Tập trung giải quyết vấn đề thiếu giáo viên

16:56 - Thứ Năm, 04/01/2024 Lượt xem: 4834 In bài viết

Ngày 4-1, Bộ GD-ĐT tổ chức hội nghị tổng kết công tác năm 2023, triển khai nhiệm vụ năm 2024.

Bộ GD-ĐT cho biết, để từng bước khắc phục tình trạng thừa, thiếu giáo viên, Bộ GD-ĐT đã hướng dẫn các địa phương tuyển dụng được 17.208 giáo viên; phối hợp với các cơ quan, bộ, ngành có liên quan hoàn thiện báo cáo để Chính phủ trình xin ý kiến Quốc hội về việc cho phép các địa phương thiếu giáo viên, còn biên chế được tuyển dụng giáo viên mầm non, tiểu học theo chuẩn trình độ đào tạo quy định tại Luật Giáo dục 2005.

Đặc biệt, Bộ GD-ĐT đã trình và đã được Chính phủ thống nhất thông qua về sự cần thiết ban hành Luật Nhà giáo nhằm tạo hành lang pháp lý để đội ngũ giáo viên yên tâm công tác, đồng thời tạo sự thống nhất, đồng bộ trong hệ thống pháp luật nhằm phát triển đội ngũ nhà giáo đáp ứng yêu cầu đổi mới giáo dục.

Một số kết quả đáng chú ý khác như xếp hạng chỉ số cải cách hành chính của Bộ GD-ĐT tăng 2 bậc so với năm trước; năm 2023, đã có 5 đại diện có tên trong bảng xếp hạng các trường đại học hàng đầu thế giới năm 2024 của Tổ chức QS; 9 cơ sở giáo dục đại học vào bảng xếp hạng tầm ảnh hưởng của Times Higher Education và 5 trường đại học góp mặt trong bảng xếp hạng 500 đại học hàng đầu châu Á...

Hội nghị tổng kết công tác năm 2023, triển khai nhiệm vụ năm 2024 của Bộ GD-ĐT, ngày 4-1

Phát biểu tại hội nghị, Bộ trưởng Bộ GD-ĐT Nguyễn Kim Sơn chia sẻ, năm 2023, toàn ngành giáo dục trong lộ trình thực hiện đổi mới căn bản, toàn diện, là năm quan trọng trong lộ trình triển khai đổi mới đối với giáo dục mầm non, phổ thông, đại học; là một năm có nhiều việc lớn phải làm, nhiều thách thức phải vượt qua và thực tế đã hoàn thành các mục tiêu lớn.

Về năm 2024, Bộ trưởng cho rằng, là năm quan trọng có tính chất nước rút với đổi mới giáo dục phổ thông, khi các lớp cuối cùng bước vào triển khai và chuẩn bị đánh giá cả chu trình đổi mới; cùng với đó là hàng loạt các công việc cần thực hiện theo kết luận giám sát đổi mới chương trình, sách giáo khoa giáo dục phổ thông của Ủy ban Thường vụ Quốc hội.

Nhấn mạnh các nhiệm vụ trọng tâm của năm 2024, Bộ trưởng đề nghị làm thật tốt tổng kết Nghị quyết 29/NQ-TW về đổi mới căn bản, toàn diện GD-ĐT; tập trung giải quyết vấn đề thiếu giáo viên và nâng cao chất lượng đội ngũ; trình Chính phủ Quy hoạch mạng lưới cơ sở giáo dục đại học và sư phạm thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050.

Năm 2024 cũng là năm tiếp tục đổi mới giáo dục phổ thông; trong đó thực hiện chu trình đổi mới chương trình, sách giáo khoa đến lớp 5, 9, 12, bảo đảm đúng tiến độ, chất lượng. Các trường đại học, đặc biệt là cơ sở đào tạo giáo viên cần tập trung đổi mới chương trình, phương pháp để sinh viên ra trường có thể nhập cuộc ngay với phương pháp giảng dạy, kiểm tra đánh giá ở phổ thông...

Theo SGGP
Bình luận

Tin khác

Back To Top