"Chìa khóa" nâng cao chất lượng giáo dục mầm non

10:04 - Thứ Ba, 09/01/2024 Lượt xem: 3769 In bài viết

Xây dựng trường mầm non đạt chuẩn quốc gia là một trong những chủ trương lớn mang tính chiến lược của ngành giáo dục và đào tạo. Trong những năm qua, nhiều địa phương đã ưu tiên mở rộng diện tích, bố trí đất sử dụng cho giáo dục và tập trung mọi nguồn lực để xây dựng trường mầm non đạt chuẩn quốc gia, góp phần nâng cao chất lượng giáo dục bền vững.

 

Giờ hoạt động của trẻ ở Trường mầm non Cổ Loa, huyện Đông Anh, thành phố Hà Nội. (Ảnh PHƯƠNG ANH)

Cô giáo Hoàng Thị Hà, Hiệu trưởng Trường mầm non Tuổi thơ (Hoàng Mai, Hà Nội) cho biết: Để thực hiện thành công các tiêu chuẩn về trường mầm non đạt chuẩn quốc gia mức độ 2, nhà trường đã nghiên cứu văn bản chỉ đạo của các cấp về tiêu chuẩn, điều kiện trường mầm non đạt chuẩn quốc gia. Đồng thời, Ban Giám hiệu nhà trường tham mưu với các cấp lãnh đạo để xây dựng trường theo chuẩn quốc gia mức độ 2.

Bên cạnh việc đầu tư cơ sở vật chất, chăm sóc, giáo dục trẻ, nhà trường tập trung bồi dưỡng, nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ giáo viên để đáp ứng nhu cầu dạy học trong tình hình mới. Kết quả đến nay, toàn trường có 100% số giáo viên đạt chuẩn, 88% đạt trên chuẩn và phấn đấu đến năm 2025 100% số giáo viên đạt trên chuẩn.

Đội ngũ cán bộ, giáo viên luôn nhiệt tình, tâm huyết, đổi mới phương pháp chăm sóc, giáo dục trẻ theo hướng xây dựng môi trường giáo dục lấy trẻ làm trung tâm, đổi mới hình thức tổ chức các hoạt động chăm sóc giáo dục trẻ. Nhờ đó, chất lượng giảng dạy của nhà trường ngày càng được nâng cao, nhận được sự tin tưởng của phụ huynh học sinh.

Xác định việc xây dựng trường đạt chuẩn quốc gia là một trong những nhiệm vụ quan trọng, tỉnh Ninh Bình luôn ưu tiên mọi nguồn lực cho lĩnh vực này.

Đại diện Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh Ninh Bình cho biết: Thời gian qua, công tác xây dựng trường mầm non đạt chuẩn quốc gia trên địa bàn tỉnh đã đạt được những kết quả tích cực. Đến tháng 11/2023 toàn tỉnh có 152/154 trường mầm non đạt chuẩn quốc gia, trong đó có 64 trường đạt chuẩn mức độ 2. Từ phong trào xây dựng trường mầm non đạt chuẩn quốc gia, được sự quan tâm đầu tư của cấp ủy, chính quyền các cấp, cơ sở vật chất các trường mầm non trong tỉnh có nhiều thay đổi tích cực, nhiều công trình được xây dựng mới hoặc cải tạo, tu sửa, trang thiết bị ngày càng được đầu tư tăng cường, trường lớp ngày càng khang trang, sạch đẹp hơn theo hướng kiên cố, hiện đại, góp phần đáp ứng yêu cầu đổi mới giáo dục và thực hiện tốt chương trình giáo dục mầm non.

Là địa phương có diện tích rộng thứ hai của cả nước với 44 dân tộc cùng sinh sống, mật độ dân cư thưa thớt, phân bố không đồng đều nên các trường mầm non trên địa bàn tỉnh Gia Lai có nhiều điểm trường lẻ, việc đầu tư xây dựng và huy động trẻ trong độ tuổi đủ để phân chia lớp đúng quy định gặp nhiều khó khăn.

