Duy trì và củng cố kết quả xóa mù chữ

17:37 - Thứ Ba, 16/01/2024 Lượt xem: 4111 In bài viết

Công tác xóa mù chữ là một trong những nhiệm vụ quan trọng của ngành giáo dục, được quan tâm và triển khai bền bỉ qua nhiều năm. Công tác xóa mù chữ cho người dân nói chung và người dân tộc thiểu số nói riêng đã được Bộ Giáo dục và Đào tạo cùng các đơn vị, địa phương chỉ đạo sát sao, triển khai quyết liệt.

Lớp học xóa mù chữ tại bản Dền Thàng A, xã Dào San, huyện Phong Thổ, tỉnh Lai Châu. (Ảnh THÚY HỒNG)

Theo Bộ Giáo dục và Đào tạo, biết chữ là điều kiện cần và là “cánh cửa” đầu tiên để bước vào lộ trình học tập suốt đời đối với mỗi người. Công tác xóa mù chữ cần được đặt lên hàng đầu của việc nâng cao dân trí và là một tiêu chí để xây dựng xã hội học tập.

Để tiếp nối và thúc đẩy sự phát triển mạnh mẽ công cuộc xây dựng xã hội học tập giai đoạn 2021-2030, ngày 30/7/2021, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 1373/QĐ-TTg phê duyệt Đề án “Xây dựng xã hội học tập giai đoạn 2021-2030” với bốn mục tiêu; trong đó, mục tiêu đầu tiên là xóa mù chữ, phổ cập giáo dục.

Bộ Giáo dục và Đào tạo cũng ban hành các thông tư về chương trình xóa mù chữ, đánh giá học viên học chương trình xóa mù chữ; phối hợp các đơn vị, tổ chức ký kết các chương trình hành động đẩy mạnh công tác xóa mù chữ; tổ chức tập huấn về dạy học chương trình xóa mù chữ cho giáo viên các trường học và cán bộ, chiến sĩ đồn biên phòng...

Phó Vụ trưởng Giáo dục Thường xuyên (Bộ Giáo dục và Đào tạo) Nguyễn Xuân Thủy cho biết, quá trình triển khai của Bộ Giáo dục và Đào tạo cùng sự vào cuộc của các địa phương, đến tháng 10/2023, cả nước có 266/10.598 đơn vị cấp xã đạt chuẩn xóa mù chữ mức độ 1 và 10.332/10.598 đơn vị cấp xã đạt chuẩn xóa mù chữ mức độ 2.

Đối với cấp huyện có 42/704 đơn vị đạt chuẩn xóa mù chữ mức độ 1 và 662/704 đơn vị đạt chuẩn xóa mù chữ mức độ 2. Đối với cấp tỉnh 63/63 tỉnh, thành phố đạt chuẩn xóa mù chữ mức độ 1 (đạt tỷ lệ 100%); trong đó có 21 tỉnh được Bộ Giáo dục và Đào tạo kiểm tra, công nhận và 27 tỉnh đủ tiêu chuẩn, điều kiện nhưng chưa đề nghị Bộ kiểm tra công nhận đạt chuẩn xóa mù chữ mức độ 2.

Đáng chú ý, Ban chỉ đạo phổ cập giáo dục-xóa mù chữ các địa phương đẩy mạnh công tác tuyên truyền, huy động, vận động người chưa biết đọc, biết viết, người chưa đạt chuẩn biết chữ tham gia học các lớp xóa mù chữ.

Bộ Tư lệnh Bộ đội Biên phòng chỉ đạo các đơn vị bộ đội biên phòng chủ động, tích cực phối hợp với ngành giáo dục mở được nhiều lớp học xóa mù chữ, phổ cập giáo dục tiểu học cho đồng bào các dân tộc thiểu số; vận động các nguồn lực xây, sửa trường lớp, hỗ trợ các cháu sách giáo khoa, đồ dùng học tập; tuyên truyền, vận động các gia đình đưa trẻ trong độ tuổi đến trường; các em bỏ học quay trở lại trường...

