Chỉ còn ít tháng nữa là học sinh lớp 12 sẽ bước vào kỳ thi tốt nghiệp THPT và xét tuyển đại học (ĐH) năm 2024. Tuy nhiên, nhiều thí sinh vẫn đang lúng túng trong việc lựa chọn ngành nghề, chọn trường. Các em đứng trước phân vân nên chọn ngành trước hay chọn trường trước? Có nên đăng ký xét tuyển vào các ngành “hot”, ngành học “VIP”? Nên chọn ngành học theo cách tiếp cận rộng hay hẹp?
Trước băn khoăn của nhiều thí sinh về việc nên chọn ngành học trước hay chọn trường ĐH trước, GS.TS Hoàng Anh Tuấn, Hiệu trưởng Trường ĐH Khoa học Xã hội và Nhân văn, ĐH Quốc gia Hà Nội cho rằng, thí sinh nên chọn ngành học trước rồi chọn trường sau. Khi chọn ngành học nên ưu tiên cho các lĩnh vực mà mình yêu thích, có năng lực sở trường và phù hợp với điều kiện gia đình.
Đồng quan điểm trên, TS Phạm Như Nghệ, Phó Vụ trưởng Vụ Giáo dục ĐH, Bộ GD&ĐT chia sẻ rằng: Thí sinh cần cân nhắc kĩ lưỡng để lựa chọn ngành học, trường ĐH phù hợp. Tuy nhiên, việc chọn ngành sẽ phải thực hiện trước khi chọn trường. Để chọn được một ngành học, mỗi thí sinh phải xem xét dựa trên các yếu tố như năng lực, sở trường, đam mê của bản thân, nhu cầu xã hội và điều kiện kinh tế gia đình. Sau khi lựa chọn ngành mình mong muốn, thí sinh sẽ tiến hành chọn trường bởi cùng một ngành nhưng sẽ có nhiều trường đào tạo. Khi chọn trường, các em cần cân nhắc dựa trên mức học lực, kết quả học tập ở của bản thân cũng như chất lượng đào tạo của nhà trường, từ đó có sự so sánh, đối chiếu điểm chuẩn các trường qua các năm và khả năng học tập của chính mình.
Cán bộ các trường đại học tư vấn cho thí sinh trong việc lựa chọn ngành nghề. Ảnh minh họa
Không dừng lại ở câu chuyện chọn ngành học trước hay chọn trường trước mà ngay trong việc chọn ngành, nhiều phụ huynh cũng băn khoăn, phân vân nên chọn ngành học cho con theo cách tiếp cận rộng hay hẹp. Tại ngày hội tư vấn tuyển sinh, hướng nghiệp năm 2024, nhiều phụ huynh đã đặt câu hỏi với các các chuyên gia tư vấn tuyển sinh đến từ các trường ĐH: “Nếu chọn một ngành rất rộng, tôi sợ con sẽ mông lung khi không đi sâu vào lĩnh vực nào. Trong khi đó, nếu chọn một ngành hẹp quá, khi ra trường, với những biến chuyển về nhân sự, bối cảnh kinh doanh, xã hội, khả năng ứng biến của con sẽ ra sao?".
Chia sẻ với lo lắng của phụ huynh, PGS.TS Vũ Thị Hiền, Trưởng phòng Quản lý đào tạo, Trường ĐH Ngoại thương Hà Nội cho rằng, phụ huynh và thí sinh phải là “người tiêu dùng thông minh” khi đi mua dịch vụ giáo dục ĐH. Nếu là người mua dịch vụ, chúng ta phải xem xét dịch vụ ở nhiều khía cạnh, trong đó có chương trình đào tạo. Theo phân tích của bà Hiền, khi xây dựng chương trình đào tạo, các trường ĐH đều tiếp cận cả 2 góc độ rộng và hẹp. Phụ huynh, thí sinh khi xem chương trình đào tạo thấy đáp ứng được cả hai yếu tố này thì nên chọn, dù tên ngành đó có thể hẹp hoặc rộng.
Bên cạnh đó, bà Hiền cũng lưu ý phụ huynh cần cân nhắc thêm môi trường giảng dạy, chất lượng giảng viên để đưa ra lựa chọn đúng. Ngoài ra, với kinh nghiệm cá nhân, bà Hiền cũng khuyên thí sinh hãy cho mình nhiều cơ hội bằng cách tạo cho mình nhiều năng lực cốt lõi. Các em không nên học một ngành duy nhất mà hãy học theo hướng tiếp cận liên ngành. Một sinh viên học Kinh tế có thể học thêm Luật, Khoa học dữ liệu… dưới một hình thức khác, không nhất thiết có thêm bằng nữa nhưng có khối lượng kiến thức đủ lớn để có cơ hội ứng phó tốt, có năng lực vượt trội trong tương lai. Nếu giỏi một ngành nào đó nhưng tự mở rộng kiến thức liên ngành, đa ngành và đẩy năng lực của mình tới mức rất cao thì việc tìm kiếm việc làm, đạt được mức lương như mong muốn sau khi ra trường là điều không khó.
Trước câu hỏi của thí sinh và phụ huynh về việc có nên chọn các ngành học “hot”, ngành học được xem là “VIP”, nhiều chuyên gia tuyển sinh cho rằng, việc chọn ngành, chọn trường liên quan đến cả một tương lai rất dài. Các em không nên chạy theo tâm lý đám đông trong chọn ngành, chọn nghề mà bỏ qua các yếu tố quan trọng khác như năng lực cá nhân, xu hướng việc làm và điều kiện gia đình.
PGS.TS Nguyễn Phú Khánh, Phó Hiệu trưởng ĐH Phenikaa khuyên thí sinh đừng nên thấy ngành nào đang “hot”, đang có nhu cầu mà đua nhau “lao” vào. “Ngành học “hot” nhưng bản thân mình có “hot” hay không, có học tốt hay không mới là điều quan trọng" - ông Khánh nhận định. Theo phân tích của ông Khánh, các em đừng nên chạy theo ngành “hot” vội. Trước khi chọn ngành nghề, học sinh cần tự trả lời những câu hỏi: Bản thân mình có thật sự thích ngành học đó không? Có năng lực phù hợp với ngành đó không? Ngành đó có phát triển hay không? Học phí ngành đó có phù hợp với điều kiện gia đình? Điểm chuẩn ngành học đó trong những năm gần đây cao hay thấp, có phù hợp với khả năng của mình không?
Ngoài ra, ông Khánh cũng lưu ý, ngành “hot” bây giờ chưa chắc còn “hot” trong 4 hoặc 5 năm nữa. Do đó, thí sinh đừng nên chỉ chăm chăm chọn ngành "hot" mà hãy tìm các ngành phù hợp với năng lực, mong muốn của mình. Chọn ngành "hot" chưa chắc đã có cơ hội việc làm tốt nếu các em không đáp ứng được yêu cầu trong bối cảnh cạnh tranh cao. Nhưng học ngành không "hot" mà phù hợp thì có thể các em sẽ thành công và hạnh phúc.