Lấp “khoảng trống” thiếu giáo viên ở Mường Chà

08:51 - Thứ Ba, 26/12/2023 Lượt xem: 4990 In bài viết

ĐBP - Mấy năm trở lại đây, huyện Mường Chà phải “chia tay” hàng chục giáo viên mỗi năm do chuyển vùng, chuyển ngành công tác. Để lấp đầy những “khoảng trống” đó cho các trường vùng sâu, vùng xa, Phòng Giáo dục và Đào tạo huyện Mường Chà đã tập trung triển khai nhiều giải pháp. Cùng với sự nỗ lực của đội ngũ giáo viên, những khó khăn do tình trạng nhiều giáo viên nghỉ việc hoặc xin chuyển vùng, chuyển ngành đã được khắc phục, đảm bảo chất lượng dạy và học trên địa bàn.

Năm học 2023 - 2024, Trường Phổ thông DTBT Tiểu học Ma Thì Hồ, huyện Mường Chà có hơn 40 cán bộ, giáo viên thực hiện nhiệm vụ quản lý, giảng dạy 27 lớp, 714 học sinh. Nhưng cũng trong năm học này, Trường chia tay 3 giáo viên chuyển vùng công tác về TP. Điện Biên Phủ và huyện Điện Biên. Cô giáo Lò Thị Thi, giáo viên Trường Phổ thông DTBT Tiểu học Ma Thì Hồ đã gắn bó với giáo dục Mường Chà từ năm 2010 đến nay nhưng do chồng cô mới mất, nhà ở xa trường, có 2 con nhỏ với mẹ già nên vừa qua, cô Thi đã xin chuyển công tác về TP. Điện Biên Phủ.

Nhiều giáo viên dạy học xa nhà nên để hợp thức hóa gia đình đã xin chuyển vùng. Trong ảnh: Giờ học của thầy và trò Điểm trường Tiểu học Ma Lù Thàng 2 (Trường PTDTBT Tiểu học Huổi Lèng, huyện Mường Chà).

Công tác xa nhà nên để hợp thức hóa gia đình, thầy giáo Nguyễn Đức Toản, giáo viên Trường Phổ thông DTBT Tiểu học Ma Thì Hồ đã chuyển công tác từ tháng 7/2023. Sau 16 năm gắn bó với giáo dục vùng cao Mường Chà, thầy Toản đã xin chuyển về TP. Điện Biên Phủ để thuận tiện chăm sóc gia đình. Chia tay những đồng nghiệp gắn bó nhiều năm, thầy giáo Trần Trung Nhân, Hiệu trưởng Trường Phổ thông DTBT Tiểu học Ma Thì Hồ khá trăn trở. Thầy Nhân tâm sự: Với lý do chuyển vùng công tác để hợp lý hóa gia đình, thuận tiện chăm sóc cho người thân thì Ban Giám hiệu nhà trường cũng đồng ý. Nắm được nguyện vọng của giáo viên, chúng tôi đã tạo điều kiện vì các thầy cô cũng có ý định xin chuyển vài năm nay rồi. Thế nhưng, chứng kiến nhiều giáo viên lần lượt xin chuyển công tác, nỗi lòng người làm quản lý như tôi lại trăn trở không yên. Để khắc phục khó khăn, chủ động trong công tác dạy học, nhà trường đã xây dựng kế hoạch giảng dạy, sắp xếp giáo viên giảng dạy sao cho hợp lý, không ảnh hưởng đến công tác dạy học cũng như chất lượng giáo dục của nhà trường.

Từ năm 2022, Trường Phổ thông DTBT THCS Mường Mươn, huyện Mường Chà đã có 1 nhân viên y tế và 1 giáo viên Ngữ văn chuyển công tác. Năm 2023, tiếp tục có 3 cô giáo xin chuyển vùng, trong đó 2 cô giáo chuyển về TP. Điện Biên Phủ và 1 cô giáo chuyển công tác về huyện Điện Biên. Trò chuyện về việc giáo viên nhà trường xin chuyển vùng, thầy giáo Đào Xuân Lợi, Hiệu trưởng Trường Phổ thông DTBT THCS Mường Mươn chia sẻ: Những năm học trước, một số giáo viên có nguyện vọng chuyển về thành phố hoặc huyện Điện Biên cho gần gia đình. Tuy nhiên, thời điểm đó, xin chuyển vùng còn nhiều khó khăn nên chưa thực hiện được. Gần đây, các địa phương đã sắp xếp việc tuyển giáo viên nên các thầy cô có nhu cầu đã chủ động xin chuyển công tác. Phần vì hợp thức hóa gia đình, phần vì về vùng thuận lợi hơn để tiếp tục phát triển khả năng của bản thân.

