Giảm giá các bộ sách giáo khoa

15:59 - Thứ Sáu, 12/04/2024 Lượt xem: 6076 In bài viết

Thời gian qua, giá sách giáo khoa (SGK) trở thành vấn đề "nóng" khi giá sách theo chương trình Giáo dục phổ thông (GDPT) mới năm 2018 cao hơn giá sách chương trình GDPT năm 2006 khiến nhiều phụ huynh băn khoăn, lo lắng.

Mặc dù từ ngày 1/7 tới, Luật Giá sửa đổi mới có hiệu lực thi hành, trong đó có quy định SGK được bổ sung vào danh mục được Nhà nước định giá. Tuy nhiên, tại thời điểm này, một số Nhà xuất bản (NXB) đã thông báo về việc giảm giá SGK trong năm học 2024-2025. Đây được xem là một tín hiệu đáng mừng, cho thấy việc Nhà nước định giá SGK là hợp lý.

Giá các bộ SGK mới sẽ giảm từ năm học 2024-2025. (Ảnh minh họa)

Theo thông báo của NXB Giáo dục Việt Nam, năm học 2024-2025, đơn vị thực hiện điều chỉnh giảm giá bán SGK tái bản lớp 1, 2, 3, 4, 6, 7, 8, 10 và 11. Theo đó, năm học 2024-2025 giá bìa các bộ SGK “Kết nối tri thức với cuộc sống” sẽ giảm 9,6%; giá bìa các bộ SGK “Chân trời sáng tạo” giảm 11,2%. Đây là các bộ SGK do NXB Giáo dục Việt Nam tổ chức biên soạn, in ấn, phát hành. Đối với SGK các lớp 5,9,12, những lớp cuối cùng triển khai chương trình GDPT năm 2018 từ năm học 2024-2025, SGK của những lớp này cũng sẽ được NXB Giáo dục Việt Nam xây dựng giá theo cơ cấu giá đã giảm của SGK tái bản.

NXB Việt Nam cũng cho biết, bảng giá mới sẽ được niêm yết đầy đủ, công khai ở các điểm bán SGK trên toàn quốc và trên trang thông tin điện tử tổng hợp của NXB Giáo dục Việt Nam và trên các phương tiện thông tin đại chúng theo quy định. Với những bản SGK đang lưu kho, đã in giá cũ khác với giá mới, NXB Giáo dục Việt Nam sẽ thực hiện dán tem giá mới trên bìa 4 của sách để học sinh, giáo viên dễ dàng nhận biết, không bị nhầm lẫn.

Bộ SGK “Cánh Diều” của Công ty CP Đầu tư Xuất bản - Thiết bị Giáo dục Việt Nam cũng vừa thông báo sẽ giảm khoảng 20% giá bìa đối với những cá nhân, đơn vị mua sách tặng cho thư viện để học sinh dùng chung.

Bên cạnh điều chỉnh giá bìa, đơn vị phát hành sách cũng công bố hệ sinh thái sách “Cánh Diều” được sử dụng miễn phí bao gồm sách điện tử, học liệu điện tử đăng tải trên trang web, nhằm hỗ trợ giáo viên, phụ huynh và học sinh truy cập. Hệ sinh thái của bộ sách cũng thiết lập nhiều loại hình tương tác như: Kéo thả, nối, tô màu, ô chữ, trắc nghiệm,... để giáo viên và học sinh có thể trực tiếp làm bài tập trên sách điện tử.

Ngoài ra, đơn vị phát hành SGK “Cánh Diều” cũng công bố kế hoạch tặng sách cho các học sinh nghèo, học sinh vùng khó khăn, dân tộc thiểu số và thư viện các trường nội trú trên cả nước; chính sách giảm giá sách giáo khoa từ lớp 1 đến lớp 12 cho học sinh có hoàn cảnh khó khăn khi mua tại trường trước thềm năm học mới…

Thực tế cho thấy, vấn đề SGK, giá SGK từ nhiều năm nay luôn là mối quan tâm chung của toàn xã hội. Kỳ họp thứ 5, Quốc hội Khóa XV mới đây đã thông qua Luật Giá sửa đổi, trong đó xác định SGK được bổ sung vào danh mục được Nhà nước định giá, có hiệu lực từ 1/7 tới. Theo quy định của Luật Giá, SGK do Nhà nước định giá, Bộ Tài chính ban hành phương pháp định giá tối đa, các NXB tự quyết định giá cụ thể trong trần chung.

