Chứng chỉ hành nghề đối với nhà giáo có thật sự cần thiết?

09:47 - Thứ Năm, 16/05/2024 Lượt xem: 4879 In bài viết

Bộ Giáo dục và Đào tạo (GD&ĐT) đang lấy ý kiến góp ý dự thảo Luật Nhà giáo, trong đó quy định rõ về chứng chỉ hành nghề đối với nhà giáo. Xét về mặt lý thuyết, mục đích của việc cấp chứng chỉ hành nghề, giấy chứng nhận nghề nghiệp đối nhà giáo là nhằm đảm bảo giáo viên có đủ năng lực chuyên môn và đạo đức để giảng dạy và đó cũng là cách để bảo vệ lợi ích của người học.

Tuy nhiên, nhiều ý kiến cho rằng, Bộ GD&ĐT cần nghiên cứu kỹ lưỡng, đánh giá tác động đa chiều về vấn đề này để đảm bảo phù hợp với bối cảnh hiện tại bởi nếu triển khai không cẩn thận có thể cản trở cho hoạt động nghề nghiệp của nhà giáo.

Chứng chỉ hành nghề sẽ có giá trị sử dụng cả trong và ngoài nước

 Theo Dự thảo, chứng chỉ hành nghề đối với nhà giáo có giá trị sử dụng trong toàn quốc và quốc gia khác theo chương trình hợp tác quốc tế với Việt Nam. Mỗi nhà giáo được cấp một hoặc hơn một chứng chỉ hành nghề đối với nhà giáo.

Việc cấp chứng chỉ hành nghề đối với nhà giáo sẽ được phân quyền cho cơ quan quản lý các cấp. (Ảnh minh họa)

Các trường hợp được cấp chứng chỉ hành nghề đối với nhà giáo gồm: Nhà giáo đang giảng dạy, giáo dục trong các cơ sở giáo dục công lập, dân lập, tư thục đạt chuẩn nhà giáo trước ngày Luật này có hiệu lực thi hành; nhà giáo được tuyển dụng vào các cơ sở giáo dục công lập, dân lập, tư thục đạt chuẩn nhà giáo sau ngày Luật này có hiệu lực thi hành nếu đạt yêu cầu của kỳ sát hạch chứng chỉ hành nghề đối với nhà giáo; nhà giáo đã nghỉ hưu nhưng chưa được cấp chứng chỉ hành nghề đối với nhà giáo (nếu có nhu cầu); nhà giáo nước ngoài nếu đáp ứng điều kiện theo quy định của cơ quan có thẩm quyền và có nhu cầu. Nhà giáo đề nghị cơ quan, tổ chức có thẩm quyền cấp lại chứng chỉ hành nghề đối với nhà giáo khi bị mất hoặc hư hỏng. Người có chứng chỉ hành nghề hoặc các văn bản có giá trị tương đương do cơ quan, tổ chức có thẩm quyền của nước ngoài cấp được công nhận tương đương với chứng chỉ hành nghề đối với nhà giáo khi được thừa nhận theo điều ước quốc tế mà Việt Nam là thành viên hoặc thỏa thuận quốc tế mà Việt Nam là bên ký kết và còn hiệu lực.

   Bộ GD&ĐT quy định mẫu giấy chứng chỉ hành nghề đối với nhà giáo. Các bộ, cơ quan ngang bộ cấp chứng chỉ hành nghề đối với giảng viên các cơ sở giáo dục đại học, trường cao đẳng, trường cao đẳng sư phạm; giáo viên dự bị đại học thuộc thẩm quyền quản lý. Sở GD&ĐT cấp chứng chỉ hành nghề đối với giáo viên của các cơ sở giáo dục mầm non, giáo dục phổ thông, giáo dục thường xuyên, giáo dục nghề nghiệp -giáo dục thường xuyên và giảng viên các trường cao đẳng sư phạm và các cơ sở giáo dục đại học thuộc thẩm quyền quản lý của UBND cấp tỉnh. Sở Lao động-Thương binh và Xã hội cấp chứng chỉ hành nghề đối với giáo viên trung tâm giáo dục nghề nghiệp, trường trung cấp, cơ sở giáo dục nghề nghiệp-giáo dục thường xuyên và giảng viên các trường cao đẳng thuộc thẩm quyền quản lý của UBND cấp tỉnh. Cơ quan có thẩm quyền cấp thì có thẩm quyền cấp lại, thu hồi chứng chỉ hành nghề đối với nhà giáo. Dự thảo cũng quy định việc thu hồi chứng chỉ hành nghề đối với nhà giáo được thực hiện với các trường hợp: Nhà giáo có kết quả đánh giá không hoàn thành nhiệm vụ 2 năm liên tục; nhà giáo vi phạm kỷ luật bằng hình thức buộc thôi việc hoặc sa thải; hồ sơ đề nghị cấp chứng chỉ hành nghề không đúng quy định.

