Hành trình xóa mù chữ, “thắp sáng” vùng cao Điện Biên (3)

Bài 3: Những lớp học đặc biệt

08:56 - Chủ Nhật, 24/12/2023 Lượt xem: 5918 In bài viết

ĐBP - Cùng với các lớp học do giáo viên giảng dạy, trong hành trình xóa mù chữ (XMC) cho người dân vùng cao tỉnh ta còn có những lớp học đặc biệt. Ở đó ghi dấu ấn của nhiều lực lượng, tổ chức đoàn thể, như: Phụ nữ, biên phòng, công an... Với vai trò, nhiệm vụ riêng, các đơn vị đã chủ trì hoặc phối hợp vừa “gieo” con chữ vừa “ươm” niềm tin trong nhân dân...

Bài 2: Tạo mọi thuận lợi để người dân đến với con chữ

 Bài 1: Ngược núi “cõng” chữ lên vùng biên

Học chữ sau song sắt

Những học viên mặc áo kẻ sọc, cặm cụi viết chữ, đánh vần từng từ, và xung phong đọc bài. Không gian ấy, chỉ có tiếng thầy và trò cùng miệt mài trao, nhận con chữ. Hàng ngày lên lớp học đọc, học viết, họ như được trở lại là 1 công dân, nuôi dưỡng ước mong trở về và tiếp động lực để vững tin trên con đường hoàn lương phía trước. Đó là lớp XMC hiện đang được mở tại Trại giam Nà Tấu (xã Nà Tấu, TP. Điện Biên Phủ), thuộc Bộ Công an.

Phạm nhân Vàng A Tính (sinh năm 1988) là người xã Phình Giàng, huyện Điện Biên Đông. Từ nhỏ Tính không được đi học, nhận thức về pháp luật kém. Vì thế Tính lầm đường lạc lối, bị kết án 17 năm tù liên quan đến ma túy (thụ án từ năm 2021). Day dứt vì lỗi lầm của mình, không chăm sóc được gia đình, Tính như tìm được “phao cứu sinh” khi lớp XMC mở ra.

Tính giãi bày: “Giá như tôi hiểu biết hơn thì đã không làm việc sai trái như vậy. Tôi muốn học chữ, sau trở về nhà thì học hỏi làm ăn tử tế. Tôi còn có 4 đứa con, muốn nhắn gửi chúng rằng bố đang cố gắng học và cải tạo tốt, các con phải học đến nơi đến chốn để không đi vào con đường sai lầm như bố”.

Không riêng Tính mà hiện có 71 phạm nhân tại đây hàng ngày được lên lớp học con chữ. Nhiều phạm nhân đã gần 60 tuổi nhưng vẫn chăm chỉ, tập trung ghi nhớ từng chữ, từng từ thầy giáo dạy. Phạm tội khác nhau, mức thi hành án khác nhau nhưng tham gia lớp học, họ đều chung mong mỏi biết con chữ để phục vụ cuộc sống sau này, để hiểu pháp luật, không đi vào vết xe đổ.

Trại giam Nà Tấu có hơn 1.200 phạm nhân đang chấp hành án, trong đó 84,7% phạm nhân là người dân tộc thiểu số, 21,2% phạm nhân không biết chữ, tái mù chữ. Với thực tế ấy, để quản lý, giáo dục tốt phạm nhân, 8 năm qua, Trại đã tổ chức được 6 lớp dạy văn hóa XMC cho 180 phạm nhân. Những năm trước, đứng lớp trực tiếp dạy chữ cho phạm nhân là cán bộ công an. Từ năm 2023, theo chương trình phối hợp về tổ chức các lớp học XMC, hướng nghiệp dạy nghề cho phạm nhân giai đoạn 2023 – 2030 giữa Trại giam Nà Tấu với Sở Giáo dục và Đào tạo Điện Biên, các lớp đã có giáo viên tiểu học giảng dạy.

Thượng tá Nguyễn Hữu Khương, Phó Giám thị Trại giam cho biết: “Qua các lớp XMC, nhiều phạm nhân đã biết đọc, biết viết. Nhờ đó nâng cao nhận thức phạm nhân trong việc tìm hiểu pháp luật, chấp hành nội quy Trại giam; có ý thức học tập, cải tạo, rèn luyện để sau khi trở về tránh tái phạm sai lầm, trở thành người có ích cho xã hội”.