Để khắc phục những khó khăn về điều kiện kinh tế-xã hội, Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh Gia Lai đã tăng cường công tác truyền thông, vận động triển khai xây dựng trường chuẩn quốc gia gắn với xây dựng nông thôn mới. Đây là giải pháp quan trọng để hệ thống chính trị địa phương nhận thức được đầy đủ sự cần thiết phải xây dựng trường chuẩn quốc gia, nhất là đối với các trường mầm non vùng sâu, vùng xa, vùng đồng bào dân tộc thiểu số.

Đến thời điểm này, tỉnh Gia Lai có 265/265 trường mầm non thực hiện đạt mục tiêu nuôi dưỡng, chăm sóc, giáo dục trẻ theo Chương trình giáo dục mầm non do Bộ Giáo dục và Đào tạo ban hành. Toàn tỉnh có 100% số trẻ đến trường được chăm sóc sức khỏe theo quy định, an toàn, tỷ lệ trẻ đến trường năm sau cao hơn năm trước, tỷ lệ chuyên cần luôn đạt hơn 92%.

Theo Phó Vụ trưởng Giáo dục mầm non, Bộ Giáo dục và Đào tạo Cù Thị Thủy, trong những năm qua, Bộ Giáo dục và Đào tạo đã ban hành các văn bản quy định về công tác xây dựng trường mầm non đạt chuẩn quốc gia. Đây là căn cứ để Sở Giáo dục và Đào tạo các địa phương tham mưu chính quyền cấp tỉnh đầu tư các điều kiện và triển khai, hướng dẫn các nhà trường xây dựng trường mầm non đạt chuẩn quốc gia. Hằng năm, các cơ sở giáo dục mầm non đã nghiêm túc triển khai công tác tự đánh giá, có kế hoạch, lộ trình, thực hiện rà soát các điều kiện, tiêu chuẩn, tích cực tham mưu các cấp có thẩm quyền đầu tư kinh phí, sắp xếp đội ngũ bảo đảm đạt các tiêu chí kiểm định chất lượng giáo dục và công nhận trường đạt chuẩn quốc gia. Cùng với đó, các nhà trường đã tích cực tuyên truyền cho cán bộ quản lý, giáo viên, nhân viên nhận thức được công tác đánh giá kiểm định chất lượng và chuẩn quốc gia là nhiệm vụ thường xuyên nhằm nâng cao chất lượng giáo dục và khẳng định thương hiệu, vị thế nhà trường.

Sau 5 năm triển khai xây dựng trường mầm non đạt chuẩn quốc gia, toàn quốc hiện có hơn 15 nghìn trường mầm non đạt chuẩn quốc gia, tỷ lệ 56,9%, tăng 11,3% so với năm học 2017-2018; trong đó, tỷ lệ tăng trường chuẩn quốc gia cao nhất cả nước là đồng bằng sông Cửu Long (18,2%), tiếp đến là Ninh Bình (16,7%), Hà Nam (15,4%), Bắc Giang (15,2%)…

Tuy nhiên, quá trình triển khai vẫn còn nhiều bất cập, khó khăn do một số quy định tại các văn bản quy phạm pháp luật còn chưa phù hợp với thực tiễn, khó triển khai hoặc không khả thi khi triển khai. Một số địa phương do điều kiện kinh tế-xã hội còn khó khăn, ngân sách bố trí đầu tư cho giáo dục còn hạn chế hoặc thiếu quỹ đất dẫn tới tỷ lệ trường mầm non đạt chuẩn quốc gia còn thấp.

Thời gian tới, các địa phương cần tiếp tục tham mưu chính quyền địa phương tăng cường đầu tư cơ sở vật chất, chú trọng công tác quy hoạch mạng lưới các cơ sở giáo dục mầm non đạt chuẩn quốc gia. Đồng thời, các cơ sở giáo dục cần thực hiện các giải pháp nâng cao chất lượng đội ngũ giáo viên.

Theo NDĐT
Bình luận

Tin khác

Back To Top