Cần thiết xây dựng Luật Nhà giáo và Đề án phổ cập giáo dục trẻ mẫu giáo

17:59 - Thứ Tư, 10/04/2024 Lượt xem: 7479 In bài viết

ĐBP - Đó là quan điểm của ngành Giáo dục và Đào tạo Điện Biên tại buổi làm việc với đoàn công tác Ủy ban Văn hóa, Giáo dục của Quốc hội về việc thực hiện chính sách, pháp luật nhà giáo và trẻ em mẫu giáo, diễn ra chiều ngày 10/4.

Bà Nguyễn Thị Mai Hoa, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục của Quốc hội chủ trì nội dung khảo sát chính sách, pháp luật về nhà giáo.

Đối với nội dung chính sách, pháp luật về nhà giáo, bà Nguyễn Thị Mai Hoa, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục của Quốc hội chủ trì, nhấn mạnh các đại biểu cần tập trung 3 nội dung: Rà soát hệ thống văn bản pháp luật hiện có tác động tới nhà giáo; chuẩn chức danh nhà giáo và các chế độ, chính sách phù hợp với sự phát triển và nhiệm vụ của đội ngũ nhà giáo; quản lý Nhà nước đối với nhà giáo. Từ các ý kiến trao đổi, Ủy ban tổng hợp, nghiên cứu để phản biện, thẩm tra, xây dựng Luật Nhà giáo trình Quốc hội xem xét, thông qua vào thời gian tới.

Ông Nguyễn Văn Đoạt, Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo Điện Biên trao đổi với đoàn công tác về khó khăn, vướng mắc mà ngành gặp phải.

Theo đó, các cán bộ, giáo viên ngành Giáo dục và đại diện lãnh đạo Sở Nội vụ nêu nhiều vấn đề thực tiễn: Chế độ, chính sách đối với nhà giáo như lương, phụ cấp, chế độ đãi ngộ, chế độ thu hút, sự tôn vinh của xã hội... chưa tương xứng với vị thế, vai trò thực sự của nhà giáo. Việc thực hiện cùng lúc nhiều quy định đối với nhà giáo dẫn đến áp lực. Các quy định về tiêu chuẩn, chức danh nhà giáo chưa có sự thống nhất giữa các cấp học. Quy mô học sinh không ngừng tăng trong khi giáo viên không được bổ sung kịp thời do thiếu biên chế và nguồn tuyển. Nhiều cơ sở giáo dục vùng khó không đảm đảo tỷ lệ giáo viên/lớp theo quy định...

Bà Lò Thị Luyến, Phó Trưởng đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh tham gia ý kiến tại buổi làm việc.

Vì thế ngành Giáo dục Điện Biên khẳng định cần thiết xây dựng Luật Nhà giáo, đóng góp ý kiến làm rõ vị thế, vai trò của nhà giáo, quyền và nghĩa vụ của nhà giáo; chuẩn nghề nghiệp, chức danh nhà giáo các cấp học và trình độ đào tạo; chính sách đào tạo, bồi dưỡng, tuyển dụng, bổ nhiệm, điều động, luân chuyển, biệt phái; chế độ đãi ngộ, tôn vinh nhà giáo, lương, phụ cấp và phúc lợi khác...

Đại diện lãnh đạo Sở Nội vụ tham gia ý kiến vào chính sách pháp luật về nhà giáo.

Với nội dung thực hiện chính sách, pháp luật đối với trẻ mẫu giáo do ông Đinh Công Sỹ, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục của Quốc hội chủ trì, Sở Giáo dục và Đào tạo cho biết tỷ lệ huy động trẻ 5 tuổi ra lớp đạt 100%, trẻ 3 – 4 tuổi ra lớp từ 99% trở lên. Nếu Đề án phổ cập giáo dục mầm non 3 – 4 tuổi được xây dựng, thông qua, sẽ đặt ra nhiều vấn đề với Điện Biên do thiếu giáo viên (giáo viên mầm non thiếu trên 1.000 người), nhân viên, cơ sở vật chất, thiết bị, đồ dùng, đồ chơi; nhân dân còn khó khăn, công tác huy động xã hội hóa còn hạn chế...

Ông Đinh Công Sỹ, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục của Quốc hội chủ trì nội dung khảo sát việc thực hiện chính sách, pháp luật đối với trẻ mẫu giáo.
Thành viên đoàn công tác trao đổi làm rõ các bất cập mà Điện Biên nêu ra.

Vì vậy Điện Biên đề xuất một số chính sách miễn học phí đối với trẻ ở các độ tuổi thực hiện phổ cập, nâng mức hỗ trợ ăn trưa đối với trẻ mẫu giáo và có chế độ hỗ trợ ăn trưa cho trẻ nhà trẻ. Cùng với đó có chính sách hỗ trợ đi lại cho giáo viên dạy ở điểm trường lẻ, chính sách hỗ trợ dạy lớp ghép, tăng cường tiếng Việt cho trẻ vùng dân tộc thiểu số; hỗ trợ trực trưa cho giáo viên vùng đặc biệt khó khăn; nâng mức hỗ trợ nhân viên nấu ăn vùng đặc biệt khó khăn, trường có nhiều điểm lẻ...

Tin, ảnh: Nguyễn Hiền
Bình luận

Tin khác

Back To Top