt chuyên môn; biên soạn tài liệu hướng dẫn về giáo dục ứng phó với thiên tai và biến đổi khí hậu; tư vấn hướng nghiệp.

Theo dữ liệu thống kê năm học 2022-2023, tỷ lệ đi học đúng độ tuổi tăng mạnh ở tất cả các khu vực thuộc dự án với 885.872 học sinh được học trong hệ thống cơ sở vật chất, trang thiết bị bảo đảm chất lượng từ dự án. Tính đến tháng 8/2023, đã có 70.694 giáo viên, cán bộ quản lý tham gia tập huấn phục vụ mục tiêu triển khai thực hiện chương trình và sách giáo khoa theo chương trình giáo dục phổ thông năm 2018.

Tại hội nghị tổng kết, đại diện các địa phương, các trường học thụ hưởng dự án đã chia sẻ nhiều ý kiến về các hoạt động tiếp nhận, sử dụng cơ sở vật chất, thiết bị trường học và kinh nghiệm nhân rộng các hoạt động từ nguồn đầu tư của dự án nhằm thực hiện đổi mới giáo dục và đào tạo.

Thứ trưởng Giáo dục và Đào tạo Phạm Ngọc Thưởng, trao Bằng khen cho các tập thể,

Phát biểu tổng kết hoạt động của dự án, Thứ trưởng Giáo dục và Đào tạo Phạm Ngọc Thưởng ghi nhận, đánh giá cao các đơn vị, tập thể, cá nhân, các địa phương, trường học tham gia vào các hoạt động của dự án mang lại kết quả tích cực. Mặc dù dự án triển khai trong bối cảnh có nhiều khó khăn, tác động của dịch bệnh; khu vực triển khai là vùng khó khăn nhất nhưng vẫn đạt kết quả tích cực, bảo đảm tốt mục tiêu dự án và đáp ứng tốt nhu cầu đổi mới giáo dục cho giai đoạn phát triển tới đây. Đầu tư của dự án có trọng tâm, trọng điểm vùng dân tộc thiểu số, biên giới, hải đảo, thường xuyên chịu bão lũ thiên tai cho nên mang ý nghĩa nhân văn sâu sắc, tạo sự công bằng trong tiếp cận giáo dục.

Thứ trưởng Phạm Ngọc Thưởng cũng đề nghị các địa phương, trường học cần tiếp tục tổ chức quản lý sử dụng cơ sở vật chất, trang thiết bị của dự án sao cho hiệu quả nhất; vừa sử dụng tiết kiệm, hiệu quả vừa phải duy tu, bảo dưỡng định kỳ; lấy nguồn lực dự án là cú huých để các địa phương tiếp tục phát huy, nhân rộng các hoạt động đổi mới giáo dục ra các vùng khác…

Cũng tại hội nghị, 38 tập thể, cá nhân hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ trong triển khai dự án được Bộ trưởng Giáo dục và Đào tạo tặng Bằng khen.

Theo NDĐT
Bình luận

Tin khác

Back To Top