Hành trình xóa mù chữ, “thắp sáng” vùng cao Điện Biên

Bài 4: Hái quả sau gần 70 năm “ươm trồng” con chữ

09:04 - Thứ Hai, 25/12/2023 Lượt xem: 5681 In bài viết

ĐBP - Trong chặng đường phát triển của tỉnh nhà có sự đóng góp vô cùng quan trọng của các lớp xóa mù chữ (XMC). Giá trị của con chữ luôn được khẳng định. Tuy nhiên với đặc thù vùng cao, Điện Biên vẫn tồn tại những khó khăn, cần có giải pháp thực hiện tốt mục tiêu đặt ra, để Điện Biên sau 70 năm giải phóng luôn duy trì vững chắc và cao hơn kết quả XMC.

Bài 3: Những lớp học đặc biệt 

Bài 2: Tạo mọi thuận lợi để người dân đến với con chữ

 Bài 1: Ngược núi “cõng” chữ lên vùng biên

Con chữ “nảy mầm”, cho trái ngọt

Tại Nậm Pồ sau 10 năm thành lập đã có nhiều thành tựu trong công tác XMC. Năm 2013, huyện được thành lập trên cơ sở chia tách, gộp các xã khó khăn bậc nhất của 2 huyện Mường Chà và Mường Nhé. Khi ấy tỷ lệ người chưa biết chữ cao với 25,93%, là một trong những rào cản xây dựng và phát triển huyện. Để đưa huyện đi lên, việc XMC cho người dân là một nhiệm vụ quan trọng, cấp thiết.

Ông Ngô Xuân Chiến, Trưởng phòng Giáo dục và Đào tạo huyện cho biết: “Xác định vai trò quan trọng của công tác XMC cho đồng bào dân tộc thiểu số trên địa bàn, 10 năm qua, Huyện ủy, HĐND, UBND huyện, ngành Giáo dục và các lực lượng trên địa bàn đã quan tâm, chỉ đạo mở được 131 lớp XMC cho hơn 2.200 người dân. Cùng với phát triển trường lớp học, đưa học sinh tới trường thì các lớp XMC đã góp phần quan trọng nâng tỷ lệ người biết chữ trong toàn huyện. Đến nay, số người 15 – 60 tuổi biết chữ mức độ 2 đạt 84,61%, biết chữ mức độ 1 là 94,72%”.

Dân trí nâng lên đã tạo thuận lợi và góp phần vào thành công chung của các chương trình phát triển của huyện. Để sau 10 năm thành lập, Nậm Pồ đạt được nhiều thành tựu trên các lĩnh vực: Thu nhập bình quân đầu người đạt 18,16 triệu đồng/người/năm, tăng hơn 2 lần so với khi thành lập; tỷ lệ hộ nghèo giảm từ 72% xuống còn 50,6% hộ nghèo đa chiều; tốc độ tăng trưởng giá trị sản xuất bình quân đạt 9,58%/năm...

Ông Hồ Sín Dèn, người có uy tín xã Phìn Hồ cũng chia sẻ: “Năm 1989 gia đình tôi di cư đến sinh sống tại Phìn Hồ, lúc ấy nơi này hoang vu, chưa được khai phá, người không biết chữ nhiều lắm. Đến những năm 90 thì mới có thầy giáo vào mở lớp. Sau này khi chia tách huyện thì càng được quan tâm, phát triển giáo dục. Cứ thế qua nhiều năm, nhiều lớp XMC, bà con nơi đây đã hiểu biết hơn, có cái chữ để làm ăn tốt hơn. Đọc, viết được, nhiều người thuận lợi đi làm thuê xa ngoài địa bàn, gửi tiền về chăm lo cho gia đình”.

Huyện Tuần Giáo cũng mở các lớp XCM hàng năm. Hiện trên địa bàn huyện đang duy trì 16 lớp XMC mở năm 2023 (với 299 học viên) và 3 lớp mở năm 2022 đang đi đến giai đoạn cuối. Một số bản vùng cao còn huy động mở được 2 lớp/bản, như: Ten Hon, Xá Tự (xã Tênh Phông), Co Đứa, Khong Nưa (xã Mường Khong).

