"Tùng bê" trong giáo dục

16:42 - Thứ Tư, 13/12/2023 Lượt xem: 4809 In bài viết

Vụ cô giáo Tuyên Quang bị học sinh lăng mạ khiến mọi người tranh cãi xem mô hình giáo dục có lỗi ở khâu nào. Chuyện này không ai nói ngắn được. Thôi thi xin hầu chuyện hài hước từ nước Mỹ.

Cảnh sát hỏi thầy giáo: - Thầy đã từng đánh học sinh chưa?

Thầy giáo: - Đôi khi. Đó là trường hợp tự vệ.

Câu chuyện này tái hiện một phần bức tranh bạo lực có thật. Hiệp hội Tâm lý Mỹ tổ chức khảo sát từ tháng 7/2020 đến tháng 6/2021 với 15.000 giáo viên và nhân viên trường học thì có 14% người được đã xác nhận từng bị học sinh hành hung. Một cuộc khảo sát tại Canada cho kết quả 35% giáo viên ở các trường công lập Saskatchewan từng bị học sinh của mình bạo hành trong 5 năm qua.

Không hề ít gia đình Việt nuôi giấc mơ Mỹ, tạo bệ phóng cho con du học Mỹ để có một tương lai huy hoàng. Nhiều tao nhân mặc khách thao thao bất tuyệt về giáo dục khai phóng Mỹ và những mô hình kiểu quốc tế như trên được du nhập vào quốc nội và thực sự "ăn khách". Những ưu thế của mô hình giáo dục này chỉ cần tra google là rõ. Còn phần khiếm khuyết chắc khó tìm đấy. Muốn du học hay còn gọi là “bơi ra biển lớn” thì phải thạo tiếng Anh. Nhà nhà người người cho con theo học những trung tâm tiếng Anh lừng lẫy nhất, và tự hào khi con có chứng chỉ IELTS, TOEFL, SAT và phát âm như người Mỹ bản quốc.

Nếu ai chịu khó đọc báo nghe đài hoặc dự các thuyết trình thì thấy một hiện tượng lạ từ thời mở cửa tới nay. Cuộc kháng chiến chống Mỹ được giới trẻ và giới "có chữ" có tuổi gọi là "chiến tranh Việt Nam". Họ không còn thói quen dùng "kháng chiến" nữa mà chỉ nói thời "chiến tranh" chung chung. Hiện tượng này lan tỏa trong các báo viết và báo hình. Họ cho rằng đây là lối nói khách quan, không thiên vị. Vậy các thế hệ ông bà bỏ mình để giành lại được đất nước để con cháu nhìn bằng góc nhìn ngoài cuộc sao? Với các thế lực xâm lược thì dĩ nhiên chọn từ "Vietnam War". Nhưng tiếng Anh có từ kháng chiến (Resistance) chứ không đến nỗi nghèo nàn. Hãy xem người châu Âu dùng từ "kháng chiến" dành cho cuộc chiến đấu chống phát xít Đức của họ. Tại sao họ phải chọn từ đứng về phía cha ông họ? Sao chúng ta   không thấy đó làm điều hay? Người Nga luôn có cụm từ "chiến tranh vệ quốc" chứ không chung chung. Xu hướng Tây hóa cũng đậm ở Ukraine. Một phóng viên Việt sang Ukraine trước thời Maidan được các bạn bè dặn rằng sang đây đừng nói tiếng Nga. Cứ nói tiếng Anh thì rất được dân ở đây hâm mộ. Xu hướng cuồng Tây này báo trước một cuộc xung đột tan hoang đất nước như chúng ta đều biết.

Với góc nhìn ngoài cuộc thì con em chúng ta không thể thấu hiểu hết ý nghĩa vĩ đại của công cuộc chống ngoại xâm. Những nhóm chống phá khoét sâu tâm lý này để tuyên truyền tô vẽ "chạy tội" cho những thực thể "thây ma" phục vụ ngoại bang từ 1858 tới 1975. Một số sách ngoài luồng in ở hải ngoại với nội dung tô vẽ này được bán qua đường online, quảng cáo trên mạng xã hội luôn là đặt hàng có ngay và free ship.

Góc nhìn kiểu "me tây" đã quay trở lại và đáng ngại hơn xưa. Những gì Tây nói thì ca tụng, những gì ta làm thì bị mai mỉa, cười cợt. Nhiều nguyên nhân nhưng có một nguyên nhân đáng kể là do… tiếng Anh. Phóng viên báo chí cũng thường lấy nguồn tư liệu qua tiếng Anh nên góc nhìn người viết cũng dần bị điều hướng sang góc nhìn ngoài cuộc lúc nào không hay. Sự mất thăng bằng ngoại ngữ đã ở mức báo động. Ngoại ngữ là môn học theo thiên hướng cá nhân nên cần đa dạng chứ không nên "tùng bê" quá. Khi tiếng Anh lên ngôi thì tiếng Nga, tiếng Trung bị xã hội quên lãng. Muốn phát triển đất nước, cần hòa nhập với nhiều ngoại ngữ mạnh về công nghệ và văn hóa chứ không phải bị "cầm tù" trong một ngoại ngữ duy nhất.

Thế hệ trẻ Việt cần các cường quốc đào tạo công nghệ chứ không cần mô hình giáo dục nhào nặn trở thành "tây da vàng". Riêng Giáo dục thì chính chúng ta phải tự làm nếu không muốn đất nước bị biến mất. Giáo dục cần phát triển con em chúng ta thành con người lao động để kiến tạo tương lai; cần trở thành con người dân tộc để bảo vệ bền vững giá trị Việt; cần trở thành con người nhân loại để có trách nhiệm với toàn cầu. Như thế mọi ngoại ngữ nên được mở rộng như Nhật, Hàn, Ảrập, Ấn Độ và nhiều nữa. Quý phụ huynh đừng lo về cơ hội việc làm. Thực tế tuyển dụng cho thấy người thạo duy nhất tiếng Anh bị trượt nhiều. còn các ứng viên có các ngoại ngữ khác có nhiều cơ hội thả sức trúng tuyển và thăng tiến.

Xu thế thế giới đa cực ngày càng rõ. Khối BRICS đang phát triển cho thấy thế giới này không chỉ hẹp trong phương Tây mà rộng rãi muôn hồng ngàn tía.

Đầu tháng 12, nhiều người chia sẻ tờ quyết định Bộ Giáo dục và Đào tạo phê duyệt sách giáo khoa tiếng Trung lớp 3, lớp 4 trong chương trình giáo dục phổ thông. Có thể thấy đây là một tín hiệu nhỏ cho thấy cán cân ngoại ngữ đang cân bằng trở lại. Việt Nam và Trung Quốc là hai nước đồng văn nên nhiều từ cổ dùng chung. Con cháu không đọc được chữ trên bia đá, cổng làng thì như cái cây rễ ăn nông.

Hy vọng tiếp theo sẽ là sách tiếng Nga và các tiếng các quốc gia Đông Nam Á chăng? Các cán bộ cách mạng lão thành, các nhà nghiên cứu đầu thế kỷ 20 thường biết cả tiếng Pháp và tiếng Trung, sau họ cập nhật cả tiếng Nga, tiếng Anh; nhưng điểm chung là trân trọng tiếng Việt. Đa dạng mới toàn diện và tự do, mới đúng nghĩa là khai phóng thưa quý vị.

Theo CAND
Bình luận

Tin khác

Back To Top