Quy định mới về chọn sách giáo khoa phổ thông:

Tăng chất lượng, giảm tiêu cực

16:57 - Thứ Hai, 15/01/2024 Lượt xem: 3744 In bài viết

Bắt đầu từ năm học 2024- 2025 các nhà trường được quyền lựa chọn, quyết định sách giáo khoa theo Chương trình giáo dục phổ thông 2018 để dạy.

Ghi nhận chung tại các trường học ở Hà Nội, quy định này được cho là phù hợp, phát huy sự chủ động và ý thức trách nhiệm của giáo viên - đội ngũ trực tiếp giảng dạy cũng như vai trò của mỗi nhà trường trong việc nâng chất lượng dạy học, giảm nguy cơ tiêu cực trong quy trình chọn sách.

Giáo viên tham khảo sách giáo khoa mới tại Trường Trung học phổ thông Trương Định (quận Hoàng Mai). Ảnh: Nguyễn Quang

4 năm, 3 lần thay đổi quy định chọn sách giáo khoa

Năm học 2020-2021 là năm học đầu tiên học sinh lớp 1 trên cả nước chính thức học sách giáo khoa mới, biên soạn theo Chương trình giáo dục phổ thông 2018. Bộ Giáo dục và Đào tạo đã ban hành Thông tư số 01/2020/TT-BGDĐT hướng dẫn lựa chọn sách giáo khoa trong các cơ sở giáo dục phổ thông để đưa vào giảng dạy tại các trường tiểu học từ năm học 2020-2021, trong đó quy định quyền quyết định lựa chọn sách giáo khoa là của các nhà trường.

Đến tháng 8-2020, chuẩn bị cho việc triển khai Chương trình giáo dục phổ thông 2018 đối với lớp 2 từ năm học 2021-2022, Bộ Giáo dục và Đào tạo ban hành Thông tư số 25/2020/TT-BGDĐT thay thế Thông tư số 01/2020/TT-BGDĐT. Theo đó, UBND cấp tỉnh tổ chức lựa chọn sách giáo khoa, thay vì giao cho các nhà trường như năm học trước đó.

Trước dư luận nhiều chiều về việc chọn sách giáo khoa, có đại biểu Quốc hội từng bày tỏ lo ngại có hiện tượng lợi ích nhóm hoặc “đi đêm” trong quá trình chọn sách giáo khoa tại một số địa phương. Kết luận của Đoàn giám sát của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về đổi mới chương trình, sách giáo khoa nêu: Quy định lựa chọn sách giáo khoa phổ thông tại Thông tư số 25/2020/TT-BGDĐT chưa chặt chẽ dẫn tới cách thức triển khai không thống nhất giữa các địa phương; tạo kẽ hở để trục lợi, cạnh tranh không lành mạnh…

Qua 3 năm học lựa chọn sách giáo khoa theo Thông tư số 25/2020/TT-BGDĐT, ngày 28-12-2023, Bộ Giáo dục và Đào tạo ban hành Thông tư số 27/2023/TT-BGDĐT thay thế quy định cũ, trong đó điểm mới đáng chú ý sẽ được áp dụng để chọn sách từ năm học 2024-2025 là trao lại quyền lựa chọn sách giáo khoa cho các nhà trường, thay vì UBND cấp tỉnh.

Hiện có 9/12 khối lớp đang thực hiện sách giáo khoa mới biên soạn theo Chương trình giáo dục phổ thông 2018 gồm: Lớp 1, 2, 3, 4, 6, 7, 8, 10, 11. Như vậy, việc lựa chọn sách giáo khoa của 3 khối lớp cuối cùng thực hiện Chương trình giáo dục phổ thông 2018 (lớp 5, lớp 9 và lớp 12) để giảng dạy từ năm học 2024-2025 thuộc quyền của các nhà trường.