Cần có thêm đánh giá tác động đa chiều, triển khai thận trọng

TS Hoàng Ngọc Vinh, nguyên Vụ trưởng Vụ Giáo dục chuyên nghiệp, Bộ GD&ĐT cho rằng, ở nhiều quốc gia hiện nay đều cần phải có giấy phép hành nghề hoặc chứng nhận để trở thành giáo viên, đặc biệt là ở các trường công. Việc cấp phép này đảm bảo rằng giáo viên đáp ứng các tiêu chí giáo dục và đào tạo cụ thể, chứng tỏ họ có khả năng giảng dạy và quản lý lớp học. Giấy chứng nhận này phản ánh trình độ học vấn, kinh nghiệm thực hành giảng dạy, năng lực chuyên môn theo vị trí chức danh nghề dạy học, việc nâng cao năng lực qua các lớp tập huấn bồi dưỡng nghiệp vụ. Giáo viên muốn có chứng chỉ hành nghề phải vượt qua các kỳ thi cấp giấy phép. Do đó, việc cấp chứng chỉ hành nghề giáo viên là cần thiết nhằm đảm bảo các tiêu chuẩn chất lượng giáo dục, đảm bảo năng lực chuyên môn, đạo đức ứng xử nghề nghiệp, xây dựng niềm tin của xã hội đối với nhà giáo, buộc giáo viên phải thường xuyên nâng cao năng lực và đó cũng là cách bảo vệ lợi ích của người học.

Còn theo quan điểm của PGS.TS Trần Thành Nam, Phó Hiệu trưởng Trường Đại học Giáo dục, Đại học Quốc gia Hà Nội, chứng nhận nghề nghiệp đối với nhà giáo có thể được xem như một giải pháp nghề nghiệp phục vụ hai mục tiêu, vừa giúp giáo viên trở thành nghề được định danh rõ ràng hơn vừa nâng cao chất lượng giáo viên, tính cạnh tranh của giáo viên khi cung cấp dịch vụ giáo dục cho cộng đồng. Điều này đòi hỏi giáo viên phải cập nhật liên tục kiến thức nghề nghiệp, giữ phẩm chất đạo đức. Đó là khuôn khổ để giáo viên tự ý thức để bảo vệ danh xưng nhà giáo, bảo vệ quyền lợi của chính mình. Tuy nhiên, dù là chủ trương đúng nhưng cần có thêm những đánh giá tác động đa chiều; việc áp dụng thực tế, đặc biệt là tổ chức triển khai cần thận trọng.

TS Phạm Hiệp, đồng trưởng nhóm nghiên cứu đổi mới giáo dục, Trường Đại học Thành Đô cũng cho rằng, chứng nhận nghề nghiệp nhà giáo dù về mặt lý thuyết có nhiều ưu điểm nhưng nếu triển khai “không cẩn thận” có thể trở thành một giấy phép tạo cản trở cho sự phát triển nghề nghiệp của nhà giáo. Theo TS Phạm Hiệp, tại Việt Nam hiện nay, nếu quy định nhà giáo phải có giấy chứng nhận nghề nghiệp, chứng chỉ hành nghề thì nên đi theo hướng ai đã học sư phạm, tốt nghiệp ra trường sẽ có ngay giấy này; các nội dung kiểm tra, đánh giá nên tích hợp ngay trong các trường sư phạm. Còn với người không học chuyên ngành sư phạm, muốn trở thành nhà giáo thì cần phải trải qua một kỳ sát hạch mà ở đó họ được kiểm tra việc thực hành nghiệp vụ sư phạm, giảng dạy thử, kiến tập, đánh giá chuyên môn trong một khoảng thời gian. Sau đó, nếu đáp ứng đủ điều kiện, họ sẽ được cấp giấy chứng nhận nghề nghiệp để có thể hành nghề nhà giáo.

Theo CAND
Bình luận

Tin khác

Back To Top