Người xin chuyển vùng đều có năng lực chuyên môn tốt, giáo viên dạy giỏi cấp huyện, cấp tỉnh; khi chuyển về các địa bàn thuận lợi sẽ có điều kiện phát triển tốt hơn. Vì vậy, dù đã cố gắng giữ chân nhưng năm 2022, Phòng Giáo dục và Đào tạo huyện Mường Chà vẫn phải chia tay 27 giáo viên chuyển vùng; trong đó 9 trường hợp chuyển ngoại tỉnh, còn lại là chuyển nội tỉnh. Năm 2023, có 33 trường hợp chuyển vùng nội tỉnh chủ yếu về TP. Điện Biên Phủ và huyện Điện Biên. Việc các giáo viên xin chuyển công tác đã để lại “khoảng trống” lớn đối với công tác giảng dạy. Thế nhưng nhờ có sự chủ động của ngành cũng như nỗ lực khắc phục khó khăn của các trường học, đội ngũ giáo viên, đến nay, công tác giảng dạy tại các nhà trường cơ bản đảm bảo, không ảnh hưởng nhiều chất lượng dạy và học.

Ông Trần Hồng Quân, Trưởng phòng Giáo dục và Đào tạo huyện Mường Chà cho biết: Nắm bắt được tâm tư, nguyện vọng của giáo viên, Phòng đã tích cực vận động các thầy, cô giáo cố gắng ở lại bám trường, bám lớp vì học trò vùng cao. Tuy nhiên năm vừa rồi, địa bàn TP. Điện Biên Phủ và huyện Điện Biên tuyển nhiều chỉ tiêu giáo viên, cùng với lý do gia đình nên các thầy, cô đã quyết tâm chuyển công tác. Đối với những môn chuyên biệt, thiếu giáo viên như Tiếng Anh, chúng tôi đã vận động thầy, cô cố gắng tiếp tục giảng dạy cho đến khi ngành tuyển dụng được người thay thế. Với điều kiện ngành còn thiếu giáo viên giảng dạy, trong năm học 2023 - 2024, Phòng đã vận động 4 thầy cô các môn chuyên biệt tiếp tục ở lại giảng dạy, tránh tình trạng không có giáo viên dạy các môn chuyên biệt (Tiếng Anh, Tin học, Mỹ thuật). Mặt khác, Phòng cũng điều chuyển, biệt phái một số giáo viên từ trường đủ bổ sung cho trường thiếu để đảm bảo chương trình. Cùng với đó là sắp xếp và bố trí giáo viên dạy chéo giữa 2 cấp tiểu học và THCS hay dạy chéo địa bàn. Để giáo viên có thêm động lực, dành hết tâm huyết giảng dạy cho học sinh, Phòng Giáo dục và Đào tạo huyện Mường Chà hỗ trợ xăng xe cho đội ngũ giáo viên dạy chéo nhằm khuyến khích, động viên các thầy, cô.

Thực tế, giáo dục vùng cao nói chung và giáo dục trên địa bàn miền núi như Mường Chà nói riêng vẫn còn nhiều khó khăn. Bởi vậy, khi có cơ hội chuyển công tác đến các vùng thuận lợi hơn hoặc để hợp thức hóa gia đình, các thầy, cô sẽ nắm bắt thời cơ về gần gia đình và có điều kiện phát triển trong tương lai. Việc chuyển vùng không hề đáng trách mà chúng ta cần thông cảm và chia sẻ với những giáo viên vùng cao. Thiết nghĩ, để thu hút, giữ chân đội ngũ giáo viên, thời gian tới, các địa phương cũng như ngành Giáo dục và Đào tạo cần có chính sách thiết thực để thầy, cô giáo yên tâm công tác lâu dài, phục vụ cho sự nghiệp giáo dục vùng cao.

Bài, ảnh: Phạm Quang
Bình luận

Tin khác

Back To Top