Xóa lớp không chuyên trong trường THPT chuyên

16:03 - Thứ Sáu, 08/03/2024 Lượt xem: 4979 In bài viết

Từ năm học 2024-2025, các trường THPT chuyên sẽ không còn tuyển sinh các lớp không chuyên. Điều này được thực hiện theo quy định tại Thông tư 05/2023 của Bộ Giáo dục và Đào tạo (GD&ĐT) ban hành quy chế tổ chức và hoạt động của trường THPT chuyên. Nhiều ý kiến ủng hộ quy định này của Bộ GD&ĐT với quan điểm mô hình trường chuyên cần phải thực hiện đúng với sứ mệnh, mục tiêu đề ra.

Theo quy định tại Thông tư 05/2023 của Bộ GD&ĐT, trong hoạt động tổ chức lớp học trong trường chuyên, các trường THPT chuyên sẽ không tổ chức lớp không chuyên nhằm phát triển năng khiếu về một số môn học trên cơ sở bảo đảm giáo dục phổ thông toàn diện, tạo nguồn đào tạo nhân tài, đáp ứng yêu cầu phát triển của đất nước. Thông tư số 05/2023 cũng quy định, lớp học trong trường chuyên được tổ chức theo môn học trong chương trình giáo dục phổ thông do Bộ trưởng Bộ GD&ĐT ban hành, bao gồm: Ngữ văn, Lịch sử, Địa lí, Ngoại ngữ, Toán, Tin học, Vật lí, Hóa học, Sinh học, gọi chung là lớp chuyên, mỗi lớp chuyên có không quá 35 học sinh.

Từ năm học 2024-2025, sẽ dừng tổ chức lớp không chuyên trong trường chuyên. Ảnh minh họa

Quy định bỏ lớp chuyên trong trường chuyên theo Thông tư 05/2023 của Bộ GD&ĐT đã được thực hiện, được cụ thể hóa trong phương án tuyển sinh vào lớp 10 năm học 2024-2025 tại nhiều tỉnh, thành trên cả nước như TP Hồ Chí Minh, Đồng Tháp, Quảng Trị, Nghệ An, Bắc Giang, Hưng Yên, Phú Thọ… Trong đó, từ năm học 2024-29025, TP Hồ Chí Minh đã dừng tuyển sinh lớp không chuyên tại 2 trường chuyên THPT Lê Hồng Phong và THPT chuyên Trần Đại Nghĩa. Trường THPT chuyên Đại học Vinh (Nghệ An) cũng đã “khai tử” lớp cận chuyên vào lớp 10 từ năm học 2024-2025. Tương tự, trường THPT chuyên ĐH Sư phạm Hà Nội và 3 Trường THPT chuyên thuộc các trường ĐH của ĐHQGHN là Trường THPT chuyên Khoa học Tự nhiên, THPT chuyên Ngoại ngữ và THPT chuyên Khoa học Xã hội và Nhân văn đều dừng tuyển sinh hệ không chuyên…

Tại Hà Nội, trong số 4 trường THPT chuyên trực thuộc Sở GD&ĐT Hà Nội, có Trường THPT chuyên Hà Nội - Amsterdam hiện vẫn tồn tại hệ THCS với quy mô rất lớn mặc dù về mặt pháp lý, hệ THCS này không thể gọi là chuyên vì Luật Giáo dục không cho phép có trường chuyên, lớp chuyên ở cấp THCS. Trước thực tế này, Sở GD&ĐT Hà Nội đã có công văn gửi Bộ GD&ĐT về việc tuyển sinh lớp không chuyên vào Trường THPT chuyên Hà Nội-Amsterdam năm học 2024-2025. Trong Công văn số 801/BGDĐT-GDTrH trả lời Sở GD&ĐT Hà Nội, Bộ GD&ĐT một lần nữa khẳng định "Trường chuyên được thành lập ở cấp THPT, vì vậy không có cấp THCS trong trường chuyên".

Căn cứ của nội dung này là khoản 1 Điều 62 Luật Giáo dục 43/2019/QH14 ngày 14/6/2019. Bên cạnh đó, Bộ GD&ĐT cũng dẫn Thông tư số 05/2023 về quy chế tổ chức hoạt động của các trường THPT chuyên. Theo đó, các lớp không chuyên đã được tuyển sinh và tổ chức trong trường THPT chuyên sẽ tiếp tục thực hiện đến lớp 12; việc tuyển sinh vào lớp không chuyên của trường THPT chuyên chỉ thực hiện đến hết năm học 2023-2024. Vì vậy, Bộ GD&ĐT đề nghị Sở GD&ĐT Hà Nội chỉ đạo việc tuyển sinh vào trường THPT chuyên theo đúng các quy định hiện hành.

Thực tế cho thấy, ngay trước thời điểm Bộ GD&ĐT ban hành Thông tư số 05/2023 về quy chế hoạt động của trường chuyên, trên các diễn đàn đã có những tranh luận trái chiều về việc nên giữ hay bỏ lớp không chuyên trong trường chuyên. Nhìn chung, có nhiều ý kiến ủng hộ quy định bỏ lớp không chuyên trong trường chuyên của Bộ GD&ĐT với quan điểm mô hình trường chuyên cần phải thực hiện đúng với sứ mệnh, mục tiêu đề ra.

Thầy Trần Trung Hiếu, giáo viên Trường THPT chuyên Phan Bội Châu (Nghệ An) nêu quan điểm: Đã là trường chuyên thì không nên, không được tổ chức lớp không chuyên trong trường chuyên. Nếu tồn tại các lớp không chuyên trong các trường chuyên sẽ tạo cơ hội cho nhiều học sinh với học lực chưa đủ giỏi vẫn có thể vào học trường chuyên nhưng không đáp ứng được yêu cầu của trường chuyên, điều này sẽ làm ảnh hưởng đến chất lượng của trường chuyên.

Quan trọng hơn, trường chuyên có đặc thù riêng biệt, được sự đầu tư từ nguồn ngân sách Nhà nước. Vậy thì, những đối tượng thụ hưởng nguồn ngân sách đó, bao gồm cả giáo viên và học sinh trường chuyên cần phải được sử dụng đúng. PGS.TS Trần Xuân Nhĩ, nguyên Thứ trưởng Bộ GD&ĐT cũng ủng hộ quy định dừng tuyển sinh lớp không chuyên trong trường THPT chuyên. Theo PGS.TS Trần Xuân Nhĩ, trường chuyên ra đời với mục tiêu là đào tạo học sinh có năng khiếu đặc biệt ở các môn văn hóa, việc tồn tại những lớp không chuyên trong trường chuyên là không đúng chức năng, nhiệm vụ của trường chuyên; chưa kể, việc có lớp không chuyên trong trường chuyên cũng rất dễ dẫn đến thương mại hóa giáo dục.

Theo CAND
Bình luận

Tin khác

Back To Top