Đổi mới, nâng cao chất lượng đề thi môn Ngữ văn ở trường phổ thông

15:55 - Thứ Hai, 15/01/2024 Lượt xem: 3766 In bài viết

Với học sinh phổ thông, quá trình học văn nếu được ví như quá trình trồng cấy, chăm bón thì mùa thi là mùa thu hoạch, đề thi là cách thu hoạch, tức chỉ ra cho thí sinh các cách thức trình bày kiến thức, cảm xúc một cách nhanh gọn, rõ ràng, trung thực, đúng là tri thức, suy nghĩ, tình cảm của mình. Thế nên ra đề thi văn không bao giờ là dễ dàng, phải chuẩn mực, chính xác, vừa bao hàm kiến thức đã học, lại vừa trọng tâm, có tính giáo dục, thẩm mỹ, gợi được hứng thú, kích thích sự suy nghĩ, phản biện của người thi.

Một đề thi có tính sáng tạo là đưa ra những câu hỏi vừa kiểm tra kiến thức, quan trọng hơn là có sự khơi gợi những cách suy nghĩ, cảm xúc, cách tiếp cận mới, tất nhiên phải vừa sức. Ở đây là khơi gợi tính sáng tạo, tính chủ động khi đưa ra những tư duy mang dấu ấn cá nhân về hình tượng, về tư tưởng, về tâm hồn của tác phẩm hoặc một vấn đề văn học.

Sự đổi mới chương trình Ngữ văn ở ta đang hòa nhập với xu hướng chung của thế giới là trao cho học sinh cách kiến tạo văn bản, từ cách tạo ý, làm giàu có thêm ý đến cách thức lập luận, phản bác để bảo vệ ý kiến, trên cơ sở đó đưa ra cách hiểu của riêng mình. Đây là hướng đi đúng, vừa tôn trọng người học, vừa khuyến khích làm phong phú thêm cách hiểu phù hợp với bản chất đa nghĩa của văn chương. Muốn vậy phải tăng cường rèn luyện tính tích cực trong suy nghĩ của học sinh. Điều ấy phải được thể hiện rõ nhất trong cách ra đề thi. Đề thi mang tính mập mờ, đánh đố, thiếu rõ ràng, hoặc không nằm trong trọng tâm chương trình, không phù hợp với tâm sinh lý lứa tuổi, về cơ bản đã được khắc phục.

Giờ học Lớp chuyên Văn, Trường THPT chuyên Hạ Long (Quảng Ninh). Ảnh: KHÁNH HÀ 

Tuy nhiên hiện nay lại nảy sinh một số vướng mắc cần tháo gỡ là vấn đề ngữ liệu, tính thời sự và tính mở của đề thi. Mấy ngày qua xuất hiện sự tranh luận về một đề thi khi lấy ngữ liệu mang tính nhạy cảm (những hình ảnh, hành vi thông tục của một truyện cười trong văn học dân gian). Đề không sai, đúng chương trình, nhưng đối chiếu với yêu cầu của một đề thi ở trên, chưa kể các yếu tố khác thì rõ ràng ngữ liệu không nằm trong trọng tâm, chưa khơi gợi được hứng thú những suy nghĩ về cái đẹp, cái thiện và cũng chưa phù hợp với tâm lý lứa tuổi... Những ngữ liệu này chỉ nên dùng trong đề kiểm tra trên lớp. Sơ suất này rất thường gặp, chỉ nên coi là “kinh nghiệm”, không nên coi là lỗi để phải “kiểm điểm” giáo viên.

Theo Công văn số 3175/BGDĐT-GDTrH ngày 21-7-2022 của Bộ Giáo dục và Đào tạo "Về hướng dẫn đổi mới phương pháp dạy học và kiểm tra, đánh giá môn Ngữ văn ở trường phổ thông", đề thi môn Ngữ văn cần tập trung vào yêu cầu viết nghị luận văn học với ngữ liệu mới, tránh dùng lại văn bản đã học trong sách giáo khoa. Đây là hướng đi cần thiết để giảm thiểu tiến tới xóa bỏ tình trạng học tủ, học vẹt, học theo văn mẫu. Đề thi sẽ không chỉ làm thay đổi cách dạy, học văn, buộc học sinh phải mở rộng vốn sống, vốn đọc, sẽ gắn văn chương gần gũi hơn với cuộc đời. Như vậy việc ra đề thi càng quan trọng, vừa phải bảo đảm yêu cầu phát triển năng lực tư duy ở học sinh vừa rèn luyện cách thức đọc các thể loại văn học, các kiểu văn bản, cách viết các kiểu bài... Nhìn rộng ra, việc mở rộng ngữ liệu như vậy nằm trong xu thế đối thoại văn hóa toàn cầu, trước quá nhiều vấn đề bắt buộc người ta phải lựa chọn vấn đề phù hợp. Với học sinh, cũng dần dần hình thành ứng xử tương tự: lựa chọn ngữ liệu phù hợp. Muốn vậy, trước hết phải có ngữ liệu đã, tức phải đọc, phải tích vốn. Người hướng dẫn, chỉ ra cách đọc, cách tìm ấy là các thầy, cô giáo và công việc ra đề văn là một cách thực hành tốt nhất.

