Thi tốt nghiệp trung học phổ thông 4 môn: Thí sinh lưu ý phương án tuyển sinh của các trường đại học

09:50 - Thứ Ba, 19/12/2023 Lượt xem: 4025 In bài viết

Theo phương án thi tốt nghiệp trung học phổ thông từ năm 2025 với 4 môn, các trường đại học trên địa bàn thành phố Hà Nội đã dự kiến điều chỉnh phương án tuyển sinh phù hợp. Thí sinh cần lưu ý thông tin này để có sự chuẩn bị kỹ ngay từ bây giờ.

 
Học sinh dự kỳ thi tốt nghiệp trung học phổ thông năm 2023.

Theo phương án tổ chức kỳ thi và xét công nhận tốt nghiệp trung học phổ thông từ năm 2025 do Bộ Giáo dục và Đào tạo vừa công bố, thí sinh dự thi sẽ thi 4 môn, gồm 2 môn bắt buộc (ngữ văn, toán) và 2 môn lựa chọn trong số các môn còn lại được học ở lớp 12 gồm: Ngoại ngữ, lịch sử, vật lý, hóa học, sinh học, địa lý, giáo dục kinh tế và pháp luật, tin học, công nghệ.

Kỳ thi tốt nghiệp trung học phổ thông từ năm 2025 là kỳ thi đầu tiên của lứa học sinh tốt nghiệp theo chương trình, sách giáo khoa mới - Chương trình giáo dục phổ thông 2018. Lứa học sinh này đang học lớp 11. So với các học sinh đang học chương trình hiện hành, bên cạnh một số môn bắt buộc, các em được lựa chọn một số môn học trong chương trình để học. Vì vậy, phương án thi tốt nghiệp từ năm 2025 với việc được đăng ký thi 2 môn lựa chọn được học sinh, dư luận xã hội ủng hộ.

Nhằm giúp học sinh chuẩn bị tốt cho kỳ thi này, Bộ Giáo dục và Đào tạo đã chỉ đạo các sở giáo dục và đào tạo, các trường phổ thông tăng cường hỗ trợ, định hướng học sinh lựa chọn môn học phù hợp với năng lực, sở trường. Các trường đại học cần sớm hoàn thiện, công bố phương án tuyển sinh phù hợp với lộ trình đổi mới giáo dục, không gây sốc cho học sinh, góp phần nâng cao chất lượng đào tạo ở bậc đại học.

Theo tính toán của Bộ Giáo dục và Đào tạo, phương án thi với 2 môn bắt buộc và 2 môn lựa chọn có thể tạo ra 36 tổ hợp môn. Liên quan nội dung này, các trường đại học cũng đã có kế hoạch điều chỉnh trong công tác tuyển sinh từ năm 2025.

Trường Đại học Kinh tế quốc dân sẽ áp dụng phương án xét tuyển kết hợp, xét tuyển bằng kết quả các kỳ thi đánh giá năng lực. Nhà trường cũng sẽ có những điều chỉnh về các tổ hợp xét tuyển cho phù hợp với kỳ thi tốt nghiệp trung học phổ thông, song việc điều chỉnh vẫn theo hướng là giữ lại các tổ hợp truyền thống, căn bản.

Còn đại diện lãnh đạo Trường Đại học Giao thông vận tải nhận định, với phương án thi 4 môn trong kỳ thi tốt nghiệp trung học phổ thông từ năm 2025, số tổ hợp xét tuyển sẽ hạn chế hơn. Khi nguồn tổ hợp từ điểm thi tốt nghiệp trung học phổ thông giảm, nhà trường có thể xem xét để sẽ giảm số chỉ tiêu xét bằng kết quả thi tốt nghiệp, tăng số chỉ tiêu xét bằng các phương thức khác như sử dụng kết quả các kỳ thi đánh giá năng lực, đánh giá tư duy...

Trường Đại học Sư phạm Hà Nội dự kiến giữ ổn định phương thức tuyển sinh như hiện nay. Việc sử dụng kết quả kỳ thi tốt nghiệp trung học phổ thông chỉ là một trong số những phương thức xét tuyển của nhà trường. Nhà trường sẽ tiếp tục tổ chức kỳ thi đánh giá năng lực; duy trì phương thức xét học bạ với một số ngành. Trong khi đó, Trường Đại học Hà Nội thông tin, tất cả các ngành tuyển sinh của trường đều có tuyển sinh khối D (toán, ngữ văn, ngoại ngữ). Với phương án thi tốt nghiệp trung học phổ thông từ năm 2025 với 4 môn, nhà trường không gặp khó khăn. Vì thế, nhà trường dự kiến duy trì ổn định các phương thức tuyển sinh hiện tại, tất cả các ngành tuyển sinh của trường đều tuyển sinh khối D.

Còn theo thông tin từ Trường Đại học Thương mại, với phương thức thi tốt nghiệp trung học phổ thông có 2 môn bắt buộc là ngữ văn và toán, trong khi các tổ hợp của trường đều có ngữ văn hoặc toán và tuyển sinh bằng khối D là chủ yếu, vì vậy, sẽ không ảnh hưởng nhiều đến việc xét tuyển của trường như hiện nay. Dự kiến, đến năm 2025, nhà trường sẽ giảm nhẹ số chỉ tiêu xét tuyển bằng điểm thi tốt nghiệp trung học phổ thông, đồng thời tăng số chỉ tiêu xét tuyển bằng các phương thức khác như đánh giá tư duy, đánh giá năng lực...

Theo HNM
Bình luận

Tin khác

Back To Top