Thầy giáo mang quân hàm xanh

Ở các khu vực biên giới Điện Biên, những thầy giáo mang quân hàm xanh đứng lớp đã trở thành hình ảnh quen thuộc từ lâu. Chỉ tính riêng giai đoạn 1991 – 2003, Bộ đội Biên phòng tỉnh đã mở 149 lớp XMC cho 324 người, 5 lớp phổ cập giáo dục tiểu học cho 79 học sinh. Trong suốt chặng đường đóng quân trên các địa bàn biên giới, lực lượng biên phòng luôn chủ động, tích cực phối hợp với ngành Giáo dục và Đào tạo giải quyết vấn đề trẻ em nghèo thất học, bổ túc văn hóa, XMC ở vùng sâu, vùng xa.

Đến giai đoạn này (2022 2025), những thầy giáo quân hàm xanh vẫn tiếp tục sứ mệnh “gieo” con chữ. Theo kế hoạch của Bộ Chỉ huy Bộ đội biên phòng tỉnh, các Đồn Biên phòng Nà Hỳ, Mường Mươn, Si Pa Phìn, Leng Su Sìn phối hợp cùng Phòng Giáo dục và Đào tạo các huyện Mường Chà, Mường Nhé, Nậm Pồ mở 30 lớp, cho 654 học viên. Đến nay đã mở 7 lớp, trong đó kết thúc 5 lớp.

Đại úy Giàng A Chờ, Đội Vận động quần chúng, Đồn Biên phòng Si Pa Phìn là người có nhiều kinh nghiệm giảng dạy XMC. Đại úy Chờ cho biết: “Được sự phân công của chỉ huy đơn vị, tôi phối hợp với cấp ủy, chính quyền địa phương, trường học trên địa bàn tuyên truyền vận động nhân dân tham gia học XMC, để ai cũng có cơ hội được học tập, nâng cao trình độ hiểu biết. Tôi cũng trực tiếp đứng lớp dạy người dân ở một số bản thuộc các xã đồn quản lý (Si Pa Phìn, Phìn Hồ). Là người dân tộc Mông, tôi thường sử dụng song song 2 ngôn ngữ để truyền tải cho người dân dễ hiểu, dễ nhớ”.

Những lớp học thắt chặt thêm tình đoàn kết quân dân nơi biên giới. Và góp phần quan trọng trong phát triển kinh tế - xã hội địa phương, xây dựng, bảo vệ biên giới... Tại xã Phìn Hồ, huyện Nậm Pồ, có 6 dân tộc, trong đó dân tộc Mông chiếm gần 60%. Tỷ lệ người dân không thành thạo tiếng phổ thông còn nhiều. Trong khi hầu hết pano, băng rôn, tài liệu truyền thông đều sử dụng chữ viết phổ thông, nhưng nhiều người dân không hiểu. Đây là rào cản trong công tác tuyên truyền thực hiện các chủ trương, đường lối, chính sách, pháp luật của Đảng, Nhà nước.

Ông Điêu Bình Dương, Bí thư Đảng ủy xã nhận định: “Việc phối hợp, tổ chức mở các lớp XMC trên địa bàn giữa trường học, đồn biên phòng, cấp ủy, chính quyền địa phương mang lại rất nhiều giá trị và ý nghĩa thiết thực. Sau khi học, người dân đọc và hiểu được cơ bản, giúp dễ dàng hơn khi làm các thủ tục hành chính, hồ sơ cá nhân. Qua đó dân trí, trình độ sản xuất, canh tác đều nâng lên... Xã cũng thuận lợi hơn khi triển khai các chủ trương, chính sách, chương trình, dự án thúc đẩy phát triển địa bàn”.

Phát huy những kết quả đạt được trong công tác XMC suốt hơn 60 năm qua trên địa bàn, tỉnh ta tiếp tục kiên trì, nỗ lực vượt khó, phấn đấu hoàn thành các mục tiêu XMC đã đặt ra cho giai đoạn. Cùng hướng tới “đưa miền núi tiến kịp miền xuôi” như mong muốn của Bác Hồ.

Bài 4: Hái quả sau gần 70 năm “ươm trồng” con chữ

Bài, ảnh: Nguyễn Hiền
Bình luận

Tin khác

Back To Top