Thêm lựa chọn cho học sinh sau tốt nghiệp THCS

09:10 - Thứ Năm, 18/01/2024 Lượt xem: 5135 In bài viết

Định hướng nghề nghiệp sớm, phân luồng học sinh ngay khi tốt nghiệp THCS đang là giải pháp được các địa phương trong tỉnh, ngành Giáo dục và Đào tạo tỉnh quan tâm thực hiện, nhằm giúp các em lựa chọn hướng đi phù hợp với năng lực, sở trường, cũng như điều kiện kinh tế gia đình.

Tại huyện Tuần Giáo, năm học 2023 – 2024 có hơn 74% học sinh tốt nghiệp THCS tiếp tục học THPT và tương đương. Số em còn lại có lựa chọn khác nhau, có học sinh đi làm phụ giúp gia đình, nhiều em đăng ký học nghề. Với Trường THCS Quài Cang, hướng nghiệp sớm được xác định là một trong những nhiệm vụ quan trọng, song song với truyền dạy kiến thức, giáo dục đạo đức lối sống cho học sinh. Qua đó giúp phân luồng học sinh sau tốt nghiệp THCS. Năm học vừa qua, Trường có 80,5% học sinh tiếp tục học các trường THPT, trên 17% học sinh học trung tâm giáo dục thường xuyên, các cơ sở đào tạo nghề tư nhân, công lập trong và ngoài tỉnh.

Thầy giáo Nguyễn Phú Tân, Hiệu trưởng nhà trường cho biết: “Việc hướng nghiệp cho học sinh được trường chú trọng, thường xuyên tuyên truyền trong các buổi chào cờ, hoạt động tập thể ngoài trời; tích hợp giáo dục thông qua các môn học chương trình Giáo dục phổ thông 2018. Đặc biệt với khối lớp 9, tổ chức dạy học môn hướng nghiệp theo chương trình hiện hành. Tháng 4 hàng năm, Trường phối hợp với các trường THPT, phổ thông dân tộc nội trú, trung tâm giáo dục thường xuyên trên địa bàn, Cao đẳng Nghề, Cao đẳng Kinh tế - Kỹ thuật Điện Biên mở ngày hội hướng nghiệp. Tại đây, học sinh được tư vấn, tiếp cận, tìm hiểu các trường, có được lựa chọn cho riêng mình phù hợp với nhu cầu, nguyện vọng, sở trường, điều kiện bản thân”.

Cùng với đó, để có cái nhìn trực quan, thực tế nhất cho học sinh, hàng năm Trường THCS Quài Cang tổ chức cho học sinh đi tham quan một số mô hình dịch vụ du lịch, mô hình sản xuất, hợp tác xã rau củ quả... trên địa bàn và các huyện lân cận; xây dựng “Khu vườn trải nghiệm” để các em tự tay trồng và chăm sóc các luống rau xanh. Đồng thời hướng đến tư vấn, tuyên truyền với cả các bậc phụ huynh thông qua các hoạt động liên quan và ban đại diện phụ huynh từng lớp.

Đây cũng là những việc mà khắp các trường THCS tỉnh ta quan tâm thực hiện thời gian qua. Bởi theo Đề án “Giáo dục hướng nghiệp và định hướng phân luồng học sinh trong giáo dục phổ thông” trên địa bàn tỉnh, giai đoạn 2018 - 2025, tỉnh ta phấn đấu đến năm 2025 có ít nhất 30% học sinh tốt nghiệp THCS tiếp tục học tập tại các cơ sở giáo dục nghề nghiệp đào tạo trình độ sơ cấp, trung cấp. Nhằm nâng cao chất lượng đào tạo nguồn nhân lực và giảm tải đào tạo cho bậc THPT.

Với yêu cầu mới trong công tác phân luồng học sinh, việc tổ chức hoạt động giáo dục hướng nghiệp được các trường thực hiện theo các chủ đề ở từng năm học, gắn hướng nghiệp với tham quan thực tế; dạy và học hoạt động trải nghiệm, hướng nghiệp lớp 6, 7, 8 theo chương trình giáo dục mới; tổ chức tư vấn hướng nghiệp, định hướng chọn trường cho học sinh và cha mẹ học sinh lớp 9, phù hợp với khả năng và nguyện vọng của học sinh.

Bên cạnh đó, giáo viên linh hoạt tích hợp hoạt động hướng nghiệp vào các môn học. Mỗi giáo viên là một cán bộ tư vấn hướng nghiệp cho học sinh, thực hiện việc giới thiệu các thông tin về nghề nghiệp; tìm hiểu nguyện vọng hứng thú nghề nghiệp của học sinh; theo dõi, quan sát học sinh trong quá trình học tập để có lời khuyên phù hợp cho các em.

Thầy Lò Văn Bốn, Hiệu trưởng Trường Phổ thông DTBT Tiểu học - THCS Nặm Khăn, huyện Nậm Pồ chia sẻ: “Giáo viên các lớp quan tâm tư vấn cho học sinh, nhất là các em cuối cấp THCS. Từ học lực, nhu cầu, nguyện vọng, hoàn cảnh gia đình, thầy cô phân loại đối tượng. Đều khuyến khích các em tiếp tục việc học để có tương lai tốt hơn, nhưng có trường hợp tư vấn học lên THPT, có em thì định hướng cho học nghề, học hệ 9+ của các cơ sở giáo dục nghề nghiệp...”.

Với nhiều hoạt động đã triển khai, năm học này các trường cao đẳng có tuyển sinh hệ 9+ trên địa bàn tỉnh ta đều vượt chỉ tiêu giao. Em Lò Thị Linh, cựu học sinh Trường THCS Mường Anh, xã Pa Ham, huyện Mường Chà là một trong những học sinh đã lựa chọn hướng đi này. Năm cuối cấp, biết đến hệ 9+, Linh đã xin ý kiến gia đình, ban đầu bố mẹ không đồng ý, muốn em dự thi vào trường Phổ thông DTNT THPT của huyện. Tuy nhiên sau nhiều lần thuyết phục và tìm hiểu, gia đình đã ủng hộ.  

Linh chia sẻ: “Em thấy hệ 9+ vừa được học nghề trình độ trung cấp, vừa học văn hóa, có thể tốt nghiệp THPT sau khi ra trường. Lại còn không mất học phí, nhiều chế độ hỗ trợ, nên rất ý nghĩa và tạo điều kiện cho những học sinh vùng cao như em có thể tiếp tục việc học. Bố mẹ em cũng đã thấy được lợi ích đó nên ủng hộ em đi học Trường Cao đẳng Nghề Điện Biên. Vì thế đầu năm học 2023 - 2024, em đã nhập học, lựa chọn ngành Công nghệ thông tin vì yêu thích và thấy ngành nghề này nhiều tiêm năng, có nhu cầu xã hội”.

Dù đã đạt được nhiều kết quả nhưng để công tác giáo dục, định hướng nghề nghiệp cho học sinh THCS hiệu quả hơn không chỉ có sự nỗ lực của các trường mà cần phải có sự thay đổi tích cực về tư duy nghề nghiệp của cả xã hội, đặc biệt là sự đồng hành của phụ huynh. Cùng với đó đẩy mạnh hướng nghiệp từ thực tế, thực hiện hướng nghiệp linh hoạt, đa dạng trong các cơ sở giáo dục các cấp học...

Bài, ảnh: Nguyễn Hiền
Bình luận

Tin khác

Back To Top