Bà Trần Thị Thu Hoài, phụ huynh học sinh Trường Trung học cơ sở Lý Thường Kiệt (quận Đống Đa) nhận định: “Thực tế triển khai ở các trường học tại Hà Nội thời gian qua cho thấy, dù UBND cấp tỉnh phê duyệt danh mục sách giáo khoa thì các sách trong danh mục đó vẫn là do các nhà trường lựa chọn. Phụ huynh được tham gia vào quy trình này. Tôi cho rằng, khâu giám sát rất quan trọng để bảo đảm quy trình lựa chọn sách minh bạch, nghiêm túc, đúng quy định, hạn chế tối đa nguy cơ phát sinh tiêu cực”.

Đề cao vai trò giáo viên

Bước sang năm thứ 5 lựa chọn sách giáo khoa mới theo Chương trình giáo dục phổ thông 2018, các trường tiểu học trên địa bàn Hà Nội kiên trì quan điểm tuân thủ nghiêm túc quy trình và đề cao vai trò, ý kiến của giáo viên trong việc lựa chọn, quyết định sách giáo khoa để giảng dạy.

Hiệu trưởng Trường Tiểu học Trung Yên (quận Cầu Giấy) Đỗ Thị Mai cho rằng, các sách giáo khoa để đưa ra tổ chức lựa chọn đều nằm trong danh mục đã được Bộ Giáo dục và Đào tạo phê duyệt, ưu điểm của quy định mới phát huy trách nhiệm của giáo viên hơn bởi là người hiểu rõ đối tượng học sinh trường mình và các điều kiện dạy học, từ đó lựa chọn sách phù hợp. Nhà trường sẽ tổ chức cho cán bộ, giáo viên nghiên cứu thật kỹ Thông tư số 27/2023/TT-BGDĐT, lưu ý nguyên tắc lựa chọn sách giáo khoa là bảo đảm dân chủ, khách quan, minh bạch và vì quyền lợi học sinh. Việc lựa chọn sách giáo khoa nào, của nhà xuất bản nào để giảng dạy hoàn toàn căn cứ vào việc lựa chọn của hội đồng lựa chọn sách.

Còn theo Trưởng phòng Giáo dục và Đào tạo quận Hà Đông Phạm Thị Lệ Hằng, thực tế triển khai tại Hà Nội những năm qua cho thấy, dù quyền lựa chọn sách giáo khoa có điều chỉnh, song bản chất vẫn là các trường được chủ động lựa chọn sách giáo khoa trên cơ sở ý kiến đề xuất của giáo viên. Các sách giáo khoa đều nằm trong danh mục đã được Bộ Giáo dục và Đào tạo duyệt, điều quan trọng là chọn được sách phù hợp với điều kiện tổ chức dạy - học tại trường về cơ sở vật chất, đội ngũ giáo viên và học sinh.

“Chúng tôi mong sớm có sách giáo khoa mới để chọn được cuốn sách phù hợp nhất, giúp học sinh phát huy tối đa năng lực, sở trường. Đồng thời với việc tổ chức nghiên cứu sách, phòng cũng sẽ cùng các nhà trường xây dựng kế hoạch tập huấn sách giáo khoa, mời chuyên gia, tác giả sách giáo khoa giải đáp, tháo gỡ băn khoăn của giáo viên và tổ chức dạy thử nghiệm trước khi vào năm học mới”, bà Phạm Thị Lệ Hằng cho biết.

Theo thông tin từ Sở Giáo dục và Đào tạo Hà Nội, sau khi có kế hoạch của Bộ Giáo dục và Đào tạo, Sở sẽ khẩn trương phối hợp với các nhà xuất bản xây dựng, triển khai kế hoạch giới thiệu sách giáo khoa mới và tổ chức tập huấn đến 100% giáo viên dạy lớp 5, lớp 9 và lớp 12 toàn thành phố. Như mọi năm, kế hoạch giới thiệu sách giáo khoa mới thường được triển khai từ đầu tháng 3.

Theo HNM
Bình luận

Tin khác

Back To Top