Đừng lãng phí chính sách tốt của Nhà nước

10:25 - Thứ Tư, 27/12/2023 Lượt xem: 6746 In bài viết

Việc thực hiện Nghị định số 116/2020/NĐ-CP trong 3 năm qua đã bộc lộ khá nhiều điểm bất cập, dẫn đến hậu quả không mong muốn, đó là vấn đề nợ đọng tiền chi trả sinh hoạt phí và học phí cho sinh viên đang theo học lên đến hàng ngàn người.

Sinh viên Trường Đại học Sư phạm TPHCM sinh hoạt về kỹ năng trước khi chính thức thực tập tại Trường THPT Nguyễn Du (quận 10). Ảnh minh họa

Nghị định số 116/2020/NĐ-CP nhằm tháo gỡ những khó khăn về thiếu hụt đội ngũ giáo viên thông qua cơ chế hỗ trợ sinh hoạt phí và học phí cho những sinh viên đang theo học ngành sư phạm và có nguyện vọng làm việc lâu dài trong ngành giáo dục. Tuy nhiên, việc thực hiện nghị định này trong 3 năm qua đã bộc lộ khá nhiều điểm bất cập, dẫn đến hậu quả không mong muốn, đó là vấn đề nợ đọng tiền chi trả sinh hoạt phí và học phí cho sinh viên đang theo học lên đến hàng ngàn người. Trong khi đó, tình hình nơi thiếu, nơi thừa giáo viên, nhất là trong bối cảnh đang triển khai Chương trình giáo dục phổ thông 2018, vẫn chưa có lời giải.

Những vấn đề nổi cộm trong quá trình thực hiện có thể thấy biểu hiện ở một số nội dung.

Một là, sự bất cập về nhận thức, thực thi chính sách của cơ quan có nhu cầu đào tạo và cơ quan có quyền phân bổ chỉ tiêu cho các trường phổ thông công lập và với cơ quan xác nhận chỉ tiêu theo điều kiện đảm bảo chất lượng. Sự phối hợp không hài hòa giữa ba cơ quan này sẽ ảnh hưởng đến việc giao chỉ tiêu đào tạo, đặt hàng và giới hạn tuyển dụng.

Hai là, sự đa dạng về nhu cầu tuyển dụng về chuyên môn, số lượng của giáo viên khiến cho rất khó áp một công thức chung để xác định nhu cầu một cách tường minh, chính xác để có thể ký kết các hợp đồng đào tạo. Bên đứng ra ký hợp đồng khó am hiểu về chất lượng của “sản phẩm” của giáo viên được đào tạo để có thể sẵn tay chi tiền... và ký hợp đồng. Ba là, theo phản ánh của các đại biểu Quốc hội, một số địa phương không có nhu cầu đặt hàng hoặc thiếu kinh phí dành cho việc đặt hàng.

Vậy làm gì để tháo gỡ ách tắc trong thực thi Nghị định 116/2020/NĐ-CP? Trước hết, chính quyền địa phương phải chịu trách nhiệm theo thẩm quyền của mình để chỉ đạo hợp tác thống nhất giữa ngành giáo dục và ngành nội vụ, không thể để “một người cầm lái, một người đạp thắng” thì cơ chế sẽ không phát huy được. Đồng thời, tăng cường minh bạch thông tin và truyền thông để người đặt hàng biết được chất lượng của giáo viên được đào tạo ra dựa theo các bản mô tả việc và sự cam kết của cơ sở đào tạo sư phạm.

Thực tế hiện nay còn thiếu kiểm định đặc thù ngành sư phạm. Vì thế, để an tâm đặt hàng, rất cần hiểu biết chất lượng của giáo viên qua các tiêu chí cơ bản và thể hiện trong hợp đồng như: kỹ năng giảng dạy (lập kế hoạch bài dạy, phương pháp dạy...), kiến thức về chuyên môn, kỹ năng quản lý lớp học, kỹ năng thích ứng với đổi mới, giao tiếp và hợp tác, kỹ năng đánh giá, kỹ năng ứng xử với sinh viên và với đồng nghiệp... Cơ sở đào tạo sư phạm hiểu rõ nhu cầu cụ thể này của bên đặt hàng và cam kết đáp ứng thì bên ký hợp đồng đặt hàng sẽ yên tâm, và việc sát hạch tại nhà trường phổ thông sẽ đảm bảo tính khách quan, không theo cảm tính và hạn chế tiêu cực trong sát hạch.

Ngoài ra, nên tập trung giải quyết những khó khăn trong việc biên soạn hợp đồng mẫu, ký kết hợp đồng. Để làm được việc này, rất cần Bộ Nội vụ hoặc Bộ GD-ĐT có hướng dẫn mang tính đặc thù đối với hợp đồng đào tạo, ngoài việc tuân thủ luật pháp về đấu thầu nói chung. Đồng thời, cần chỉ ra nguyên tắc xây dựng hợp đồng phải tuân thủ tất cả các luật, quy định và chính sách liên quan đến quan hệ đối tác giáo dục và phân bổ ngân sách.

Cuối cùng, Chính phủ nên sớm yêu cầu các cơ quan liên quan rà soát báo cáo những điểm bất cập trong thực hiện Nghị định 116/2020/NĐ-CP và đề xuất những kiến nghị sửa đổi nghị định để đảm bảo tính khả thi cao nhất. Đặc biệt, xem xét trách nhiệm của UBND những địa phương lơ là trong việc triển khai nghị định này.

Theo SGGP
Bình luận

Tin khác

Back To Top