Sớm tháo gỡ vướng mắc trong phát hành, in ấn tài liệu giáo dục ở các địa phương

14:46 - Thứ Ba, 04/06/2024 Lượt xem: 4941 In bài viết

Theo báo cáo của các sở Giáo dục và Đào tạo (GD&ĐT), sau gần 4 năm triển khai thực hiện nội dung giáo dục địa phương (GDĐP) trong chương trình giáo dục phổ thông (GDPT) mới năm 2018, một số địa phương đã tiến hành in ấn, phát hành tài liệu kịp thời, thuận lợi. Tuy nhiên, hiện vẫn còn rất nhiều địa phương chưa in ấn phát hành được tài liệu này. Trước thực tế trên, nhiều ý kiến đề nghị cần sớm tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc trong phát hành, in ấn tài liệu GDĐP.

Việc triển khai nội dung GDĐP trong Chương trình GDPT năm 2018 được thực hiện theo Nghị quyết số 88/2014/QH13 ngày 28/11/2013 của Quốc hội về đổi mới chương trình, sách giáo khoa giáo dục phổ thông; Luật Giáo dục 2019; Thông tư 32/2018 của Bộ GD&ĐT. Theo quy định trên, nội dung GDĐP là một bộ phận không thể tách rời trong thực hiện Chương trình GDPT 2018, được thực hiện từ lớp 1 đến lớp 12. Cụ thể, ở cấp Tiểu học, nội dung giáo dục của địa phương được tích hợp trong chương trình các môn học và Hoạt động trải nghiệm. Ở cấp THCS và THPT, nội dung GDĐP có thời lượng là 35 tiết/lớp/năm học và có vị trí như một môn học độc lập. Tài liệu GDĐP do các địa phương chịu trách nhiệm tổ chức biên soạn, thẩm định, trình Bộ GD&ĐT phê duyệt.

Giáo dục địa phương là môn học bắt buộc trong chương trình giáo dục phổ thông năm 2018. Ảnh minh họa

TS Thái Văn Tài, Vụ trưởng Vụ Giáo dục tiểu học, Bộ GD&ĐT cho biết: Sau nhiều năm triển khai, việc in, phát hành tài liệu GDĐP còn những khó khăn, bất cập khác nhau ở mỗi địa phương. Việc in ấn, phát hành tài liệu GDĐP ở một số địa phương còn chậm, muộn; một số địa phương chưa thực hiện được do vướng mắc về công tác xác định bản quyền, thẩm định giá và đấu thầu in ấn, phát hành. Theo thống kê, đến nay mới có 19 tỉnh, thành phố đã in ấn, phát hành được tài liệu GDĐP các lớp 1, 2, 3, 4; có 30 tỉnh, thành phố đã in ấn, phát hành được tài liệu GD&ĐP lớp 1 và lớp 2; số tỉnh, thành phố chưa in ấn, phát hành được tài liệu GDĐP là 14 đơn vị. Đối với lớp 6, theo báo cáo của các Sở GD&ĐT, năm 2021 và năm 2022 đã có 42 tỉnh in, phát hành được tài liệu lớp 6; có 21 tỉnh tổ chức dạy bằng bản điện tử định dạng PDF, chưa in, phát hành được tài liệu…

Theo phản ánh của một số Sở GD&ĐT, mặc dù tài liệu GDĐP đã được xây dựng xong nhưng vướng mắc, khó khăn chủ yếu nằm ở khâu đấu thầu in ấn, phát hành.  Bên cạnh đó, do khó khăn trong thẩm định giá nên không tổ chức đấu thầu được; kinh phí dành cho việc biên soạn, thẩm định tài liệu GDĐP theo quy định của Bộ Tài chính còn thấp, một số nội dung còn thiếu, chưa có quy định mức chi như biên tập, chế bản, mua tranh ảnh, thuê vẽ lược đồ nên địa phương rất khó mời các tác giả có chuyên môn tốt tham gia biên soạn. Thậm chí, một số tác giả viết sách cũng xin rút lui, gây khó khăn cho các địa phương trong việc triển khai…

Chia sẻ tại hội nghị đánh giá thực trạng triển khai nội dung GDĐP trong chương trình GDPT 2018 do Bộ GD&ĐT tổ chức ngày 3/6, bà Tăng Thị Ngọc Mai, Phó Giám đốc Sở GD&ĐT Trà Vinh kiến nghị nên thẩm định rõ quy trình in ấn, phát hành và đảm bảo nhuận bút cho tác giả tham gia biên soạn tài liệu GDĐP. Bộ GD&ĐT cũng cần tiếp tục phối hợp với Bộ Tài chính đề xuất với Chính phủ có cơ chế riêng để thực hiện khâu phát hành, in ấn tài liệu GDĐP. Bà Dương Bích Nguyệt, Giám đốc Sở GD&ĐT Lào Cai cũng cho biết, dù chưa có điều kiện để in ấn, phát hành được tài liệu GDĐP do vướng mắc về việc thẩm định giá sách, đấu thầu nhưng địa phương này đã photo một số tài liệu về giáo dục địa phương để đưa vào các nhà trường, đồng thời đưa cả phiên bản PDF để thầy trò cùng dạy và học. Tuy nhiên, đây cũng chỉ là giải pháp tạm thời, về lâu dài, cần phải có tài liệu chuẩn để đảm bảo cả hai vấn đề bản quyền và chất lượng…

Thứ trưởng Bộ GD&ĐT Phạm Ngọc Thưởng yêu cầu, ngành Giáo dục các địa phương cần xác định GDĐP là tài liệu bắt buộc. Quá trình biên soạn, in ấn, phê duyệt tài liệu GDĐP phải theo hướng đơn giản, có căn cứ pháp lý nhưng phải đúng quy định, hiệu quả. Các tổ chức, doanh nghiệp tham gia công tác biên soạn, in ấn, phát hành với mục tiêu là nhiệm vụ chính trị chứ không phải vì mục tiêu lợi nhuận. Các đơn vị thuộc Bộ GD&ĐT cần căn cứ chức năng, nhiệm vụ của mình thực hiện đồng bộ các giải pháp để hỗ trợ các địa phương sớm có được tài liệu GDĐP đảm bảo đúng quy định và tiến hành giảng dạy cho học sinh.

Theo CAND
Bình luận

Tin khác

Back To Top