Lại có một số địa phương, khi ra đề thi chọn học sinh giỏi yêu cầu thí sinh bàn luận về một vấn đề mang tính thời sự. Đặc thù của dạng đề kiểu này là phân loại để chọn ra những bài văn thể hiện năng khiếu cảm nhận, năng lực phát hiện cùng vốn sống, vốn văn chương nên đề thi cần có yếu tố mới mẻ, có tính bất ngờ. Văn chương là cuộc đời, ngoài những ngữ liệu ổn định còn là những gì đương diễn ra trong cuộc sống, nhưng không phải cái gì mới cũng có tính văn chương, cũng đáng bàn... Bản chất sự kiện đó phải mang tính nhân văn, hướng thiện, phải phù hợp với cảm nhận, suy tư ở tuổi học sinh còn vô tư, trong trắng... Chạy theo trào lưu (trend) mà thiếu phân tích ngọn ngành, kỹ càng, thiếu cân nhắc về tính hệ thống, tính toàn diện... sẽ dễ phản tác dụng! Chọn vấn đề không đứng ngoài cuộc sống, vẫn có thể liên quan đến giới trẻ như chọn hướng đi, chọn bạn, tình yêu, sai lầm, sa ngã... nhưng phải bảo đảm giúp các em hướng về cái nhìn tích cực, dễ liên hệ, liên tưởng, dễ trình bày quan điểm một cách thoải mái, tự do nhưng đúng mực, phù hợp với pháp luật, văn hóa phong tục, tập quán...

Cũng có nơi lạm dụng đề thi mở (dạng đề tự do thí sinh viết theo cảm hứng, cảm nhận, kiến thức của mình) mà ra những đề thi thiếu sự định hướng cả về văn học lẫn đời sống. Nếu đề văn truyền thống thiên về yêu cầu học thuộc, học tủ, mang tính áp đặt thì đề văn theo hướng mở sẽ tạo cho thí sinh cả một không gian sáng tạo, độc lập trong tư duy, không áp đặt quan điểm mà tùy chọn góc độ để trình bày vấn đề sao cho sâu sắc nhất. Ở các nước phương Tây có truyền thống về triết học (gần đây có thêm Trung Quốc) thường áp dụng dạng đề thi này. Với học sinh phổ thông nước ta, dùng đề thi mở rất nên tính tới đặc thù vùng miền (địa phương, văn hóa, môi trường, truyền thống...). Sự lạm dụng đề thi mở gần đây biểu hiện ở chỗ nhiều đề văn không dùng các “câu lệnh” (hãy phân tích, bình luận...) trong đề thi. Chỉ không dùng “câu lệnh” khi nội dung chính của đề đã bảo đảm đầy đủ các thông tin cần thiết để thí sinh có thể trả lời đúng vào vấn đề. Nếu không đề thi sẽ sa vào tù mù, mang tính đánh đố.

Với đề văn nói chung luôn có yêu cầu thí sinh thể hiện ở cả năng lực đọc hiểu và năng lực viết. Đọc hiểu không chỉ được đánh giá ở câu kiểm tra mà còn ở cả phần viết, rõ nhất ở phần nghị luận văn học. Muốn viết đúng phải hiểu đúng. Vì vậy, câu nghị luận (cả xã hội và văn học) phải yêu cầu thí sinh phải đọc hiểu trước. Thế nhưng vẫn bắt gặp những sự “đổi mới” thiếu logic không đáng có ở một số đề thi của các địa phương trong thời gian gần đây.

Dạy văn là công việc sáng tạo, khoa học. Ra đề văn phải là sự thể hiện cao nhất tính sáng tạo và khoa học ấy. Chính vì thế, sinh thời, Giáo sư Tạ Quang Bửu, một nhà khoa học lừng danh của nước ta từng nhắc nhở chí lý rằng: “Phải ra đề làm sao để các em nói đúng, nói thật từ chính kiến thức và những tình cảm, suy nghĩ sáng tạo riêng của mình”. Đó là sự chuẩn mực khái quát cao nhất của một đề thi Ngữ văn.

Theo QĐND
Bình luận

Tin khác

Back To Top