Với sự phát triển mạnh mẽ của công nghệ, chuyển đổi số trong lĩnh vực giáo dục và đào tạo đang trở thành một xu hướng phổ biến trong xã hội ngày nay. Ðể hướng đến sự liên thông trong quản lý giáo dục tại Việt Nam, Bộ Giáo dục và Ðào tạo sẽ triển khai thí điểm hệ thống học bạ điện tử, cung cấp quy trình, thủ tục quản lý, sử dụng học bạ của học sinh tiểu học.
Phó Giám đốc Sở Giáo dục và Ðào tạo tỉnh Bình Dương Nguyễn Văn Phong cho biết: Tỉnh Bình Dương triển khai học bạ điện tử từ năm học 2022-2023 đối với các khối lớp 1, 6 và 10. Ðể việc triển khai học bạ điện tử tại địa phương đạt hiệu quả, Sở Giáo dục và Ðào tạo đã phối hợp chặt chẽ với đơn vị cung cấp dịch vụ hướng dẫn, tập huấn cho giáo viên, cán bộ quản lý nắm được quy trình, cách thức sử dụng. Việc sử dụng học bạ điện tử bước đầu mang lại nhiều thuận lợi, giảm áp lực sổ sách cho giáo viên và nhà trường; đồng thời, tăng tính công khai, minh bạch trong việc đánh giá, xếp loại học sinh, qua đó góp phần nâng cao chất lượng giáo dục.
Triển khai học bạ điện tử trên phạm vi toàn tỉnh bước vào năm học thứ ba, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Lạng Sơn Dương Xuân Huyên cho biết: Sau một thời gian triển khai, học bạ điện tử có nhiều lợi thế, ưu điểm như giúp cải cách, giảm thủ tục hành chính, giảm áp lực về hồ sơ, sổ sách, tiết kiệm nhiều thời gian cho giáo viên, đổi mới công tác quản lý cho nhà trường. Ngoài ra, học bạ điện tử tiện lợi, có thể thực hiện ở mọi lúc, mọi nơi.
Theo đại diện Sở Giáo dục và Ðào tạo tỉnh Ðồng Tháp, hiện toàn tỉnh có 11/12 huyện, thành phố trên địa bàn tỉnh đã triển khai thực hiện học bạ điện tử, trong đó có 150 trường có toàn bộ học sinh tham gia. Ðáng chú ý, có 2/12 huyện, thành phố có tất cả nhà trường và học sinh tham gia học bạ số từ nguồn ngân sách của đơn vị được cấp. Hiệu quả thấy rõ là tiết kiệm thời gian, chi phí, công sức cho giáo viên. Ban giám hiệu kiểm tra việc thực hiện quy chế chuyên môn của giáo viên, tiến độ vào điểm, đánh giá học sinh của giáo viên thuận lợi hơn. Ngoài ra, việc quản lý hồ sơ của nhà trường trở nên dễ dàng và nhanh chóng, sắp xếp thông tin liên quan đến học sinh một cách khoa học.
Tuy nhiên, bên cạnh những lợi ích mà học bạ điện tử mang lại thì vẫn còn gặp những bất cập trong quá trình triển khai như hiện nay học bạ điện tử chưa có nền tảng, hệ thống phần mềm dùng chung thống nhất cho các nhà trường cho nên chỉ có thể sử dụng, lưu hành, quản lý nội bộ, chưa thể kết nối với những trường đã triển khai. Tại Lạng Sơn, dù đã triển khai một thời gian nhưng các trường vẫn phải in ra giấy để lưu trữ và sử dụng khi chuyển hồ sơ học sinh.
Phó Giám đốc Sở Giáo dục và Ðào tạo tỉnh Bình Dương Nguyễn Văn Phong mong muốn: Trong thời gian tới, việc Bộ Giáo dục và Ðào tạo thí điểm học bạ điện tử cấp tiểu học sẽ là bước đầu để tạo ra tính liên thông trong đánh giá, lưu trữ, tích hợp, đồng bộ và lưu trữ kết quả học tập của học sinh trên toàn quốc.
