Hãy đặt lòng yêu thương con trẻ lên trên hết

09:05 - Thứ Ba, 28/05/2024 Lượt xem: 6726 In bài viết

Câu chuyện “học sinh lớp 1 không được ăn liên hoan vì mẹ không đóng quỹ” sau khi xuất hiện trên mạng xã hội đã thu hút nhiều ý kiến trái chiều ngay trong chính phụ huynh học sinh. Mặc dù còn nhiều chi tiết cần được làm rõ song qua câu chuyện cho thấy, cả phụ huynh lẫn giáo viên đều xử lý chưa khéo léo, vô tình làm tổn thương con trẻ.

Câu chuyện bắt đầu từ phản ánh của một phụ huynh về vấn đề đóng tiền quỹ hội phụ huynh của lớp con mình đang học lớp 1. Được biết, lớp học có 2 loại quỹ là quỹ lớp và quỹ phụ huynh. Thế nhưng, người mẹ này chỉ tham gia quỹ lớp và từ chối đóng khoản quỹ hội phụ huynh 100.000 đồng/năm. Lý do vì chị này cho rằng quỹ phụ huynh là khoản tiền không bắt buộc, ai thích đóng thì đóng, không thì thôi.

Trường Tiểu học Gia Lương (Gia Lộc, Hải Dương) nơi xảy ra sự việc gây tranh cãi trên mạng xã hội những ngày qua. Ảnh minh họa

Đến buổi liên hoan trước khi nghỉ hè, vì người mẹ không đóng quỹ nên con không có suất ăn như các bạn khác với trị giá 40.000 đồng/suất được trích từ quỹ hội phụ huynh. Thấy con tủi thân, về nhà hỏi mẹ rằng “sau này lên lớp 2 con có được ăn liên hoan không?” thì bà mẹ bức xúc, nhắn tin chất vấn trong nhóm phụ huynh, đồng thời quyết định đăng tải câu chuyện trên mạng xã hội.

Chia sẻ của phụ huynh trên ngay lập tức gây tranh luận trái chiều trên mạng xã hội. Luồng ý kiến thứ nhất cho rằng việc nhóm đông người lớn gồm Ban đại diện cha mẹ học sinh, giáo viên mà để xảy ra vụ việc như vậy là không thể chấp nhận được. Việc rạch ròi quá mức và thiếu sự độ lượng, bao dung của người lớn đã khiến một đứa trẻ phải chịu tổn thương không đáng có.

Luồng ý kiến thứ hai lại lên án mạnh mẽ người mẹ, dù luôn “khoe” trên mạng xã hội là điều kiện kinh tế tốt song mỗi khoản quỹ hội phụ huynh 100.000 đồng/năm lại không thể đóng cho con. Khi hội phụ huynh bàn chuyện liên hoan trích từ kinh phí quỹ hội phụ huynh, người mẹ cũng không có hành động cụ thể như đóng tiền để cho con tham gia cùng hoặc xin cho con không dự buổi liên hoan khiến con trẻ bị lạc lõng trong lớp học, cảm thấy tủi thân và tổn thương không đáng có.

Luồng ý kiến thứ ba cho rằng, dẫu biết trong câu chuyện này, người mẹ có phần lỗi nhiều hơn nhưng nhìn tổng thể, cả phụ huynh và giáo viên đều xử lý chưa khéo léo và tất cả đã vô tình làm tổn thương con trẻ. Đặc biệt hơn, từ câu chuyện này, nhiều vấn đề phát sinh từ hoạt động của Ban đại diện cha mẹ học sinh, từ câu chuyện quỹ lớp, quỹ trường cũng đã được nhiều phụ huynh chia sẻ.

Theo phản ánh của phụ huynh, học sinh hiện nay có nhu cầu được tham gia nhiều hoạt động giáo dục, vui chơi ngay tại trường. Nhưng nếu cứ trông chờ vào nhà trường để tổ chức các hoạt động này sẽ rất khó khăn do thiếu nguồn lực. Vì vậy, việc phụ huynh chung tay đóng quỹ riêng để tổ chức các hoạt động cho các con là cần thiết.

