Giải đáp băn khoăn... học phí giáo dục đại học

09:54 - Thứ Năm, 04/01/2024 Lượt xem: 4710 In bài viết

Theo tinh thần Nghị định số 97/NĐ-CP vừa được Chính phủ ban hành, năm học 2023-2024, mức học phí của giáo dục đại học sẽ tăng so với năm học 2022-2023.

Đây là điều đã được dự báo trước. Tuy nhiên, người học, dư luận xã hội không khỏi lo lắng với nhiều băn khoăn: Mức tăng ấy cụ thể thế nào và liệu các gia đình sinh viên có hoàn cảnh khó khăn có đảm đương được kinh phí cho con theo học, khi mà năm học 2023-2024 đang diễn ra nửa chừng?

Một giờ thực hành của sinh viên Trường Đại học Phenikaa.

Lùi lộ trình học phí giáo dục đại học 1 năm

Ngày 31-12-2023, Chính phủ ban hành Nghị định số 97/NĐ-CP sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 81/2021/NĐ-CP “quy định về cơ chế thu, quản lý học phí đối với cơ sở giáo dục thuộc hệ thống giáo dục quốc dân và chính sách miễn, giảm học phí, hỗ trợ chi phí học tập; giá dịch vụ trong lĩnh vực giáo dục, đào tạo”. Điểm mới đáng chú ý tại Nghị định này là điều chỉnh lộ trình tăng học phí đối với các cấp học. Cụ thể là: Giữ ổn định học phí năm học 2023-2024 của giáo dục mầm non, giáo dục phổ thông bằng mức học phí năm học 2021-2022; lùi lộ trình tăng học phí của giáo dục đại học, giáo dục nghề nghiệp công lập 1 năm so với quy định tại Nghị định số 81/2021/NĐ-CP.

Việc giữ ổn định mức học phí của giáo dục mầm non, giáo dục phổ thông nhận được sự đồng thuận. Bà Nguyễn Thị Hoài, phụ huynh học sinh Trường Trung học cơ sở Ngọc Tảo (huyện Phúc Thọ) cho biết: “Từ đầu năm học tới nay, gia đình tôi thấp thỏm lo lắng học phí sẽ tăng. Ba năm nay học phí của học sinh không tăng, thậm chí trong thời gian bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19 còn được ngân sách thành phố hỗ trợ 50%. Với quy định mới vừa ban hành, cả nhà thở phào nhẹ nhõm”.

Thông tin rõ hơn về mức tăng học phí giáo dục đại học, đại diện Bộ Giáo dục và Đào tạo khẳng định, học phí năm học 2023-2024 của giáo dục đại học tăng so với học phí năm học 2022-2023 nhưng mức tăng thấp hơn so với lộ trình quy định tại Nghị định số 81/2021/NĐ-CP để phù hợp với điều kiện thực tiễn và giảm bớt khó khăn cho học sinh, sinh viên.

Thực tế từ năm học 2020-2021 tới năm học 2022-2023, với sự điều tiết của Chính phủ, mức đóng học phí của học sinh, sinh viên các cơ sở giáo dục công lập vẫn được giữ ổn định. Tuy nhiên, phụ huynh sinh viên Nguyễn Thị Mai Anh (Trường Đại học Công đoàn) cho rằng, nếu cứ “hoãn” tăng học phí thời gian dài thì các trường khó xoay xở, chất lượng đào tạo sẽ bị ảnh hưởng và người học chịu thiệt thòi. Nhưng bên cạnh việc tăng học phí, Nhà nước và các trường cũng cần bảo đảm ổn định việc học tập cho sinh viên có hoàn cảnh khó khăn.

Tăng học phí, duy trì hỗ trợ sinh viên nghèo

Theo ghi nhận ban đầu, việc tăng học phí ở giáo dục đại học hiện nay được cho là phù hợp và cần thiết. Vì với yêu cầu của chương trình đào tạo và để đáp ứng nhu cầu nguồn nhân lực chất lượng cao, các trường đều tăng cường đầu tư cơ sở vật chất, trang thiết bị phục vụ thực hành, thí nghiệm, nghiên cứu khoa học. Việc cho phép tăng học phí sẽ phần nào giảm áp lực cho các nhà trường, có thêm nguồn lực để đầu tư cho công tác đào tạo, “giữ chân” được đội ngũ giảng viên.

Phó Giáo sư Nguyễn Phong Điền, Phó Giám đốc Đại học Bách khoa Hà Nội cho biết, thực hiện Nghị định số 97/NĐ-CP của Chính phủ, nhà trường rà soát toàn bộ các ngành, nhóm ngành đào tạo hiện có. Để bảo đảm quyền lợi và sự ổn định, yên tâm cho sinh viên cũng như cho gia đình người học, nhà trường dự kiến mức tăng nhẹ, khoảng 8%.

Còn Phó Giáo sư Nguyễn Thanh Chương, Phó Hiệu trưởng Trường Đại học Giao thông vận tải thông tin, nhà trường sẽ rà soát lại mức phí năm học 2023-2024 đã công bố và căn cứ quy định tại Nghị định số 97/2023/NĐ-CP để có sự điều chỉnh phù hợp, đúng quy định và sẽ công bố công khai, cụ thể cho sinh viên về lộ trình, mức thu của các chương trình đào tạo.

Giải đáp mối lo lắng cũng như mong mỏi của người học, gia đình người học khi học phí tăng, Phó Giám đốc Đại học Bách khoa Hà Nội Nguyễn Phong Điền cho rằng, nguyện vọng của phụ huynh với các trường về việc tăng học phí phải đi kèm với tăng chất lượng là chính đáng. Bản thân các cơ sở đào tạo đại học cũng nhận thức rõ điều này để có sự chủ động và nỗ lực không ngừng trong việc đầu tư các điều kiện giảng dạy, thực hành và nghiên cứu khoa học cũng như tạo môi trường khởi nghiệp tốt nhất cho sinh viên. Chỉ tính riêng năm học 2022-2023, nhà trường đã dành khoảng 68 tỷ đồng để hỗ trợ sinh viên khó khăn, sinh viên gia đình chính sách...

Thông tin từ Bộ Giáo dục và Đào tạo cho biết, các chính sách miễn, giảm học phí được quy định tại Nghị định số 81/2021/NĐ-CP tiếp tục được giữ nguyên. Bộ sẽ tiếp tục rà soát việc miễn, giảm học phí cho các đối tượng chính sách, học sinh có hoàn cảnh khó khăn để bảo đảm quyền lợi tốt nhất cho người học và quyền tiếp cận bình đẳng trong giáo dục nghề nghiệp, giáo dục đại học; chính sách phổ cập giáo dục, phân luồng ở cấp phổ thông.

Theo HNM
Bình luận

Tin khác

Back To Top