Nhiều ý kiến ủng hộ chủ trương này bởi SGK là mặt hàng tác động đến đông đảo người học, phụ huynh, xã hội. Với hơn 17,6 triệu học sinh phổ thông trên cả nước, rõ ràng việc điều chỉnh, điều tiết giá SGK sẽ có tác động trên diện rộng. Thay đổi giá một cuốn SGK dù không nhiều nhưng tổng chung của kinh phí toàn xã hội bỏ ra sẽ là con số rất lớn.

Bà Nguyễn Thị Mai Hoa, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, giáo dục của Quốc hội cho rằng, việc Nhà nước định giá SGK, đưa ra giá trần là đang hướng tới đối tượng người tiêu dùng, để họ không phải chịu bộ SGK ở mức giá quá cao. Phía các NXB, nhìn tổng thể chắc chắn cũng không bất lợi. Bởi vì khi xác định mức trần giá SGK, các NXB hẳn phải có tính toán nhất định để điều chỉnh làm sao khâu đầu vào của quá trình biên soạn, phát hành SGK bảo đảm ở mức có thể chấp nhận được. Nếu xác định trần giá SGK, đồng thời sẽ tạo ra sự cạnh tranh lành mạnh trong thị trường, sẽ trao quyền quyết định giá bán cụ thể cho các NXB. Do đó, việc định giá SGK không cản trở xã hội hóa mà còn tạo ra sự cạnh tranh lành mạnh, thực hiện chủ trương xã hội hóa một cách đúng hướng và bảo đảm mục tiêu định giá SGK nhưng đồng thời vẫn khuyến khích, tạo động lực để các NXB tham gia xuất bản SGK.

GS.TS. Hoàng Văn Cường, Ủy viên Ủy ban Tài chính, Ngân sách của Quốc hội cũng nêu quan điểm: Phương pháp định giá SGK cần dựa trên 3 nguyên tắc phổ biến là tính đúng, tính đủ và bảo đảm hài hòa lợi ích của người học, ngành giáo dục và nhà sản xuất. Việc định giá SGK cần dựa vào ba căn cứ: Các yếu tố cấu thành giá sản phẩm; quan hệ cung-cầu; giá của các sản phẩm tương đồng trên thị trường. Ngoài ra, cần xét đến vấn đề liên quan đến nguyên tắc tính đúng, tính đủ các chi phí trong giá thành để tránh tình trạng một số khâu không kiểm soát tốt khiến giá đội lên… Tuy nhiên, nếu không tính đúng, tính đủ mà khống chế một mức giá không phù hợp thì sẽ rất khó có những sản phẩm tốt, sản phẩm chất lượng cao.

“Nhiệm vụ của Bộ GD&ĐT là sẽ xây dựng một hướng dẫn thực hiện quy định về định giá của Bộ để hướng dẫn cho đơn vị xuất bản, trên cơ sở đó định ra giá SGK của mình, nhưng đồng thời cũng đưa ra mức tối đa của mỗi một loại SGK đó. Đây là một nhiệm vụ khá nặng nề bởi việc phải làm thế nào để kiểm soát được giá SGK phải hướng đến đa mục tiêu, để vẫn bảo đảm nhu cầu cho người học và phù hợp với khả năng thanh toán của người dùng, đồng thời cũng khuyến khích được các đơn vị xuất bản ra SGK có chất lượng tốt nhất, thực hiện đúng chủ trương đa dạng hóa một chương trình nhưng nhiều SGK”-GS.TS Hoàng Văn Cường nhấn mạnh.

Theo CAND
Bình luận

Tin khác

Back To Top