Tiếp thêm nguồn lực từ xã hội hoá giáo dục

10:01 - Thứ Năm, 11/01/2024 Lượt xem: 4662 In bài viết

ĐBP - Trong điều kiện các nguồn lực đầu tư cho giáo dục còn hạn chế, công tác xã hội hóa là giải pháp quan trọng để nâng cấp cơ sở vật chất, trang thiết bị học tập cho ngành giáo dục địa phương, góp phần đảm bảo chất lượng giáo dục tại huyện vùng cao Tủa Chùa. 

Tủa Chùa là huyện vùng cao khó khăn, các nguồn kinh phí đầu tư cho giáo dục còn hạn chế, trong khi nhu cầu đầu tư xây dựng cơ sở vật chất, trang thiết bị cho giáo dục lớn. Đặc biệt, các phòng học tại điểm trường, phòng bộ môn, phòng thiết bị, phòng làm việc hiệu bộ, phòng học đa năng, thư viện, y tế… của các bậc học còn thiếu nhiều. Toàn huyện hiện còn thiếu 65 phòng học (thiếu cục bộ ở một số cơ sở giáo dục), 116 phòng học bộ môn, 21 phòng công vụ cho giáo viên, 42 phòng ở nội trú cho học sinh. Trước thực tế đó, ngành giáo dục Tủa Chùa xác định công tác xã hội hóa là một trong những giải pháp hiệu quả góp phần nâng cao chất lượng giáo dục.

Để thực hiện hiệu quả công tác xã hội hóa, Phòng Giáo dục và Đào tạo huyện Tủa Chùa đã đưa ra nhiều giải pháp linh hoạt, phù hợp với tình hình cụ thể của địa phương. Phòng chú trọng tuyên truyền, phổ biến và triển khai thực hiện nghiêm túc các văn bản chỉ đạo của các cấp, ngành về quản lý, sử dụng các khoản đóng góp tự nguyện tại các cơ sở giáo dục. Phòng còn thực hiện nhiều biện pháp sáng tạo xã hội hóa giáo dục, huy động nguồn lực từ các tổ chức, cá nhân hảo tâm trong xây dựng cơ sở hạ tầng, trường lớp, trang thiết bị phục vụ cho công tác giảng dạy và học tập.

Điểm trường Sín Sủ, Trường Mầm non Xá Nhè (xã Xá Nhè) là một trong những điểm trường khó khăn trên địa bàn huyện Tủa Chùa. Điểm trường có 4 phòng học, trong đó 3 phòng học tạm, số trẻ đến lớp đông (150 trẻ). Nhằm góp phần đảm bảo cơ sở vật chất giúp giáo viên và học sinh có môi trường giảng dạy, học tập tốt hơn, Tỉnh đoàn Điện Biên đã kết nối nguồn lực từ Trung tâm Tình nguyện quốc gia hỗ trợ xây dựng công trình “Trường đẹp cho em” tại điểm trường Sín Sủ. Sau gần 2 tháng thi công, tháng 9 vừa qua công trình đã hoàn thành và đưa vào sử dụng với quy mô 3 lớp học và 1 nhà vệ sinh. Tổng kinh phí đầu tư cho công trình là 560 triệu đồng.

Ngày khánh thành, điểm trường như có ngày hội lớn với những ánh mắt, nụ cười rạng rỡ của thầy và trò. Không riêng học sinh và giáo viên, phụ huynh cũng phấn khởi. Ngôi trường mới, khang trang, kiên cố giúp các em yên tâm học tập và phát triển, tiếp tục nuôi dưỡng ước mơ của những mầm non tương lai đất nước.

Sau nhiều năm dạy và học tại điểm trường chính xuống cấp, trang thiết bị thiếu thốn, bước vào năm học mới 2023 - 2024, tập thể giáo viên và hơn 480 học sinh tại Trường Phổ thông DTBTTH Tủa Thàng số 1 (xã Tủa Thàng) phấn khởi khi được địa phương quan tâm đầu tư ngôi trường mới khang trang.

Cô giáo Nguyễn Thị Thu, Hiệu trưởng Trường Phổ thông DTBTTH Tủa Thàng số 1 cho biết: Trường được đầu tư xây dựng trên diện tích gần 3.800m2 với 12 phòng học, 1 văn phòng, 2 phòng làm việc, 1 thư viện, 1 phòng thiết bị, 1 phòng hành chính, 4 phòng vệ sinh công vụ, 8 phòng vệ sinh và 10 phòng tắm cho học sinh, 1 nhà bảo vệ, khuôn viên khang trang, tường rào xung quanh. Tổng kinh phí gần 9 tỉ đồng. Trường mới được đầu tư khang trang, cán bộ, giáo viên của trường và phụ huynh học sinh rất vui mừng.

Tại Trường Mầm non Trung Thu, triển khai các hoạt động xã hội hóa, ngay từ đầu năm học, nhà trường lập kế hoạch cụ thể, tiến hành rà soát, kiểm kê cơ sở vật chất, trang thiết bị, đồ dùng dạy học... Cùng với đó, đẩy mạnh tuyên truyền đến các phụ huynh và người dân địa phương bằng nhiều hình thức; vận động, kêu gọi cha mẹ học sinh cùng tham gia vào hoạt động của trường, lớp như: Ủng hộ nguyên vật liệu tham gia cùng giáo viên làm đồ dùng, đồ chơi theo các chủ đề, chủ điểm, ủng hộ ngày công cải tạo vườn rau cho trẻ khám phá học tập và phục vụ công tác bán trú.

Cô giáo Lương Thị Vỹ, Hiệu trưởng nhà trường cho biết: Công tác xã hội hóa giáo dục đã góp phần nâng cao điều kiện chăm sóc trẻ của nhà trường, từ đó, tạo được niềm tin đối với phụ huynh. Tỷ lệ đi học chuyên cần của trẻ luôn đạt trên 99%.

Có thể thấy, công tác xã hội hóa giáo dục đã và đang ngày càng phát huy hiệu quả trong khai thác, phát huy tiềm năng của toàn xã hội cho sự phát triển giáo dục. Bên cạnh sự hỗ trợ của Trung ương, của tỉnh, ngân sách của địa phương, công tác xã hội hóa trên địa bàn huyện Tủa Chùa đã và đang góp phần quan trọng nâng cấp cơ sở vật chất, trang thiết bị học tập, nâng cao chất lượng giáo dục địa phương.

Bài, ảnh: Minh Thảo
Bình luận

Tin khác

Back To Top