Mong chờ thành lập Đại học Điện Biên Phủ

13:00 - Chủ Nhật, 25/02/2024 Lượt xem: 5841 In bài viết

ĐBP - Trường Đại học Điện Biên Phủ là mong mỏi từ lâu của đồng bào các dân tộc Điện Biên. Hiện thực hóa được ước ao này sẽ không chỉ góp phần đào tạo, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, phục vụ nhu cầu phát triển kinh tế - xã hội tỉnh nhà, mà còn các tỉnh lân cận. Vì vậy thông tin về việc chuẩn bị thành lập Đại học Điện Biên Phủ đang thu hút sự quan tâm của người dân trên địa bàn.

Quan tâm, ủng hộ từ Trung ương

Điện Biên là tỉnh miền núi, mặt bằng dân trí còn thấp so với cả nước. Chất lượng nguồn nhân lực của tỉnh trong những năm qua đã được nâng lên, tuy nhiên vẫn chưa đáp ứng yêu cầu phát triển ngày càng cao của xã hội. Năm 2022, tỷ lệ lao động từ 15 tuổi trở lên đang làm việc đã qua đào tạo của tỉnh ta đạt 22,57%. Trong khi đó, tỉnh đang trên đà phát triển, đòi hỏi lực lượng lao động, cán bộ, công chức, viên chức được đào tạo bài bản, không ngừng nâng cao về trình độ, chuyên môn, nghiệp vụ.

Với thực tế đó, trong chuyến công tác Điện Biên tháng 4/2023, trên cơ sở kiến nghị của tỉnh, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đã đồng ý chủ trương nghiên cứu thành lập Trường Đại học Điện Biên Phủ; giao Bộ Giáo dục và Đào tạo (GD&ĐT), UBND tỉnh khẩn trương, phối hợp thực hiện các quy trình, hồ sơ, trình Thủ tướng xem xét, quyết định. Theo đó, Điện Biên đã gửi Bộ GD&ĐT Tờ trình về việc đề nghị bổ sung Trường Đại học Điện Biên Phủ vào Quy hoạch mạng lưới cơ sở giáo dục đại học và sư phạm thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050. Đồng thời làm việc trực tiếp với Bộ trưởng tại trụ sở Bộ GD&ĐT.

Ngày 14/11/2023, trong thông báo Kết luận của Bộ trưởng Bộ GD&ĐT Nguyễn Kim Sơn làm việc với tỉnh Điện Biên, Bộ trưởng nhấn mạnh: “Hiện nay nhiều trường đại học đang khó khăn trong việc tuyển sinh, do vậy tỉnh Điện Biên cần nghiên cứu, cân nhắc kỹ lưỡng, có lộ trình và kế hoạch phù hợp trong việc thành lập Trường Đại học Điện Biên Phủ, để đào tạo nhân lực cho tỉnh Điện Biên và các tỉnh lân cận. Trước mắt tỉnh cân nhắc quy mô, ngành, nghề đào tạo phù hợp với năng lực đào tạo và nhu cầu của địa phương, như: Sư phạm, y tế, ngôn ngữ...”

Với sự quan tâm, tạo điều kiện thuận lợi ấy, tỉnh ta đã thành lập Ban Chỉ đạo, Tổ giúp việc thành lập Trường Đại học Điện Biên Phủ và phân công nhiệm vụ cụ thể cho từng thành viên để triển khai nhanh và sớm hoàn thiện các thủ tục, hồ sơ.

Phương án cho Đại học Điện Biên Phủ

Trong Tờ trình gửi Bộ GD&ĐT, Điện Biên đã đề xuất Phương án thành lập trường đại học, với tên cụ thể: Trường Đại học Điện Biên Phủ, là trường đại học công lập đa ngành. Ông Nguyễn Văn Đoạt, Giám đốc Sở GD&ĐT, Phó Trưởng ban Chỉ đạo thành lập Đại học khẳng định: “Điện Biên có tỉ lệ hộ nghèo còn ở mức cao, đồng bào dân tộc thiểu số chiếm phần lớn; hạ tầng giao thông chưa đồng bộ, gây không ít trở ngại khi con em đồng bào đi học đại học. Hiện tại, tỉnh chỉ có đến trường cao đẳng, trong khi hầu hết các ngành nghề đều yêu cầu trình độ chuẩn đại học. Trường Đại học Điện Biên Phủ là mong mỏi của hầu hết con em đồng bào các dân tộc. Do vậy, thành lập trường đại học là phù hợp với thực tiễn và yêu cầu nâng cao chất lượng nguồn nhân lực để phát triển”.

Theo phương án, Trường Đại học Điện Biên Phủ đào tạo 9 nhóm ngành và 20 ngành. Giai đoạn đầu, ưu tiên mở các ngành đào tạo phục vụ nhu cầu nguồn nhân lực còn thiếu trên địa bàn tỉnh, sau đó tiếp tục mở các ngành theo nhu cầu thị trường. Định hướng đến năm 2030, có quy mô ổn định với 4.000 sinh viên. Trường Đại học Điện Biên Phủ thực hiện tuyển sinh trên địa bàn cả nước. Trong đó tập trung chủ yếu là tỉnh Điện Biên, Lai Châu, một phần của tỉnh Sơn La. Ngoài ra, còn tuyển sinh tại các tỉnh Bắc Lào. Theo xu hướng hội nhập quốc tế, trong tương lai có thể tiếp nhận sinh viên của tỉnh Nan (Thái Lan), Vân Nam (Trung Quốc), sinh viên Pháp, sinh viên thuộc khu vực Đông Nam Á và các châu lục khác.

Để đáp ứng quy mô đề ra, Trường cần có đội ngũ giảng viên cơ hữu là 300 người, trong đó giảng viên có trình độ tiến sĩ/bác sĩ chuyên khoa II tối thiểu là 100 người. Tuy nhiên hiện tại các cơ sở giáo dục trên địa bàn tỉnh mới có 17 tiến sĩ, 6 nghiên cứu sinh.

Đối với Trường Cao đẳng Kinh tế - Kỹ thuật hiện có 83 giảng viên, giáo viên cơ hữu; trong đó, 5 tiến sĩ, 64 thạc sĩ. Để chuẩn bị cho việc thành lập Đại học, ông Trần Bá Uẩn, Hiệu trưởng nhà trường cho biết: “Từ lâu, trường đã tạo điều kiện cho cán bộ, giảng viên tiếp cận với các quy định và môi trường đào tạo đại học, thông qua việc hợp tác với hơn 10 trường đại học trong cả nước để đào tạo nhân lực chất lượng cao cho tỉnh. Các trường đại học đều dành phần trăm số tiết giảng dạy cho các giảng viên của Trường Cao đẳng Kinh tế - Kỹ thuật đủ điều kiện theo quy định. Cùng với đó động viên, khích lệ, tạo điều kiện cho các thầy cô đi đào tạo trình độ cao hơn, đáp ứng yêu cầu trường đại học”.

Với chủ trương lớn ấy, dự kiến tỉnh sẽ hoàn thiện hồ sơ đề nghị phê duyệt chủ trương thành lập Trường Đại học Điện Biên Phủ vào quý I/2024; hoàn thiện hồ sơ đề nghị thành lập trường, trình Bộ GD&ĐT thẩm định trong quý III/2024.

Bài, ảnh: Nguyễn Hiền
Bình luận

Tin khác

Back To Top