Nhiều khó khăn trong thực hiện chế độ chính sách cho nhà giáo và giáo dục mầm non

12:20 - Thứ Tư, 10/04/2024 Lượt xem: 7549 In bài viết

ĐBP - Tiếp tục chương trình làm việc tại tỉnh Điện Biên, sáng ngày 10/4, Đoàn công tác Ủy ban Văn hóa, Giáo dục của Quốc hội chia 2 tổ khảo sát thực hiện chính sách pháp luật về nhà giáo và trẻ em mẫu giáo.

Bà Nguyễn Thị Mai Hoa, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục của Quốc hội chủ trì làm việc tại Sở Lao động, Thương binh và Xã hội.

Tổ 1 do bà Nguyễn Thị Mai Hoa, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục của Quốc hội chủ trì làm việc tại Sở Lao động, Thương binh và Xã hội. Sở đã thông tin về tình hình thực hiện chính sách, pháp luật về nhà giáo giáo dục nghề nghiệp trên địa bàn tỉnh. Cùng với đó, chia sẻ nhiều khó gặp phải, như: Chế độ đãi ngộ đối với nhà giáo và cán bộ quản lý giáo dục nghề nghiệp chưa tương xứng, chưa thu hút được nhân tài; chưa có chính sách đặc thù đối với nhà giáo, cán bộ quản lý làm việc tại các cơ sở giáo dục chuyên biệt; chưa có chính sách động viên, khen thưởng, vinh danh đối với cán bộ quản lý giáo dục nghề nghiệp; chưa có cơ quan chuyên trách đào tạo đội ngũ nhà giáo, cán bộ quản lý về lĩnh vực giáo dục nghề nghiệp.

Ông Đinh Công Sỹ, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục của Quốc hội chủ trì tổ 2 tìm hiểu thực tế chính sách pháp luật đối với trẻ em mẫu giáo tại các trường trên địa bàn TP. Điện Biên Phủ.

Từ thực tế đó, Sở Lao động, Thương binh và Xã hội kiến nghị Luật Nhà giáo cần quy định chính sách hỗ trợ đối với việc đào tạo người có nguyện vọng trở thành nhà giáo, đặc biệt là người giỏi; cần hoàn thiện chế độ đãi ngộ, ưu đãi, tôn vinh nhà giáo giáo dục nghề nghiệp…

Đoàn khảo sát tìm hiểu thực tế tại Trường Mầm non Việt Mỹ.

Tổ 2 do ông Đinh Công Sỹ, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục của Quốc hội chủ trì tìm hiểu thực tế chính sách pháp luật đối với trẻ em mẫu giáo tại Trường Mầm non Việt Mỹ (tư thục) và Trường Mầm non 7/5 (công lập) và làm việc với TP. Điện Biên Phủ về nội dung này.

Tổ 2 tìm hiểu thực tế tại Trường Mầm non 7/5.

Trường Mầm non Việt Mỹ hiện có 12 giáo viên, 2 nhân viên phục vụ, hiện có 4 lớp. Nhà trường gặp nhiều khó khăn trong việc tăng quy mô, số lượng học sinh và giữ chân đội ngũ giáo viên. Trường Mầm non 7/5 có 17 nhóm lớp với 510 trẻ. Tỷ lệ huy động ra lớp độ tuổi 3 - 5 tuổi trên địa bàn ra lớp đạt tỷ lệ 100%, nhà trẻ đạt 53,14%. Để đảm bảo hoạt động nếu Đề án phổ cập giáo dục trẻ mầm non 3 - 4 tuổi được thông qua, nhà trường kiến nghị tháo gỡ khó khăn về hỗ trợ chính sách cho nhân viên nấu ăn, hỗ trợ chế độ chính sách cho trẻ nhà trẻ, tạo điều kiện đảm bảo về cơ sở vật chất, nhân lực...

Chủ Trường Mầm non Việt Mỹ chia sẻ về giáo dục ngoài công lập.

Đối với địa bàn TP. Điện Biên Phủ, hiện có 25 trường mầm non (23 công lập, 2 tư thục) với gần 6.000 trẻ. Tỷ lệ huy động trẻ 3 - 5 tuổi ra lớp đạt 99,9%. Tỷ lệ giáo viên dạy lớp 3 - 4 tuổi là 1,83 giáo viên/lớp, phòng học kiên cố cho trẻ 3 - 4 tuổi đạt 47%, còn lại là bán kiên cố. Vì vậy để thực hiện phổ cập giáo dục trẻ 3 – 4 tuổi, TP. Điện Biên Phủ có nhu cầu mở rộng quy mô trường lớp, quỹ đất cho các trường vùng trung tâm; nguồn lực đầu tư xây mới, sửa chữa, nâng cấp  các hạng mục phụ trợ cho các trường mầm non; bổ sung đầy đủ trang thiết bị, đồ dùng, đồ chơi đáp ứng yêu cầu đổi mới giáo dục. Cùng với đó, kiến nghị với Bộ Giáo dục và Đào tạo tham mưu giải quyết triệt để tháo gỡ khó khăn bất cập trong phát triển hệ thống giáo dục mầm non ngoài công lập.

Hiệu trưởng Trường Mầm non 7/5 tham gia ý kiến tại buổi làm việc.

Tại các điểm khảo sát, các đại biểu thảo luận, trao đổi làm rõ các khó khăn, vướng mắc và đề xuất, kiến nghị. Chiều nay, đoàn công tác làm việc với Sở Giáo dục và Đào tạo.

Tin, ảnh: Nguyễn Hiền
Bình luận
Back To Top