Siết chặt quản lý đào tạo đại học từ xa

09:42 - Thứ Năm, 18/01/2024 Lượt xem: 4397 In bài viết

Thông tin mới nhất đang thu hút sự quan tâm của dư luận xã hội, người học là quy định mới của Bộ Giáo dục và Đào tạo về việc không tổ chức đào tạo từ xa trình độ đại học đối với các ngành thuộc lĩnh vực sức khỏe có cấp chứng chỉ hành nghề và nhóm ngành đào tạo giáo viên. Động thái của cơ quan quản lý về việc siết chặt loại hình đào tạo từ xa đối với hai nhóm ngành này nhận được sự đồng thuận của dư luận và các nhà trường với kỳ vọng nâng chất lượng giáo dục và chăm sóc sức khỏe nhân dân.

10 yêu cầu tối thiểu để được đào tạo từ xa

Ngày 28-12-2023, Bộ Giáo dục và Đào tạo ban hành Thông tư số 28/2023/TT-BGDĐT về quy chế đào tạo từ xa trình độ đại học, thay thế cho Thông tư số 10/2017/TT-BGDĐT. Tinh thần xuyên suốt của các quy định tại Thông tư số 28/2023/TT-BGDĐT là siết chặt quy trình đào tạo từ xa trình độ đại học, giải quyết những tồn tại, bất cập của hình thức đào tạo này thời gian qua. Điểm mới đáng chú ý và đang nhận được sự quan tâm của dư luận xã hội là quy định các cơ sở đào tạo không được thực hiện đào tạo từ xa đối với các ngành thuộc lĩnh vực sức khỏe có cấp chứng chỉ hành nghề và nhóm ngành đào tạo giáo viên. Quy định này chính thức có hiệu lực từ ngày 12-2-2024 và áp dụng thống nhất trên cả nước.

Thông tư số 28/2023/TT-BGDĐT cũng có thêm các quy định cụ thể nhằm siết chặt về quy trình tổ chức hình thức đào tạo từ xa. Cụ thể, cơ sở đào tạo chỉ thực hiện chương trình đào tạo từ xa đối với những ngành đã có quyết định mở ngành đào tạo và đã tuyển sinh tối thiểu 3 khóa liên tục theo hình thức chính quy. Đây là một trong 10 yêu cầu tối thiểu của Bộ Giáo dục và Đào tạo đối với các cơ sở đào tạo để được tổ chức đào tạo từ xa, cũng là yêu cầu mới so với quy định hiện hành... Một điểm đáng chú ý nữa là việc siết chặt được thể hiện thông qua quy định, cơ sở đào tạo sẽ bị đình chỉ hoạt động nếu không đáp ứng được một trong các yêu cầu tối thiểu hoặc không duy trì được một trong các yêu cầu tối thiểu để đào tạo từ xa.

Bà Trần Mai Chi, phụ huynh học sinh Trường Trung học phổ thông Ngọc Tảo (huyện Phúc Thọ) nêu quan điểm: “Cơ quan chức năng cần có biện pháp kiểm tra để bảo đảm tất cả các chương trình đào tạo từ xa đáp ứng quy định, nếu không sẽ xảy ra tình trạng nơi làm nghiêm, nơi làm hình thức khiến người học chịu thiệt thòi”.

Bảo đảm chất lượng và công bằng

Đào tạo từ xa là xu hướng tất yếu của giáo dục đại học trong bối cảnh công nghệ thông tin phát triển mạnh mẽ. Tuy nhiên, hai ngành đào tạo sức khỏe và sư phạm có vai trò đặc biệt quan trọng, bởi từ năm 2018, điểm sàn của hai nhóm ngành này do Bộ Giáo dục và Đào tạo xác định. Vì thế, quy định mới của Bộ Giáo dục và Đào tạo về việc không thực hiện đào tạo từ xa đối với các ngành thuộc lĩnh vực sức khỏe có cấp chứng chỉ hành nghề và nhóm ngành đào tạo giáo viên nhận được sự đồng thuận cao. Quy định mới đã đáp ứng mong muốn chung của dư luận, các nhà trường cũng như các cơ sở y tế - nơi sử dụng lao động có tính đặc thù này.

Theo ghi nhận, cán bộ quản lý các trường học trên địa bàn thành phố Hà Nội đều bày tỏ quan điểm ủng hộ về việc chấm dứt hình thức đào tạo từ xa đối với nhóm ngành đào tạo giáo viên bởi đây là ngành đặc thù, sản phẩm đào tạo là con người. Còn theo ý kiến của các bác sĩ, đào tạo khối ngành sức khỏe không chỉ cần học trực tiếp mà phải được thực hành, thực tập trong thời gian dài tại các cơ sở khám, chữa bệnh.

Nhà giáo ưu tú, Tiến sĩ Nguyễn Tùng Lâm, Phó Chủ tịch Hội Khoa học tâm lý giáo dục Việt Nam, đồng thời là người sáng lập Trường Trung học phổ thông Đinh Tiên Hoàng nhận định, hình thức đào tạo từ xa có hạn chế là không tổ chức được nội dung thực hành. Trong khi đó, quy trình đào tạo giáo viên cần có thời lượng thực hành nhiều. Yêu cầu đổi mới giáo dục phổ thông hiện nay đòi hỏi giáo viên không chỉ cần được trang bị kiến thức khoa học về bộ môn mình sẽ giảng dạy, mà còn phải được trực tiếp tiếp xúc với học sinh để hiểu về tâm lý giáo dục, thực hành kỹ năng dẫn dắt, tổ chức hoạt động giáo dục và đặc biệt là biết cách tạo năng lượng, truyền cảm hứng cho học sinh. Đây đều là những kỹ năng quan trọng và cần hình thành từ quá trình thực tế thực tập tại trường phổ thông chứ không thể chỉ qua các giờ học lý thuyết, qua sách vở.

Luật Giáo dục đại học quy định thông tin trên các văn bằng đại học bao gồm chính quy, đào tạo từ xa là giống nhau. Tuy nhiên, nhu cầu sử dụng nhân lực và xã hội không dễ dàng chấp nhận “sản phẩm” đào tạo của các loại hình có sự chênh lệch. Vì thế, việc siết chặt hình thức đào tạo từ xa là cần thiết và cần được tổ chức thực hiện nghiêm túc, cần sự giám sát chặt chẽ của cơ quan chức năng và người dân để bảo đảm chất lượng và sự công bằng.

Theo HNM
Bình luận

Tin khác

Back To Top