Thực tế, rất nhiều Ban đại diện cha mẹ học sinh ở nhiều cơ sở giáo dục đã làm rất tốt việc này, mọi khoản đóng góp đều được lấy ý kiến công khai, thống nhất; các khoản thu-chi đều minh bạch nên được đại bộ phận phụ huynh trong lớp ủng hộ, ghi nhận và đánh giá cao. Tuy vậy, tại một số nơi vẫn còn hiện tượng Ban đại diện cha mẹ học sinh đang làm chưa tốt, thậm chí trở thành “cánh tay nối dài” để lạm thu dẫn đến việc một số phụ huynh bức xúc, chưa thật sự tạo được sự đồng thuận trong phụ huynh học sinh.

Ngoài ra, phụ huynh cũng chia sẻ rằng, trên thực tế, cá biệt cũng có một số trường hợp phụ huynh dù điều kiện kinh tế không hề khó khăn nhưng vẫn nhất quyết không đóng quỹ lớp, phụ huynh để tổ chức các hoạt động cho trẻ. Mặc dù vậy, các hoạt động một số giáo viên và Ban phụ huynh vẫn thống nhất để học sinh được tham gia bình thường như các học sinh khác. Kinh phí bù vào được huy động từ sự ủng hộ thêm của một số phụ huynh khác trong lớp. Thậm chí, ban phụ huynh và giáo viên chủ nhiệm còn tế nhị không công khai cả danh tính của học sinh không đóng quỹ để con trẻ không bị tổn thương. Đây rõ ràng là ứng xử đẹp, nhân văn và đáng trân trọng trong môi trường giáo dục…

Trở lại câu chuyện “học sinh lớp 1 không được ăn liên hoan vì mẹ không đóng quỹ” đang gây tranh cãi trên mạng xã hội những ngày qua có thể thấy, người lớn dù không đồng thuận, thậm chí có khúc mắc với nhau là chuyện của người lớn nhưng trẻ con không có tội. Một số chuyên gia giáo dục cho rằng, bài học cần rút ra từ câu chuyện trên là trước khi định quyết định làm điều gì, cha mẹ học sinh, giáo viên cũng hãy nghĩ đến cảm xúc của con trẻ đầu tiên và hãy đặt lòng yêu thương các con lên hàng đầu.

Liên quan đến sự việc trên, chiều 27/5, Sở GD&ĐT tỉnh Hải Dương đã có báo cáo gửi Bộ Giáo dục và Đào tạo (GD&ĐT). Theo Báo cáo của Sở GD&ĐT Hải Dương, vụ việc gây ầm ĩ mạng xã hội và nhận về nhiều ý kiến bình luận như vừa qua là rất đáng tiếc. Thời điểm xảy ra sự việc là cuối năm học 2023-2024, nhận được nhiều sự chú ý của dư luận. Sở GD&ĐT Hải Dương đã yêu cầu Phòng GD&ĐT huyện Gia Lộc chỉ đạo nhà trường làm việc với cha mẹ học sinh để được chia sẻ về sự việc đã xảy ra đồng thời cần thiết phải rút kinh nghiệm trong công tác quản lý chung.

Ngay trong sáng ngày 27/5, Phòng GD&ĐT huyện Gia Lộc đã có buổi làm việc với nhà trường, yêu cầu hiệu trưởng nhà trường báo cáo bằng văn bản, xác định nguyên nhân, làm rõ trách nhiệm và đề xuất biện pháp xử lý phù hợp. Sở GD&ĐT cũng nhắc nhở, lưu ý các nhà trường trên địa bàn có biện pháp quản lý phù hợp, tránh để xảy ra các vụ việc tương tự trong thời gian tới.

Tuy vậy, báo cáo của Sở GD&ĐT Hải Dương cho biết, sự việc không đúng hoàn toàn như phụ huynh phản ánh trên mạng xã hội trước đó. Cụ thể, sau khi sự việc xảy ra, nhà trường đã yêu cầu giáo viên chủ nhiệm báo cáo, giải trình.

Theo cô giáo N.T.H, giáo viên chủ nhiệm lớp 1C, Trường Tiểu học Gia Lương, chiều 24/5, đại diện cha mẹ học sinh lớp 1C tổ chức liên hoan cuối năm học cho học sinh. Ban phụ huynh mua đồ gồm: bánh ga tô, bánh kẹo, đùi gà, xúc xích, khoai tây chiên cho học sinh liên hoan. Tại buổi liên hoan, phụ huynh bày bánh ga tô, bánh kẹo ra bàn cho tất cả các bạn trong lớp cùng ăn. Riêng suất ăn gồm đùi gà, xúc xích, khoai tây chiên, em N. không có nhưng em ăn chung với các bạn bên cạnh.

Theo CAND
Bình luận

Tin khác

Back To Top