Ông Mùa Va Hồ, Phó Chủ tịch UBND huyện cho biết: “Ngày trước, khi cán bộ xuống bản phải tìm người địa phương biết tiếng phổ thông đi cùng, và vừa làm vừa học tiếng đồng bào để có thể trao đổi. Nhưng giờ đây nhờ phổ cập giáo dục, XMC, cán bộ và nhân dân dễ dàng trò chuyện, làm việc cùng nhau; triển khai các chủ trương, chế độ, chính sách một cách thuận lợi. Hơn nữa, ngày nay các phương tiện thông tin đại chúng, thiết bị liên lạc hiện đại đến mọi nhà, giao thông phát triển, xe thương lái, bán hàng lưu động đến mọi bản. Vì thế, sau khi học lớp XMC, học viên có nhiều cơ hội, điều kiện thực hành tiếng Việt, giúp cho công tác XMC đạt hiệu quả cao nhất, hạn chế tình trạng tái mù”.

Để duy trì vững chắc kết quả XMC

Kết quả tích cực từ các lớp XMC đã được khẳng định. Tuy nhiên thẳng thắn nhìn nhận, các tiêu chí đạt chuẩn XMC ở một số xã vùng đặc biệt khó khăn dù đạt theo kế hoạch nhưng còn ở mức tối thiểu, thiếu tính bền vững. Tại các xã vùng sâu, vùng xa, vùng đồng bào dân tộc thiểu số tỷ lệ người dân biết chữ mức độ 2 còn thấp.

Ông Nguyễn Văn Đoạt chỉ rõ những rào cản trong công tác này: “Việc huy động người dân chưa biết chữ ra học XMC và duy trì sĩ số học viên gặp nhiều khó khăn. Do người học là lao động chính trong gia đình, phần đông là phụ nữ, sống ở các vùng có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn. Số lượng người học/bản ít và khoảng cách giữa các bản xa nhau. Thời gian học còn phụ thuộc vào mùa màng, thời tiết và một số tập tục của người dân tộc thiểu số. Một số học viên sau khi hoàn thành chương trình XMC ít giao tiếp, sử dụng tiếng phổ thông nên tái mù chữ trở lại”.

Cùng với đó kinh phí thực hiện công tác XMC hạn hẹp. Từ năm 2022, tranh thủ nguồn vốn Chương trình mục tiêu quốc gia Phát triển vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi mới tiếp tục triển khai mở thêm được nhiều lớp. Giai đoạn từ năm 2012, tỉnh cũng không có chính sách hỗ trợ để khuyến khích người dân trên địa bàn tham gia học XMC.

Đến ngày 14/7/2023, HĐND tỉnh mới ban hành Nghị quyết số 09/2023/NQ-HĐND Quy định nội dung, mức chi thực hiện Đề án “Xây dựng xã hội học tập giai đoạn 2021 - 2030” và nội dung, mức hỗ trợ để khuyến khích người dân vùng đồng bào dân tộc thiểu số tham gia học XMC trên địa bàn tỉnh Điện Biên. Thời điểm áp dụng chính sách từ ngày 1/8/2023, bước đầu giúp người dân vùng cao tháo gỡ được khó khăn, thêm động lực yên tâm đến lớp và đi học chuyên cần.

Từ thực tế đó, để duy trì vững chắc kết quả XMC mức độ 2 như Nghị quyết Đảng bộ tỉnh đề ra. Ông Nguyễn Văn Đoạt cho biết thêm: Ngành tiếp tục tham mưu và chỉ đạo tổ chức thực hiện tốt công tác XMC; kiến nghị tăng cường công tác lãnh, chỉ đạo gắn với trách nhiệm, đưa nội dung XMC vào chương trình công tác của cấp ủy, chính quyền các cấp, các ngành; thực hiện hiệu quả các dự án, chương trình mục tiêu quốc gia về giáo dục đào tạo; ưu tiên đầu tư cho các cơ sở giáo dục vùng dân tộc thiểu số, vùng đặc biệt khó khăn; thực hiện đầy đủ, kịp thời chế độ chính sách đối với người học, giáo viên, người tham gia công tác XMC... Đồng thời phối hợp chặt chẽ với các ban, ngành, đoàn thể, chính quyền, già làng, trưởng bản, người có uy tín... để tuyên truyền huy động, vận động người chưa biết chữ tham gia học các lớp XMC, góp phần nâng cao dân trí và chất lượng nguồn nhân lực tỉnh nhà...

Bài, ảnh: Nguyễn Hiền
Bình luận

Tin khác

Back To Top