Vụ trưởng Giáo dục tiểu học, Bộ Giáo dục và Ðào tạo Thái Văn Tài cho biết: Năm học 2023-2024, Bộ Giáo dục và Ðào tạo sẽ triển khai thí điểm tại 63 tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương ở các khối lớp 1, 2, 3 và 4. Học bạ điện tử có giá trị pháp lý khi sử dụng học bạ và khi thực hiện các thủ tục hành chính liên quan, sử dụng đến học bạ; có cổng tra cứu học bạ số trực tuyến, tổ chức, cá nhân được cấp quyền có thể truy cập để xem, đọc và sử dụng thông tin trên học bạ; bảo đảm an toàn thông tin cá nhân theo quy định của pháp luật và được lưu trữ an toàn theo quy định. Ngoài ra, học bạ điện tử bảo đảm thuận tiện cho việc sử dụng, quản lý, tra cứu, xác thực học bạ trực tuyến cũng như cho phép xuất ra bản mềm của học bạ số, có thể in được trên giấy theo mẫu học bạ quy định của Bộ Giáo dục và Ðào tạo để sử dụng trong một số trường hợp cụ thể. Các cơ sở tham gia thí điểm phải chuẩn bị các điều kiện như máy tính kết nối mạng internet, phần mềm quản lý nhà trường để có thông tin, dữ liệu về giáo viên, học sinh, kết quả học tập; chữ ký số để giáo viên, ban giám hiệu ký và đóng dấu học bạ; nhân sự để quản trị, sử dụng phần mềm học bạ số.
Theo Thứ trưởng Giáo dục và Ðào tạo Phạm Ngọc Thưởng, thí điểm học bạ điện tử cấp tiểu học là thí điểm để làm và làm tốt hơn, chắc chắn hơn, hiệu quả hơn từ khung pháp lý đến nội dung chuyên môn và quan trọng nhất là đạt được kết quả đặt ra trong kế hoạch, chuyên môn. Việc thực hiện triển khai không đợi đủ các điều kiện về cơ sở vật chất, về đội ngũ mới thực hiện thí điểm học bạ điện tử mà tận dụng tối đa những điều kiện cơ sở vật chất, đội ngũ của những nơi làm tốt, hướng dẫn, phối hợp với nơi làm chưa tốt để làm tốt, tháo gỡ vướng mắc ở những nơi còn khó khăn. Ðể việc triển khai thuận lợi, các Sở Giáo dục và Ðào tạo đẩy mạnh tuyên truyền cho giáo viên, học sinh và cha mẹ học sinh về nội dung học bạ điện tử. Trong quá trình làm xác định rõ trách nhiệm của từng chủ thể tham gia vì đây là công việc khó, mới, trọng tâm và lâu dài. Ngoài ra, các doanh nghiệp, tập đoàn viễn thông, công nghệ tiếp tục phối hợp, hỗ trợ các Sở Giáo dục và Ðào tạo, các cơ sở giáo dục. Trong đó, tập trung triển khai tập huấn cho đội ngũ thực hiện và cố gắng hạn chế đến mức thấp nhất phát sinh đầu tư cơ sở vật chất, kinh phí cho giáo viên, cha mẹ học sinh, nhà trường.
Học bạ được số hóa, lưu trữ trên môi trường số, có ký xác thực điện tử của cá nhân và tổ chức có thẩm quyền, có giá trị pháp lý để sử dụng trên môi trường số. Học bạ số bảo đảm lưu trữ đầy đủ, chính xác thông tin về học sinh và kết quả học tập, rèn luyện của học sinh trong quá trình học tập tại cấp tiểu học, đồng thời bảo đảm nhất quán, toàn vẹn thông tin, không thể thay đổi khi học bạ đã được phát hành.
(Bộ Giáo dục và Ðào tạo)