Vì sao học phí đại học tăng thấp hơn lộ trình?

15:27 - Thứ Năm, 04/01/2024 Lượt xem: 4919 In bài viết

Sau 3 năm giữ ổn định mức học phí đại học do ảnh hưởng của dịch bệnh COVID-19, bắt đầu từ năm học 2023-2024, mức học phí đại học chính thức được điều chỉnh tăng so với năm học 2022-2023 nhưng mức tăng thấp hơn so với lộ trình quy định tại Nghị định 81 để phù hợp với điều kiện thực tiễn và giảm bớt khó khăn cho học sinh, sinh viên. Nhiều ý kiến cho rằng, đây là giải pháp phù hợp, dung hòa cho cả người học và các nhà trường.

Theo Nghị định số 97/2023 sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 81 ngày 27/8/2021 quy định về cơ chế thu, quản lý học phí đối với cơ sở giáo dục thuộc hệ thống giáo dục quốc dân và chính sách miễn, giảm học phí, hỗ trợ chi phí học tập, giá dịch vụ trong lĩnh vực giáo dục, đào tạo do Chính phủ vừa mới ban hành, lộ trình tăng học phí đại học (ĐH) lùi một năm so với Nghị định 81, giống như đề xuất của Bộ GD&ĐT.

Các trường Đại học sẽ phải rà soát lại mức học phí năm học 2023-2024 theo quy định tại Nghị định 97. Ảnh minh họa

Theo đó, học phí năm học 2023-2024 tăng so với học phí năm học 2022-2023 nhưng mức tăng thấp hơn so với lộ trình. Cụ thể, trần học phí (mức cao nhất được thu) ở các ĐH công lập chưa tự đảm bảo chi thường xuyên năm học này là 1,2-2,45 triệu đồng/tháng, tùy khối ngành, thay vì mức 1,35-2,76 triệu đồng như Nghị định 81. Trong khi đó mức thu hiện đang áp dụng là 980 nghìn-1,43 triệu đồng.

Nhóm ngành nghệ thuật và Khoa học xã hội Nhân văn, báo chí, du lịch có mức trần học phí năm học 2023-2024 thấp nhất là 1,2 triệu đồng; nhóm ngành Khoa học giáo dục, đào tạo giáo viên và nhóm ngành Kinh doanh và quản lý, pháp luật đều có mức trần học phí là 1,25 triệu đồng; mức trần học phí ngành Khoa học sự sống, khoa học tự nhiên là 1,35 triệu đồng; ngành Toán, công nghệ thông tin, kỹ thuật, kiến trúc, xây dựng, nông lâm ngư và thủy sản, thú y có mức trần học phí là 1,45 triệu đồng; khối ngành sức khỏe khác có mức trần học phí là 1,85 triệu đồng và khối ngành Y dược là 2,45 triệu đồng. Những trường ĐH đã thực hiện tự chủ tùy mức độ được thu tối đa bằng 2-2,5 lần mức trên, tức khoảng 2,4-5,05 triệu đồng/tháng trong năm học 2023-2024.

Do Nghị định 97 có hiệu lực thi hành từ ngày 31/12/2023 nên các cơ sở giáo dục giáo dục ĐH công lập đã ban hành mức thu học phí năm học 2023-2024 theo quy định tại Nghị định 81 sẽ phải thực hiện rà soát, điều chỉnh theo quy định của Nghị định mới ban hành. Trao đổi về vấn đề này, đại diện một số trường đại học cho biết, việc học phí đại học suốt 3 năm liên tục không tăng theo lộ trình và quy định tại Nghị định 81 đã khiến các trường gặp nhiều khó khăn trong việc giữ chân giảng viên giỏi, trả lương giảng viên khi mức lương cơ sở tăng từ 1/7/2023 cũng như đầu tư cơ sở vật chất nhằm nâng cao chất lượng dạy và học.

Không tăng học phí thì trường "chết" nhưng nếu học phí tăng mạnh thì sinh viên sẽ không kham nổi.

Vì vậy, việc Chính phủ ban hành Nghị định 97, trong đó có quy định điều chỉnh tăng học phí đại học từ năm học 2023-2024 so với năm học 2022-2023 nhưng tăng thấp hơn so với lộ trình của Nghị định 81 là một quyết định phù hợp. Giải pháp này có ý nghĩa dung hòa cho cả trường và sinh viên. Thực tế, không tăng học phí thì trường "chết" nhưng nếu học phí tăng mạnh thì sinh viên sẽ không kham nổi. Ngoài ra, Nghị định 97 của Chính phủ được ban hành cũng là cơ sở quan trọng để các trường xây dựng đề án tuyển sinh, trong đó có chính sách học phí cho năm học tới.

Nhiều chuyên gia cũng đồng tình với mức tăng học phí mới thấp hơn mức trần của Nghị định 81 quy định là phù hợp bởi sẽ gia tăng áp lực với những gia đình có hoàn cảnh khó khăn và cả những gia đình có mức thu nhập trung bình. Mặc dù trong những năm qua, Chính phủ đã ban hành chính sách tín dụng, cho sinh viên vay vốn nhưng hiện chính sách này vẫn chưa đến được với tất cả những đối tượng có nhu cầu vay để đóng học phí nên nếu mức tăng quá cao sẽ có thể trở thành rào cản với những học sinh có năng lực nhưng hoàn cảnh chưa thực sự khá giả.

TS Lê Viết Khuyến, Phó Chủ tịch Hiệp hội các trường đại học, cao đẳng Việt Nam cho rằng, học phí hiện đang là nguồn thu chính của các trường song nếu chỉ dựa vào học phí thì sẽ rất khó để nâng chất lượng đào tạo.

Để giảm bớt gánh nặng kinh tế cho người học, nhất là các đối tượng yếu thế, các trường ĐH cần đa dạng nguồn thu, mở rộng, tìm kiếm các nguồn kinh phí ngoài học phí để hỗ trợ người học khi tăng học phí. Bộ GD&ĐT cũng cần phối hợp với các cơ quan liên quan rà soát tổng thể, xây dựng Nghị định thay thế Nghị định 81/2021/NĐ-CP để xác định lộ trình học phí phù hợp; đồng thời, tiếp tục rà soát chính sách miễn, giảm học phí cho các đối tượng chính sách, học sinh có hoàn cảnh khó khăn để đảm bảo việc tiếp cận bình đẳng trong giáo dục đại học.

PGS.TS Nguyễn Võ Kỳ Anh, Viện trưởng Viện Nghiên cứu giáo dục và phát triển tiềm năng con người cũng nêu quan điểm, khi trường ĐH nâng cao chất lượng bằng cách nâng chi phí cho đào tạo lên mà không có các nguồn hỗ trợ từ ngân sách Nhà nước hay từ hoạt động sản xuất kinh doanh, nghiên cứu khoa học, chỉ dựa hoàn toàn vào học phí là không ổn. Việc điều chỉnh tăng học phí cần có sự kiểm soát của Nhà nước và phải đảm bảo không vi phạm nguyên tắc công bằng của giáo dục để mọi người dân đều có cơ hội tiếp cận giáo dục đại học.

Theo CAND
Bình luận

Tin khác

Back To Top