Bình quân mỗi năm, các đơn vị bộ đội biên phòng mở các lớp học xóa mù chữ cho hơn một nghìn học viên. Trong giai đoạn 2021-2023, cả nước đã huy động được 79.280 người ra học xóa mù chữ. Trong đó, các tỉnh thuộc chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế-xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi đã huy động được 54.965 người ra học xóa mù chữ (33.344 người theo học lớp xóa mù chữ giai đoạn 1 và 21.621 người theo học lớp xóa mù chữ giai đoạn 2).

Công tác xóa mù chữ đạt nhiều kết quả tích cực nhưng quá trình triển khai cũng gặp không ít khó khăn do nhận thức của người dân còn hạn chế, chưa thấy rõ được ý nghĩa, vai trò và lợi ích của việc biết chữ đối với cuộc sống của mỗi cá nhân và sự phát triển chung của cộng đồng. Sự phối hợp giữa các cơ quan, tổ chức, đoàn thể trong công tác xóa mù chữ ở một số địa phương chưa thật sự chặt chẽ, thường xuyên và hiệu quả.

Mặc dù sự phối hợp đó đã được cam kết bằng những chương trình cụ thể nhưng thật sự mới có lực lượng bộ đội biên phòng, Hội Phụ nữ, Hội Khuyến học vào cuộc và tham gia phối hợp có hiệu quả. Hệ thống trường lớp, cơ sở vật chất phục vụ giảng dạy, học tập của một số xã miền núi, vùng cao còn nhiều khó khăn, thiếu thốn chưa đáp ứng được nhu cầu học tập và nâng cao chất lượng.

Các lớp học chủ yếu tổ chức tại các điểm trường tiểu học; nhà văn hóa thôn, bản... Đầu tư từ ngân sách nhà nước còn thấp, chế độ chính sách cho người dạy và người tham gia công tác xóa mù chữ còn nhiều bất cập.

Vì vậy, để nâng cao tỷ lệ biết chữ cho người dân vùng dân tộc thiểu số, theo Bộ Giáo dục và Đào tạo cần nâng cao trách nhiệm của cấp ủy Đảng, chính quyền các cấp về công tác xóa mù chữ.

Các cấp, các ngành, địa phương đẩy mạnh tuyên truyền nâng cao nhận thức cho cộng đồng, nhất là người dân vùng đồng bào dân tộc thiểu số về vai trò, tác dụng và tầm quan trọng của việc biết chữ đối với việc thoát nghèo, phát triển kinh tế-xã hội. Gắn kết công tác xóa mù chữ vào các phong trào thi đua của các địa phương. Kết quả công tác xóa mù chữ là tiêu chí đánh giá, công nhận gia đình học tập, dòng họ học tập, thôn, bản, tổ dân phố học tập, “cộng đồng học tập” cấp xã và xã đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao...

Các đơn vị liên quan tổ chức các lớp học xóa mù chữ đa dạng, linh hoạt phù hợp với tập quán sinh hoạt của đồng bào dân tộc thiểu số. Các lớp xóa mù chữ đặt ngay tại thôn, bản, nhất là các bản ở vùng sâu, xa, giao thông cách trở, khó khăn trong việc đi lại thì cần huy động cả những dân bản đã biết chữ để dạy, hỗ trợ những người chưa biết chữ.

Ngành giáo dục cần cử cán bộ, giáo viên theo dõi, giám sát để kịp thời giúp đỡ các lớp học xóa mù chữ. Các địa phương chủ động nghiên cứu và biên soạn thêm tài liệu dạy xóa mù chữ phù hợp với các dân tộc thiểu số trên cơ sở tài liệu do Bộ Giáo dục và Đào tạo ban hành... nhằm tăng hiệu quả công tác xóa mù chữ, xây dựng xã hội học tập; góp phần nâng cao dân trí, phục vụ phát triển kinh tế-xã hội đất nước nói chung, vùng đồng bào dân tộc thiểu số nói riêng.

Theo NDĐT
Bình luận

Tin khác

Back To Top