Nét đẹp văn hoá công sở trong ngành giáo dục

08:20 - Thứ Hai, 18/12/2023 Lượt xem: 5254 In bài viết

ĐBP - Cùng với nhiệm vụ chuyên môn thì việc thực hiện văn hóa công sở đã được các nhà trường trên địa bàn tỉnh quan tâm triển khai. Qua đó, tạo môi trường sư phạm trong sáng, mẫu mực, góp phần thực hiện tốt các quy chế, chuẩn mực trong môi trường học đường.

Học sinh Trường Phổ thông Dân tộc nội trú tỉnh tham gia giờ ngoại khoá trên lớp.

Nhiều năm gắn bó với Trường Phổ thông Dân tộc nội trú tỉnh, cô giáo Vũ Thị Hồng Hà đã chèo lái biết bao chuyến đò cập bến. Học sinh của cô Hà đến từ nhiều địa phương khác nhau trong tỉnh, trong đó nhiều em là dân tộc thiểu số còn gặp nhiều khó khăn trong học tập và cuộc sống. Thấu hiểu những học trò đặc biệt của mình, cô Hà luôn quan tâm, sát sao và thường xuyên trò chuyện, chia sẻ với các em. Bởi theo cô Hà, bản thân không chỉ là giáo viên, mà còn là những người cha, người mẹ thứ hai của các em. Chính từ suy nghĩ đó, cô Hà luôn suy nghĩ làm sao để có cách ứng xử chuẩn mực, linh hoạt mà phù hợp nhất với học trò.

Cô giáo Vũ Thị Hồng Hà, chia sẻ: Năm học 2023 – 2024, Trường Phổ thông dân tộc nội trú tỉnh có 656 học sinh, thuộc 17 dân tộc đến từ các huyện, thị trong tỉnh. Tại mái trường này, các em không chỉ học tập kiến thức mà còn rèn luyện những kỹ năng sống trong môi trường nội trú. Với lứa tuổi này, các em bắt nhịp nhanh với môi trường sống, có sự nhạy cảm về tâm - sinh lý, kể cả từ trang phục đến lời nói. Từ đó, tôi ý thức được việc thường xuyên tiếp xúc với các em và cũng nhận thức rõ bản thân sẽ là tấm gương cho các em noi theo. Ngay từ những lời nói, cử chỉ, hành động khi giao lưu với các em hay khi lên lớp đều phải phù hợp, tạo môi trường hài hoà với các em.

Đối với học sinh Trường Phổ thông Dân tộc nội trú tỉnh, thầy cô giáo còn là những người cha, người mẹ thứ hai.

Tại Trường Cao đẳng Sư phạm Điện Biên - ngôi trường đào tạo giáo viên và cán bộ quản lý giáo dục tương lai, trong nhiều năm qua, Trường đã có nhiều giải pháp thiết thực nhằm xây dựng nét đẹp văn hóa công sở của nhà trường. Mỗi thầy, cô giáo luôn là tấm gương sáng mẫu mực để sinh viên học tập và noi gương. Cùng với đó, công tác giảng dạy cũng thường xuyên được đổi mới, nhằm nâng cao ̣chất lượng đào tạo.

Theo giảng viên Lê Thị Thơi, Trưởng Khoa Bộ môn chung, Trường Cao đẳng Sư phạm Điện Biên, nghề giáo luôn được xã hội trân trọng, tôn vinh là “nghề cao quý nhất trong những nghề cao quý”. Xã hội càng tôn trọng nghề dạy học, càng đòi hỏi rất cao về năng lực và phẩm chất đạo đức của nhà giáo. Giữ gìn và thực hiện tốt văn hóa công sở là tiền đề để tạo ra môi trường sư phạm trong sáng, chuẩn mực, góp phần xây dựng môi trường giáo dục ngày càng chuyên nghiệp, thực hiện thắng lợi nhiệm vụ đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo.

Mỗi thầy, cô giáo là tấm gương sáng mẫu mực để học sinh học tập và noi gương.

Xác định rõ điều đó, với quan điểm là nhà giáo phải giáo dục bằng tấm gương nên mỗi cán bộ giáo viên trong nhà trường đều nỗ lực trở thành một tấm gương để cho học sinh nhìn vào, noi theo và thực hiện. Đồng thời, Trường ban hành nội quy văn hoá công sở, đối với học sinh sinh viên trường tập trung vào xây dựng kĩ năng ứng xử cho các em. Đối với những hoạt động mà nhà trường tổ chức sẽ tập trung vào đổi mới cả về nội dung và hình thức. Tăng cường công tác tuyên truyền, vận động, nói những lời hay, ý đẹp, thể hiện tác phong, lề lối làm việc chuẩn mực cho tất cả cán bộ, giáo viên và sinh viên.

Em Giàng Thị Chu, Khoa Giáo dục Mầm non, Trường Cao đẳng Sư phạm Điện Biên chia sẻ: Trên lớp chúng em học được từ thầy cô tác phong ăn mặc; cách giao tiếp chỉn chu, chuẩn mực. Từ giao tiếp sư phạm của các  thầy cô, chúng em được thực hành, tập giảng trên lớp, được hoá thân thành những người giáo viên thực thụ.

Nhiều hoạt động thiết thực được Trường Cao đẳng Sư phạm Điện Biên triển khai. Trong ảnh: Sinh viên Khoa Giáo dục Mầm non tìm hiểu thông tin tại thư viện.

Thời gian qua, việc xây dựng văn hóa công sở trong các nhà trường, phong cách ứng xử, lề lối làm việc chuẩn mực của đội ngũ cán bộ quản lý, nhà giáo… là những nhiệm vụ quan trọng được ngành Giáo dục và Đào tạo tỉnh quan tâm thực hiện. Nhằm xây dựng và hình thành nét đẹp văn hóa công sở trong các trường học một cách nghiêm túc và đi vào nền nếp, ngành Giáo dục tỉnh đã triển khai nhiều giải pháp thiết thực. Tùy vào tình hình, đặc điểm từng độ tuổi học sinh cũng như phong tục, tập quán của từng địa phương mà có những quy cách chuẩn mực khác nhau trong việc thực hiện văn hóa công sở; không gò bó, gượng ép mà phải có tính mềm dẻo, linh động.

Theo lãnh đạo Sở Giáo dục và Đào tạo, để nâng cao chất lượng thực hiện văn hóa công sở, các đơn vị trường học cần tiếp tục hoàn chỉnh việc xây dựng, hoàn thiện các quy định về văn hóa công sở. Thực hiện chấp hành nghiêm kỷ cương, kỷ luật hành chính; thực hiện chuyên nghiệp về chuyên môn, nghiệp vụ; tinh thần, thái độ làm việc tận tụy, nghiêm túc, trách nhiệm; thực hiện chuẩn mực trong giao tiếp, ứng xử. Thường xuyên tu dưỡng, rèn luyện chuẩn mực về đạo đức, lối sống; trang phục gọn gàng, sạch sẽ, lịch sự, phù hợp với tính chất công việc. Tích cực tham gia các phong trào thi đua yêu nước do đơn vị và địa phương phát động, tổ chức...

Thanh Niên
Bình luận

Tin khác

Back To Top